1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hiệp định CPTPP: Nếu không chủ động mà thụ động, lơ là thì sẽ phải trả giá

(Dân trí) - Bên cạnh cơ hội mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhận định còn rất nhiều thách thức, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ, không chỉ đặt ra cho các doanh nghiệp mà còn đối với người dân khi tham gia CPTPP.


Dù chỉ còn lại 11 thành viên và không có sự xuất hiện của Mỹ, song tham gia Hiệp định CPTPP được coi là điều cần thiết với Việt Nam.

Dù chỉ còn lại 11 thành viên và không có sự xuất hiện của Mỹ, song tham gia Hiệp định CPTPP được coi là điều cần thiết với Việt Nam.

Cả cơ hội lẫn thách thức

Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố chính thức rút hỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về nội dụng và tên gọi mới là CPTPP.

Qua nhiều thăng trầm, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức được ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Chi Lê.

Bộ Công Thương cho biết, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị - đối ngoại, kinh tế.

"Những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế.

Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.

Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.

Bên cạnh cơ hội mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng cũng nhận định còn rất nhiều thách thức, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ, không chỉ đặt ra cho các doanh nghiệp mà còn đối với người dân.

Từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập WTO hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế.

"Tuy nhiên, nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Bộ trưởng lấy ví dụ về lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp nếu so với các quốc gia khác.

Bàn về CPTPP, nhiều chuyện gia cũng nhận định, Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong. Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định Thương mại tự do chất lượng cao. Do đó, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.

CPTPP không có Mỹ sẽ ra sao?

Sau khi Mỹ rút, số lượng thành viên trong Hiệp định CPTPP mới còn 11 nước, bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, với quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, thấp hơn khá nhiều so với quy mô của TPP khi có Mỹ (38,2% GDP và 26,5% kim ngạch thương mại toàn cầu).

Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết hiện ngành dệt may có 48% kim ngạch đi vào Mỹ. Không có nước Mỹ trong CPTPP tức là cơ hội xuất khẩu dệt may sẽ giảm đi rất nhiều.

Thực tế khi TPP còn có Mỹ, các phân tích cho thấy, Việt Nam được hưởng lợi rất tích cực như GDP tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Còn khi TPP không có Mỹ, con số này giảm đi rất lớn.

"Như vậy là ở một khía cạnh theo chiều quy mô ai cũng thấy nhỏ đi khi không có Mỹ tham gia. Nhưng nếu tích cực thì phải thấy nếu không có CPTPP thì chúng ta còn không có gì", Tổng giám đốc Vinatex nhận định. Theo vị này, dù sao có hiệp định CPTPP vẫn có lợi thế hơn so với việc không có.

Ông Trường lấy ví dụ, như đối với thị trường Úc - một thị trường lớn phát triển quan trọng, sức tiêu thụ hàng hoá dệt may khá lớn nhưng hiện nay thị phần của Việt Nam ở Úc không đáng kể. "Vào hiệp định thì rõ ràng có động lực nhất định mở rộng thị trường. 11 nước còn lại đều rất lớn", ông Trường kỳ vọng.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, khi tham gia CPTPP cơ hội tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico, Peru là rất lớn. Hơn nữa, đây là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại.

Nguyễn Khánh

Hiệp định CPTPP: Nếu không chủ động mà thụ động, lơ là thì sẽ phải trả giá - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm