16 tổ chức phi chính phủ kêu gọi ASEAN và LHQ hành động
(Dân trí) - Liên minh 16 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (TCPCPNN) đã ra tuyên bố đề nghị Liên hợp quốc và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Biển Đông.
Tham dự buổi họp có khoảng 300 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hữu, đại diện các ban/đơn vị trong Liên hiệp Hữu nghị, đại diện từ các TCPCPNN đang hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan báo chí, đài truyền hình trong và ngoài nước.
Diễn giả/nhà bình luận tham dự buổi chia sẻ thông tin có ông Lê Thanh Sơn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ông Lê Văn Cương, Nhà phân tích quan hệ quốc tế, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao và ông Nguyễn Vũ Tùng, Viện biển Đông.
Các diễn giả tham dự cuộc họp sáng ngày 13/5
Tại buổi họp, cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước hành động leo thang của Trung Quốc, kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời ra tuyên bố đề nghị Liên hợp quốc và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở biển Đông.
Các tổ chức phi chính phủ cho rằng Việc Trung Quốc rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ góp phần làm ổn định môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Bản tuyên bố nêu rõ, “Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, hàng triệu người nghèo và những người yếu thế tại nước có xung đột luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có Việt Nam khi mà chính phủ đang nỗ lực hết sức để xóa đói giảm nghèo và tạo những cơ hội mới cho người nghèo sau nhiều năm chiến tranh."
“Chúng tôi kêu gọi Ban thư ký ASEAN và Liên Hiệp Quốc ra thông cáo để yêu cầu chấm dứt sự xung đột ở biển Đông cũng như cử các đoàn xác minh để thu thập thông tin và gợi ý giải pháp giải quyết xung đột.”
Các TCPCPNN cũng kêu gọi người dân và các tổ chức xã hội của ASEAN, Trung Quốc và Việt Nam cung cấp thông tin khách quan về vụ xung đột đang diễn ra đồng thời huy động người dân bảo vệ quyền sống trong hòa bình của mình.
Một đại diện từ Hội Emis France Việt Nam, một tổ chức nhân đạo xã hội tập hợp chủ yếu các công dân Pháp gốc Việt yêu nước với mục tiêu kết nối tình hữu nghị Việt-Pháp, cho biết bà chủ tịch hội đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp để chia sẻ thông tin và cực lực phản đối phía Trung Quốc, đồng thời đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và tàu chiến ra khỏi khu vực thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam cũng như kêu gọi các tổ chức quốc tế khác ủng hộ Việt Nam.
Bà Kim Young Shin, Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt-Hàn, rất chia sẻ với Việt Nam trong hoàn cảnh này. Bà cũng cảm ơn các bài phát biểu tại buổi họp đã giúp người nước ngoài có thêm thông tin về hành vi sai trái của Trung Quốc. Theo bà, để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động kêu gọi ủng hộ của cộng đồng quốc tế và phổ biến thông tin, Việt Nam nên thành lập trang web riêng bằng nhiều thứ tiếng để tập hợp ý kiến ủng hộ và phổ biến thông tin nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng quốc tế hiểu lập trường của Việt Nam.Nam Hằng