11 tàu chiến mang Kalibr tới Tartus: Mỹ, NATO lo lắng
Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông báo rằng, 11 tàu chiến được triển khai ở Tartus là đủ để thực hiện tất cả nhiệm vụ cần thiết ở Trung Đông.
“Số lượng tàu chiến này là đủ để thực hiện tất cả các nhiệm vụ cần thiết ở Trung Đông, bao gồm nhiệm vụ sơ tán khẩn cấp, cung cấp nhiên liệu, trang thiết bị kỹ thuật, tham gia các chiến dịch cũng như hỗ trợ nhân đạo... Thông tin này đã được tờ báo farsnews.com dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất Duma Quốc gia, ông Dmitry Novikov.
Trước đó ngày 20/1, Moscow và Damascus đã ký một thỏa thuận về việc mở rộng hạm đội Hải quân Nga tại cảng Tartus của Syria.
Theo các điều khoản của thỏa thuận này cho phép Hải quân Nga có thể triển khai không quá 11 tàu chiến, tàu quân sự cũng như các tàu được trang bị nguồn năng lượng hạt nhân ở Tartus trong thời gian 49 năm.
Chúng được triển khai bên bờ biển của Syria và có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở, căn cứ của Nga trên biển và trên không cũng như có thể tham gia các chiến dịch quân sự khác.
Theo như giải thích của đại biểu trong Duma Quốc gia, việc mở rộng căn cứ là cần thiết do tình hình khu vực ngày càng trở nên phức tạp, hơn nữa các lực lượng kể cả người và vũ khí trang bị của Nga ở khu vực này ngày càng nhiều nên cần thiết phải bảo vệ cũng như sẵn sàng yểm trợ khi cần thiết.
Theo các chuyên gia phân tích, Nga cần thiết phải xây dựng và mở rộng căn cứ này vì nhiều nguyên nhân và mục tiêu khác nhau.
Moscow muốn bảo vệ lợi ích quốc gia, vô hiệu hóa các mối đe dọa, củng cố vai trò và vị trí ở Trung Đông, tăng cường chính sách ngoại giao và quốc phòng, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần cho lực lượng hải quân Nga đang triển khai ở Địa Trung Hải. Và căn cứ Tartus là “khu vực hỗ trợ đáng tin cậy” của hải quân Nga.
Theo báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về Quốc phòng và An ninh - ông Viktor Ozerov, sau khi hiện đại hóa cơ sở hạ tầng căn cứ Hải quân của Nga ở Tartus có thể sẽ tiếp nhận các tàu chiến hiện đại, bao gồm tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay trong đó có thể có tàu Đô đốc Kuznetsov.
Cùng với căn cứ không quân Hmeymim, căn cứ Tartus “sẽ tăng cường chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga” cho phép Nga “vô hiệu hóa các mối đe dọa”.
Các tàu ngầm và các tàu chiến của Nga được trang bị tên lửa hành trình Kalibr đặt tại Tartus sẽ giúp Nga có thể dễ dàng kiểm soát tình hình ở Trung Đông và Địa Trung Hải, đồng thời đối phó với những động thái "cần thiết" của NATO.
Thỏa thuận này của Nga khiến Mỹ và NATO lo lắng và có thể họ sẽ thực hiện những chính sách nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Nga tại khu vực Trung Đông.
Thỏa thuận này của Nga cùng với việc triển khai S-300 ở Syria sẽ đe dọa trực tiếp đến căn cứ Incirlik của Mỹ, Israel và các nước NATO.
Theo Nguyễn Đông
Đất Việt