3 loại vũ khí Mỹ mà Ukraine và Israel đều muốn sở hữu
(Dân trí) - Israel và Ukraine đang tham chiến trong 2 dạng chiến trường khác nhau, nhưng một số hệ thống vũ khí có thể sớm bị thiếu hụt nếu giao tranh kéo dài nhiều tháng.
Với lời cam kết gửi thêm nhiều vũ khí cho cả Ukraine và Israel, Tổng thống Joe Biden hôm 19/10 đã nỗ lực thể hiện thông điệp rằng Mỹ không "nhất bên trọng, nhất bên khinh".
Nhưng chỉ vài giờ trước đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng nước này sẽ chuyển cho Israel hàng chục nghìn viên đạn pháo 155mm vốn dự định dành cho Ukraine, theo New York Times.
Số đạn pháo nói trên là ví dụ cho những loại vũ khí Mỹ mà cả Ukraine và Israel có thể đều cần. Nếu chiến dịch của Israel tại Dải Gaza kéo dài nhiều tháng, năng lực sản xuất của Mỹ có thể gặp khó khăn bắt kịp nhu cầu.
Trong đa số trường hợp, Ukraine và Israel đang tham chiến trong 2 dạng chiến trường khác nhau và sẽ có nhu cầu khác nhau, theo nhiều người từng hoặc đang làm việc cho quốc hội và cơ quan an ninh quốc gia Mỹ.
Trong khi chiến sự Ukraine đã trở thành cuộc giao tranh tiêu hao với những cuộc đọ pháo với Nga, Israel sắp tiến hành tác chiến đô thị tại khu vực Dải Gaza với mật độ dân dày đặc.
"Sẽ có rất ít sự chồng lấn giữa khí tài Mỹ sẽ cung cấp cho Israel và Ukraine", ông Michael Morell, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), nói vào tuần trước.
Dù vậy, khi mà nguồn dự trữ đạn pháo 155mm cùng các khí tài khác trên thế giới đã và đang bị dàn mỏng, nước Mỹ "sẽ có sự đánh đổi" trong việc cung cấp vũ khí cho cả 2 cuộc giao tranh nếu chúng kéo dài, ông Mark Cancian, chuyên gia vũ khí thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.
Đạn pháo
Đạn pháo cỡ 155mm tiêu chuẩn NATO được dự đoán có nhu cầu cao vì chúng đều được Israel và Ukraine dùng để nhắm vào mục tiêu trong phạm vi vài chục dặm.
Kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2/2022, Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn 2 triệu viên đạn pháo 155mm, châu Âu gửi hàng trăm nghìn viên nữa. Vì thế, kho dự trữ của phương Tây hiện đã gần trơ đáy, Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, một quan chức hàng đầu NATO, cho biết gần đây.
Tháng 1, Lầu Năm Góc từng nói sẽ mở kho dự trữ Mỹ tại Israel để chuyển thêm hàng trăm nghìn viên đạn pháo 155mm cho Ukraine. Kho dự trữ này được đặt tại Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, với mục đích nhanh chóng bổ sung khí tài khắp khu vực khi cần thiết.
Khoảng một nửa số đạn pháo trong kho tại Israel đã được chuyển đi vào mùa đông năm ngoái. Ít nhất một phần trong số còn lại hiện được Lầu Năm Góc dự định chuyển cho quân đội Israel, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khác cho biết Israel và Ukraine có thể nhận được các biến thể khác nhau của cùng loại đạn dược để tránh "giẫm chân".
Mỹ có thể chuyển cho Israel loại đạn pháo dẫn dường chính xác để tấn công mục tiêu trong khu vực đô thị chật chội, còn loại đạn chùm mà Ukraine đang nhận được sẽ có hiệu quả hơn đối với các vị trí phân tán trên chiến trường.
Dù vậy, quan chức quân đội ở cả Kiev và NATO đều lo sợ Ukraine sẽ sớm hết đạn.
Các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất đạn dược nhưng khả năng cao là họ sẽ mất nhiều năm nữa để có thể nạp đầy kho dự trữ của NATO và đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Đó là chưa kể tới nhu cầu của Israel.
Bom thông minh
Sau khi Hamas tấn công, lô vũ khí đầu tiên Mỹ gửi cho Israel bao gồm khoảng 1.000 quả bom cỡ nhỏ nặng khoảng 113kg, được phóng từ máy bay, dùng hệ thống GPS để theo dõi và tấn công mục tiêu. Các quan chức cho biết Israel đang thúc giục Mỹ chuyển thêm.
Trong khi đó, phiên bản phóng từ mặt đất của loại bom trên cũng đã được Mỹ hứa chuyển cho Ukraine và dự kiến giao vào mùa thu này.
Từ năm 2010, Israel đã mua hơn 8.500 quả bom cỡ nhỏ từ Mỹ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng mua hơn 34.000 quả bom nói trên từ năm 2018. Số lượng bom trong kho được một vị tướng Không quân Mỹ mô tả hồi năm 2021 là "lớn".
Theo New York Times, điều đó có nghĩa Ukraine và Israel được cho là sẽ không phải tranh nhau vì số bom nói trên.
"Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu của cả Israel và Ukraine trong thời gian trước mắt", ông Bradley Bowman, cựu sĩ quan Lục quân Mỹ và chuyên gia quân sự cấp cao thuộc Quỹ Phòng thủ Dân chủ tại Washington D.C.
Tên lửa Stinger
Hệ thống phòng không của Israel và Ukraine nói chung có sự khác nhau lớn.
Với Israel, xương sống của tuyến phòng không nước này là hệ thống Vòm Thép. Trong khi đó, hàng phòng không Ukraine chủ yếu là khí tài từ Mỹ, bao gồm hệ thống Patriot, cũng như từ Đức và Na Uy.
Ông Cancian cho biết cả 2 nước đều có tên lửa Stinger - loại vũ khí Ukraine đã dùng để bắn hạ UAV của Nga. Israel có thể cần tới Stinger trong cuộc tấn công trên bộ. Với đặc điểm nhỏ gọn và cơ động cao, loại tên lửa vác vai này có thể có hiệu quả lý tưởng trong quá trình tác chiến đô thị tại thành phố Gaza của Dải Gaza.
Mỹ cũng có thể được Israel đề nghị cung cấp "Kẻ báo thù", chiếc xe tải Humvee chuyên dụng có thể liên tiếp khai hỏa tới 8 tên lửa Stinger. Mỹ đã chuyển cho Ukraine hơn 2.000 hệ thống Stinger và 20 chiếc Avenger.
Israel và Ukraine cũng có hệ thống phòng không Patriot nhưng giá thành Stinger rẻ hơn nhiều so với tên lửa Patriot. Vì thế, Stinger vẫn mang lại hiệu quả cao về mặt chi phí khi dùng để bắn rơi UAV và rocket giá rẻ của Hamas.
Tuy nhiên, kho dự trữ Stinger hiện nay "cực kỳ hạn chế" và số lượng sản xuất mới cũng rất ít, ông Cancian nói.