(Dân trí) - Ngày 7/5/2021 đánh dấu chặng đường 21 năm ông Vladimir Putin chèo lái con thuyền nước Nga vượt qua bao thăng trầm, sóng gió.
21 NĂM ÔNG PUTIN CHÈO LÁI "CON THUYỀN" NƯỚC NGA
Ngày 7/5/2021 đánh dấu chặng đường 21 năm ông Vladimir Putin chèo lái con thuyền nước Nga vượt qua bao thăng trầm, sóng gió.
Từng đó năm trên các cương vị lãnh đạo nước Nga, ông vẫn kiên định với đường lối nhằm phát triển đất nước bền vững, sẵn sàng đối thoại với các nước, bảo vệ lợi ích quốc gia trên trường quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh, bảo đảm phúc lợi cho nhân dân.
Từ KGB đến Điện Kremlin
Ông Vladimir Putin sinh ngày 7/10/1952 tại Leningrad (nay là St. Petersburg). Sau khi tốt nghiệp Khoa Luật, năm 1975 ông bắt đầu "đầu quân" cho KGB để theo đuổi đam mê mà ông ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ 1985-1990, ông Putin làm việc tại bản doanh cơ quan tình báo đối ngoại ở Dresden.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết, trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Thủ tướng Nga vào tháng 8/1999, ông Putin đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng từ trợ lý hiệu trưởng Đại học Quốc gia Leningrad phụ trách về các vấn đề quốc tế đến Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang. Trong thông điệp chúc mừng năm mới năm 2000, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, Boris Yeltsin, đã thông báo quyết định từ chức sớm, trao quyền cho Thủ tướng Putin. Ông Putin từng tiết lộ, ban đầu ông từ chối lời đề nghị của ông Yeltsin về việc đảm nhận chức vụ thủ tướng và sau đó tham gia tranh cử tổng thống vì ông tự cho rằng mình chưa sẵn sàng nhận trọng trách lớn lao này.
Tuy nhiên, vào tháng 1/2000, khi đến thăm Đại học Quốc gia St. Petersburg, ông Putin đã thông báo quyết định tranh cử. Và ngay từ vòng 1 của cuộc bầu cử ông đã giành thắng với số phiếu ủng hộ cao. Lễ nhậm chức chính thức của Tổng thống Nga Putin diễn ra vào ngày 7/5/2000 tại Điện Kremlin. Năm 2004, ông tái đắc cử. Đến cuộc bầu cử năm 2008, ông Putin không tham gia tranh cử mà ủng hộ Dmitry Medvedev làm ứng cử viên tổng thống, còn ông trở thành Thủ tướng. Cùng năm đó, Hiến pháp Liên bang Nga đã được sửa đổi, theo đó tổng thống được bầu với nhiệm kỳ không còn là 4 năm mà tăng lên 6 năm. Năm 2012, ông Putin lại trở thành nguyên thủ quốc gia và năm 2018 ông tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với sự ủng hộ kỷ lục khi hơn 56,4 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông.
Năm 2020, Hiến pháp Liên bang Nga một lần nữa được sửa đổi với sự ủng hộ của gần 58 triệu người dân. Hiến pháp mới đưa ra các quy định về cơ chế của Hội đồng Nhà nước Liên bang và "khai tử" điều khoản không cho phép tổng thống giữ vị trí quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Trả lời về ý định tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, trong cuộc họp báo ngày 17/12/2020, ông Putin cho biết, hiện ông chưa quyết định và sẽ xem xét điều này. Đầu tháng 4 vừa qua, Putin đã ký luật cho phép ông tái tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Đối nội quyết đoán
Trong những năm đầu tiên trên cương vị tổng thống, Putin đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất, củng cố chính quyền trung ương, tiến hành hàng loạt các cải cách quan trọng trong các lĩnh vực thuế, ngân hàng, đất đai, đặc biệt là thiết lập hòa bình ở Caucasus.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần hai, Putin tiếp tục theo đuổi chính sách tập trung giải quyết các vấn đề xã hội: luật về chế độ thai sản có hiệu lực, tăng trợ cấp, tăng lương cho quân nhân. Ông tiếp tục củng cố "chiều dọc quyền lực", cụ thể tháng 9/2004, Putin công bố kế hoạch hủy bỏ bầu cử trực tiếp người đứng đầu các chủ thể của liên bang. Theo đó, các thống đốc được bổ nhiệm bởi Tổng thống với sự phê duyệt tại các cơ quan lập pháp địa phương.
Ngay đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Putin đã giao cho Chính phủ mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi GDP trong 10 năm. Và thực tế, trong 8 năm, mức tăng trưởng này là khoảng 70% và ngành công nghiệp tăng trưởng 75%. Dòng vốn chảy ra nước ngoài, lên tới hàng chục tỷ USD, đã dừng lại, nguồn đầu tư tăng 125% và đồng rúp trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi. Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, Putin phải đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2008 để giúp nền kinh tế Nga trụ vững.
Trở thành tổng thống lần thứ ba, vào năm 2012, ông bắt đầu nhiệm kỳ với hành động ký kết cái gọi là "Nghị định tháng 5" - một chương trình phát triển các bảo đảm xã hội. Ông cũng đặt ra một lộ trình cho việc trẻ hóa đội ngũ thống đốc để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chính quyền khu vực. Ngay trong ngày nhậm chức lần thứ tư vào tháng 5/2018, Putin đã ký sắc lệnh tạo cơ sở cho 12 dự án quốc gia mới với tham vọng đưa nước Nga lọt vào top 5 nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Đại dịch Covid-19 đang là một thách thức nghiêm trọng đối với nước Nga. Việc thực hiện các dự án quốc gia tạm thời gác lại với phương châm tập trung cho cuộc chiến chống đại dịch và khắc phục hậu quả do nó gây ra. Theo Putin, Nga đã cố gắng huy động các nguồn lực cho giai đoạn đầy khó khăn này. Theo đó, hai gói chống khủng hoảng trị giá 2,1 nghìn tỷ rúp đã được phân bổ để hỗ trợ các công dân yếu thế trong xã hội, cũng như các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, người đứng đầu nước Nga đã ghi nhận thành công của các nhà khoa học Nga, những người đã tạo ra bước đột phá bằng cách phát triển 3 loại vắc xin tin cậy chống lại Covid-19. Theo ông Putin, virus vẫn chưa bị đánh bại và cần phải hết sức cảnh giác. Ông nhấn mạnh vai trò trung tâm của tiêm chủng trong cuộc chiến chống lại virus và kêu gọi người Nga đi tiêm phòng. Putin cũng cam kết rằng, bộ máy chính quyền sẽ nỗ lực hết mình để thị trường lao động và thu nhập thực tế của người dân sẽ sớm khôi phục.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ, ông Putin công bố một loạt đề xuất mới. Theo đó, ông đã chỉ thị cho Chính phủ soạn thảo và đưa vào thực hiện chương trình giảm mức độ nghèo đói cho các gia đình có trẻ em bắt đầu từ tháng 7 tới. Đồng thời nhấn mạnh cần hỗ trợ riêng cho những gia đình có phụ nữ hoặc đàn ông nuôi con một mình. Về vấn đề này, trẻ em từ 8 đến 16 tuổi, lớn lên trong các gia đình đơn thân, từ tháng 7 sẽ được trả trung bình 5.650 rúp/tháng.
Tổng thống Nga cũng đề nghị trả cho những phụ nữ mang thai gặp hoàn cảnh khó khăn 6 350 rúp/tháng. Như một biện pháp khác để hỗ trợ các gia đình, ông Putin đề nghị trả toàn bộ chi phí chăm sóc tại bệnh viện cho trẻ dưới 7 tuổi. Ngoài ra, người đứng đầu nước Nga đề xuất thanh toán một lần 10 nghìn rúp cho các gia đình có con đi học và lan rộng mô hình này cho các học sinh lớp 1 trong tương lai.
Tổng thống Putin cho biết, Chính phủ đã được chỉ thị trong vòng 1 tháng cần đề xuất các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tín dụng, thuế và mở rộng tiêu thụ. Ngoài ra, ông đề xuất tái cơ cấu các khoản vay ngân sách được cấp năm 2020 cho các khu vực để phòng chống đại dịch. Một biện pháp khác mà ông Putin đề xuất để hỗ trợ các khu vực là cho vay ngân sách để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng với lãi suất không quá 3% trong 15 năm.
Đối ngoại thành công
Theo RIA Novosti, ban đầu, ông Putin cho rằng có thể hợp tác với Mỹ trên cơ sở quan hệ đối tác bình đẳng và ông rất hy vọng vào điều đó. Tuy nhiên, tất cả các hành động mở rộng NATO, cuộc chiến ở Iraq, kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, cũng như các cuộc xung đột quân sự ở Syria và Libya… đã cho ông thấy rằng phương Tây chỉ hành động trên cơ sở lợi ích cá nhân.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, ông Putin bắt đầu tính toán lại quan hệ với phương Tây khi ông phát tại hội nghị Munich về chính sách an ninh năm 2007, trong đó Putin chỉ trích gay gắt thói quen áp đặt ý chí của Mỹ lên các nước khác, phản đối kế hoạch tiếp tục mở rộng NATO và triển khai ở Đông Âu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhấn mạnh sự vô căn cứ của chính sách thế giới đơn cực trong thực trạng hiện nay và nhấn mạnh rằng Nga theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình, ông Putin đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề địa chính trị. Trong giai đoạn này, ông chỉ thị bắt đầu xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt "Sức mạnh Siberia" và "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", phát triển Liên minh Kinh tế Á-Âu, củng cố quan hệ với Ai Cập và các nước BRICS (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Nga và Nam Phi).
Cuộc chiến chống khủng bố của Nga cũng đã vươn ra tầm quốc tế. Theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2015, Nga đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại các nhóm khủng bố ở nước Cộng hòa Arab này.
Bên cạnh giải quyết chính trị tình hình ở Syria, Moscow còn tích cực tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, nhờ vậy mà sự ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông gia tăng đáng kể. Việc tổ chức thành công Thế vận hội Olympic ở Sochi và World Cup ở Nga và sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014 có thể được coi là những thành tựu chính trong chính sách đối ngoại của Nga trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, những thành tựu đối ngoại của Nga đã bị ảnh hưởng bởi sự xấu đi trong quan hệ với Mỹ và các nước châu Âu. Thành công tại Thế vận hội Sochi bị tác động bởi vụ bê bối doping quốc tế lớn, và sau khi sáp nhập Crimea, Nga liên tiếp bị áp đặt các lệnh trừng phạt. Bản thân Tổng thống Putin cũng thừa nhận rằng lúc đầu điều này khiến ông lo lắng, nhưng trên thực tế, cũng chính nhờ các lệnh trừng phạt, đất nước Bạch Dương đã bắt đầu phát triển thành công các ngành nghề vốn dựa vào nhập khẩu.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Nga - Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng mới, khi trong một cuộc phỏng vấn ông chủ Nhà trắng đã dùng từ nặng lời để nói về nhà lãnh đạo Nga và khẳng định rằng: "Ông Putin sẽ phải trả giá cho sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ". Bình luận về phát ngôn của Biden, Putin chúc ông sức khỏe và nhắc đến câu đùa của trẻ con: "Bạn gọi tôi thế nào thì chính bạn là người như thế". Theo Putin, khi đánh giá người khác trước tiên nên tự nhìn lại bản thân mình.
Trong thông điệp liên bang trình bày trước quốc hội liên bang hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Putin cho biết, các hành động "không thân thiện" với Nga sẽ không dừng lại, tuy nhiên nước Nga sẽ hành động với sự kiềm chế ở mức độ cao nhất, thường sẽ không phản ứng lại với những hành động không thân thiện, thậm chí ngay cả "sự thô lỗ".
21 năm chèo lái con thuyền nước Nga, Putin đã giúp Đất nước Xứ sở Bạch Dương có được vị thế ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm trong các vấn đề chung của thế giới… Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng con thuyền nước Nga dưới tay chèo của vị "thuyền trưởng" đầy năng lượng và nhiệt huyết được kỳ vọng sẽ cập bến thành công!