1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

2 nước lớn trong NATO phản đối kết nạp Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và Đức được cho là phản đối lời kêu gọi của các thành viên NATO khác về việc mời Ukraine gia nhập khối vì lo ngại xung đột với Nga, theo tạp chí Foreign Policy.

2 nước lớn trong NATO phản đối kết nạp Ukraine? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ 3 từ trái sang) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (thứ 2 từ trái sang) trong một cuộc họp (Ảnh: AFP).

Tạp chí Foreign Policy ngày 30/1 dẫn lời các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức cho biết, Ukraine và một số nước ủng hộ Kiev nhiệt tình nhất, bao gồm Ba Lan và các nước vùng Baltic, đang thúc đẩy việc kết nạp Ukraine vào NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Washington, Mỹ vào tháng 7.

Những nước ủng hộ việc thúc đẩy nhanh nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine cho rằng chỉ có tư cách thành viên chính thức của Kiev mới có thể buộc Nga chấm dứt xung đột, đồng thời tuyên bố rằng động thái này về lâu dài sẽ đỡ tốn kém hơn so với việc vận chuyển vũ khí vĩnh viễn.

Tuy nhiên, theo Foreign Policy, Mỹ và Đức, hai nước ủng hộ Ukraine hàng đầu về viện trợ quân sự, lại không đồng tình với lập trường trên.

Các quan chức của Mỹ và Đức được cho là tin rằng dù Kiev cuối cùng nên gia nhập NATO nhưng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp, đồng thời nói thêm rằng phương Tây thay vào đó nên tập trung vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Foreign Policy cho biết việc kết nạp Ukraine vào NATO trong khi nước này đang xung đột với Nga có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện giữa NATO và Moscow. Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia thành viên NATO sẽ bị coi là chống lại toàn bộ liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Theo Foreign Policy, tình hình bế tắc càng trở nên trầm trọng hơn do lập trường của một số thành viên EU, bao gồm Hungary và Slovakia, những nước phản đối việc gửi vũ khí tới Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã cảnh báo rằng tư cách thành viên của Kiev trong khối có thể lôi kéo NATO vào cuộc xung đột. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cho rằng động thái này có thể châm ngòi cho Thế chiến thứ ba.

Mỹ được cho là đã kêu gọi các thành viên EU không nêu vấn đề kết nạp Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh, cho rằng điều đó có thể phơi bày sự chia rẽ.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng việc Kiev thúc đẩy gia nhập NATO, vốn được ghi trong hiến pháp nước này là mục tiêu chiến lược vào năm 2019, là một trong những lý do chính dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.

Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng một số nước thành viên NATO trên thực tế đã triển khai lực lượng ở Ukraine.

Ông Shoigu cho biết thành viên của NATO đang trực tiếp vận hành các hệ thống phòng không, tên lửa đạn đạo chiến thuật và hệ thống tên lửa phóng loạt ở Ukraine. Ngoài ra, hàng trăm vệ tinh của NATO đang hỗ trợ Ukraine trong hoạt động trinh sát.

Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh, các sĩ quan phương Tây hiện đóng vai trò tích cực trong việc chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến cũng như hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine tại Ukraine hoặc tại các nước đó.

Theo RT