1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ký kết CPTPP

(Dân trí) - 11 nước trong đó có Nhật Bản, Canada, ngày 8/3 đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile. Đây được coi là một bước đột phá của các nước thành viên sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định ban đầu.


11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP ngày 8/3. (Ảnh: Reuters)

11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP ngày 8/3. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, lễ ký kết diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile của Chile dưới dự chủ trì của Tổng thống Michelle Bachelet.

Phát biểu tại sự kiện này, Tổng thống Chile Michelle Bachelet cho biết: "Hôm nay, chúng tôi có thể tự hào hoàn tất quá trình này, phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng động quốc tế rằng mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là những công cụ tốt nhất để tạo ra những cơ hội và thịnh vượng kinh tế".

Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cũng khẳng định: "CPTPP là một tín hiệu mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, hướng tới một thế giới mở cửa thương mại và không còn các biện pháp trừng phạt đơn phương hay nguy cơ chiến tranh thương mại,

CPTPP cho phép giảm thuế quan giữa 11 nước thành viên chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, tương đương 10.000 tỷ USD.

Ngay cả khi Mỹ rút khỏi hiệp định, CPTPP vẫn có quy mô thị trường gần 500 triệu người và do đó CPTPP được coi là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực khi ít nhất 6 thành viên hoàn tất các thủ tục trong nước để phê chuẩn hiệp định và có thể là vào cuối năm nay.

"Chúng tôi cũng như các nước thành viên khác đều hy vọng rằng CPTPP sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm nay hoặc không lâu sau đó", Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nói.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia gồm Nhật Bản, Canada, Việt Nam, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Australia.

Với CPTPP, các nước thành viên sẽ có lộ trình đưa thuế xuất nhập khẩu về 0% đối với các hàng hóa và dịch vụ giữa các nước trong khối khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không lâu sau khi lên nhậm chức hồi năm ngoái đã tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định này. Tuy nhiên, gần đây nhà lãnh đạo Mỹ đã phát đi tín hiệu sẵn sàng tái gia nhập hiệp định.

Minh Phương

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm