1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

1,3 triệu người ký tên ngăn Tổng thống Donald Trump thăm Anh

(Dân trí) - Hơn 1,3 triệu người đã ký tên vào một kiến nghị hối thúc chính phủ Anh hủy chuyến thăm cấp nhà nước của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Anh, sau khi ông Trump công bố sắc lệnh di trú gây tranh cãi.


Ông Trump nắm tay thân mật bà May tại Nhà Trắng hồi tuần trước (Ảnh: New York Times)

Ông Trump nắm tay thân mật bà May tại Nhà Trắng hồi tuần trước (Ảnh: New York Times)

Guardian đưa tin, kiến nghị, được đăng tải trên trang web kiến nghị chính thức của chính phủ Anh, chỉ có 60 chữ ký vào chiều 28/1 nhưng nhanh chóng đạt 100.000 chữ ký ngay sau trưa ngày 29/1.

Tính tới ngày 30/1, kiến nghị đã nhận được 1,3 triệu chữ ký. Theo quy định của Anh, các kiến nghị nhận được 100.000 chữ ký trở lên sẽ được xem xét để thảo luận tại quốc hội.

Theo BBC, đây là kiến nghị nhận được nhiều chữ ký thứ 2 sau kiến nghị nhận hơn 4 triệu người ký tên hồi năm ngoái nhằm kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc liệu Anh có rời Liên minh châu Âu hay không.

Vào năm 2015, một chiến dịch nhằm tìm cách cấm ông Trump, khi đó là ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, đến Anh đã nhận được hơn 500.000 chữ ký.

Tuy nhiên, Downing Street xác nhận rằng Thủ tướng Theresa May sẽ không rút lại lời mời thăm Anh của bà đối với Tổng thống Mỹ vì nó vẫn “quan trọng đối với lợi ích quốc gia”.

Bà Theresa May hồi tuần trước đã có chuyến thăm Washington để gặp gỡ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thủ tướng Anh cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với ông Trump kể từ khi ông nhậm chức hôm 20/1.

Phủ thủ tướng Anh ngày 30/1 cho hay bà May “đã đưa ra lời mời thay mặt Nữ hoàng và bà rất vui khi làm điều đó”. “Mỹ là một trong những đồng minh thân cận nhất của Anh và chúng tôi mong chờ được đón tiếp Tổng thống Mỹ trong năm nay”, tuyên bố cho hay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/1 đã ký một sắc lệnh di trú mới, trong đó có việc tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.

Sắc lệnh của ông Trump đã khiến nhiều người bị bắt tại các sân bay Mỹ khi vừa tới nơi dù họ có thị thực và các giấy tờ cho phép di trú hợp lệ khác. Nhiều người có thể cũng đã bị từ chối tại các sân bay ở nước ngoài khi họ đang định lên các chuyến bay tới Mỹ.

Động thái của ông Trump đã gây ra làn sóng phản đối rộng rãi không chỉ tại Mỹ mà còn khắp thế giới. Hàng loạt cuộc biểu tình đã bùng phát trên khắp nước Mỹ để phản đối sắc lệnh của ông Trump.

Theo BBC, các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh của ông Trump dự kiến cũng sẽ diễn ra bên ngoài Phủ thủ tướng ở London và tại các thành phố khác của Anh.

Thủ tướng Theresa May đã đối mặt với sự chỉ trích sau khi bà do dự trong việc lên án các biện pháp hạn chế nhập cư của ông Trump khi được đề nghị bình luận về sắc lệnh mới này hôm 27/1. Tuy nhiên, chính phủ Anh sau đó đã thể hiện lập trường phản đối về sắc lệnh này.

An Bình