3 kịch bản về kết thúc chiến sự Nga - Ukraine
(Dân trí) - Truyền thông phương Tây vạch ra 3 kịch bản mà cuộc chiến Nga và Ukraine có thể kết thúc sau 3 năm.
![3 kịch bản về kết thúc chiến sự Nga - Ukraine - 1 3 kịch bản về kết thúc chiến sự Nga - Ukraine - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/NIK98IqkG0Sl2jmviFPecZMVI44=/thumb_w/1020/2025/02/14/4795449189760607213736737634859116746447295n-1739532585814.jpg)
Cuộc chiến "hao người, tốn của" giữa Nga và Ukraine đã sắp bước sang năm thứ 4 (Ảnh: Euromaidan Press).
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin khởi động các cuộc đàm phán hòa bình về xung đột Ukraine, Bloomberg đưa ra ba kịch bản tiềm năng có thể định hình lại an ninh châu Âu và quan hệ quốc tế.
Mỗi kịch bản đều mang đến những thách thức và cơ hội khác nhau cho Nga, Ukraine, các đồng minh châu Âu và bối cảnh an ninh toàn cầu.
Thứ nhất, kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất là một thỏa thuận mà trong đó các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát sẽ tiếp tục nằm dưới sự quản lý trên thực tế của Moscow, tạo ra một khu vực xung đột đóng băng tương tự như các tranh chấp hậu Liên Xô khác.
Thỏa thuận có thể bao gồm một số trao đổi lãnh thổ hạn chế, đặc biệt là các khu vực thuộc tỉnh Kursk của Nga hiện do lực lượng Ukraine nắm giữ.
Kịch bản này có thể đi kèm với các đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng hiệu quả của chúng sẽ phụ thuộc nhiều vào cam kết thực thi của các lãnh đạo chính trị phương Tây trong tương lai.
Thỏa thuận sẽ duy trì chủ quyền của Ukraine đối với các vùng lãnh thổ chưa bị kiểm soát, trong khi các khu vực tranh chấp rơi vào tình trạng bế tắc ngoại giao.
Các yếu tố chính của kịch bản này bao gồm: Nga quản lý trên thực tế các vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát; một số trao đổi lãnh thổ liên quan đến tỉnh Kursk; các đảm bảo an ninh hạn chế cho Ukraine, nhưng không phải tư cách thành viên NATO; hỗ trợ quân sự từ phương Tây cho Ukraine được duy trì nhưng giảm dần; Ukraine được hỗ trợ để tái thiết một phần.
Kịch bản thứ 2 được cho là lý tưởng nhất với Ukraine. Khi xung đột đóng băng, các bên sẽ thiết lập một khung an ninh toàn diện cho Kiev, dù Ukraine không đạt được tư cách thành viên NATO đầy đủ. Mặc dù các đảm bảo can thiệp quân sự trực tiếp từ phương Tây khó xảy ra do nguy cơ leo thang, nhưng kịch bản này vạch ra một hệ thống phản ứng nhanh và các biện pháp răn đe mạnh mẽ.
Trong kịch bản này, các quốc gia châu Âu sẽ tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng, với Bloomberg ước tính cần chi 3.100 tỷ USD trong thập niên tới. Điều này bao gồm các khoản đầu tư lớn vào kho đạn pháo, hệ thống phòng không và tên lửa, đặc biệt nhằm củng cố biên giới phía đông của EU.
"Liên minh châu Âu và các đồng minh có đủ sức mạnh và phương tiện để vượt Nga về chi tiêu và sản xuất quân sự. Điều chúng ta cần là ý chí chính trị nhiều hơn", Martin Selmayr, Đại sứ EU tại Liên Hợp Quốc ở Rome, Italy, nhận định.
Kịch bản này sẽ bao gồm những điểm chính: Cam kết an ninh song phương mạnh mẽ cho Ukraine từ các đồng minh phương Tây; cơ chế hỗ trợ quân sự nhanh chóng cho Ukraine khi xung đột tiếp tục nổ ra; nâng cao năng lực trừng phạt Nga; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Ukraine; thúc đẩy nhanh con đường gia nhập EU của Ukraine; hỗ trợ tái thiết toàn diện Ukraine với sự hậu thuẫn quốc tế.
Kịch bản thứ 3 là Mỹ rút khỏi cuộc xung đột, dẫn tới việc châu Âu phải vật lộn để lấp đầy khoảng trống an ninh và tài chính khổng lồ cho chiến sự Ukraine, đồng thời phải đối mặt với một nước Nga ngày càng mạnh mẽ hơn. Đây được xem là phương án xấu nhất với Ukraine.
Bloomberg cảnh báo rằng ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình ban đầu thành công, Nga vẫn có khả năng tiếp tục tấn công nếu các mục tiêu của họ không được đáp ứng một cách triệt để.
Kịch bản này bao gồm các điểm chính: Mỹ rút hoàn toàn hỗ trợ quân sự cho Ukraine; nội bộ NATO chia rẽ về cách hỗ trợ Ukraine; Nga gia tăng ảnh hưởng ở Đông Âu; khả năng răn đe của châu Âu bị suy giảm; gánh nặng kinh tế gia tăng lên ngân sách quốc phòng châu Âu; khả năng phòng thủ của Ukraine suy yếu nghiêm trọng.
Tình hình hiện tại đang có lợi cho Nga, Bloomberg nhận định, nhấn mạnh rằng nền kinh tế chiến tranh của Nga có thể sản xuất thiết bị quân sự vượt quá nhu cầu trên chiến trường.
Các quan chức châu Âu thừa nhận lợi thế lớn về nhân lực và công suất công nghiệp của Nga, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc duy trì đoàn kết và hỗ trợ từ phương Tây với Ukraine để tránh kịch bản xấu nhất có thể xảy đến.