2015: Cuộc phô diễn khí tài quân sự hoành tráng của Nga
Trong năm 2015, quân đội Nga đã tiếp nhận 1.172 xe tăng mới bao gồm cả siêu tăng T-14 Armata.
Rủi ro phía sau uy lực không quân Nga ở Syria
Trong nỗ lực thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội ở quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại, Bộ Quốc phòng Nga thông báo trên trang web các khí tài quân sự mới đưa vào hoạt động.
Cụ thể, quân đội Nga đã tiếp nhận 1.172 xe tăng mới bao gồm cả siêu tăng T-14 Armata. Siêu tăng thế hệ mới này được trang bị một loại pháo lớn có khả năng bắn thủng lớp thép dày 1m.
Armata sẽ trở thành xe tăng chiến đấu chủ lực của các lực lượng mặt đất Nga và dự kiến vào năm 2020, quân đội nước này sẽ được trang bị khoảng 2.300 chiếc.
Không quân có thêm 250 máy bay trong đó có 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và 3 máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Tu-95MS
Tu-95MS có thể mang được 16 tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân và là một trong những loại máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới. Tầm hoạt động của Tu-95MS khoảng 12.000km và nếu có tiếp liệu trên không, tầm hoạt động của nó là không giới hạn.
Tu-160
Trong khi đó, Tu-160 được tạp chí National Interest của Mỹ đánh giá là đã hoàn toàn chứng minh khả năng siêu việt của mình trong chiến dịch không kích tổ chức khủng bố IS ở Syria.
Sau khi được trang bị loại tên lửa hành trình mới, khả năng chiến đấu của máy bay ném bom chiến lược này được coi là thuộc loại mạnh nhất trong lịch sử không quân thế giới.
Hiện không quân Nga còn sở hữu ít nhất 15 chiếc máy bay ném bom loại này. Tu-160 trang bị tên lửa hành trình tầm xa tới hàng ngàn km, hoạt động bên ngoài khu vực phòng không của bất cứ đối thủ nào.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars
Lực lượng tên lửa chiến lược cũng được trang bị các hệ thống tên lửa mới Yars. 95% các tổ hợp tên lửa Nga được triển khai để có thể phóng ngay lập tức.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars có tầm bắn 11.000 km. Khác với Topol-M, RS-24 có nhiều đầu đạn tự tách.
Ngoài các đầu đạn, Yars còn có thể mang tổ hợp các phương tiện đột phá phòng thủ tên lửa nên gây khó khăn lớn cho đối phương trong việc phát hiện và chặn đánh tên lửa. RS-24 thậm chí có thể lắp đặt trên đường sắt.
Lực lượng hải quân chiến lược Nga cũng tăng mạnh các khả năng tác chiến khi tiếp nhận các tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh.
Quái vật đại dương mới
Tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky
Tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky với thiết kế kết hợp những thành tựu mới nhất về khoa học và kỹ thuật làm giảm tiếng ồn, giúp tàu chạy yên tĩnh hơn các tàu hạt nhân thế hệ trước.
Tàu ngầm được trang bị tổ hợp phóng tên lửa thế hệ mới, với các tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava.
Tàu ngầm hạt nhân Vladimir Monomakh
Vladimir Monomakh là tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ 4 của Nga, do Cục thiết kế thiết bị hàng hải Rubin đóng.
Đây là tàu ngầm thứ 3 lớp Borei trong dự án 955. Các tàu ngầm lớp Borei được coi là những 'quái vật đại dương' mới nhất và tối tân nhất của Hải quân Nga hiện nay.
Vladimir Monomakh có chiều dài 170m, rộng 13,5m, có khả năng lặn sâu 450m và chứa 107 thủy thủ.
Sức mạnh của tàu dựa trên hệ thống vũ khí chủ lực là 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava, tích hợp 6 đầu đạn hạt nhân phân tách độc lập.
Tên lửa đạn đạo Topol-M
Nga cũng đã triển khai 35 tên lửa đạn đạo mới. Loại thiết bị ba tầng đẩy này hiện được nâng cấp khoảng 55%.
Theo Thái An (tổng hợp)
Vietnamnet