1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

1.000 binh sĩ Trung Quốc tập trận sát Ấn Độ giữa lúc căng thẳng

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Trung Quốc đã tiến hành hơn 100 cuộc tập trận trong năm nay và tăng cường huấn luyện dọc biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

1.000 binh sĩ Trung Quốc tập trận sát Ấn Độ giữa lúc căng thẳng - 1

Các binh sĩ Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở Quân khu Tây Tạng vào tháng 6 (Ảnh: SCMP).

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/6, người phát ngôn quân đội Trung Quốc Ren Guoqiang cho biết các cuộc tập trận và huấn luyện dọc biên giới tranh chấp với Ấn Độ vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp đại dịch Covid-19. Các hoạt động này bao gồm cuộc tập trận ở độ cao "kỷ lục" với sự tham gia của hơn 1.000 binh sĩ từ 20 đơn vị hồi đầu tháng 6.

Ông Ren cho biết các cuộc tập trận sử dụng máy bay không người lái và "nhằm mục đích tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng biên phòng trong một môi trường cực kỳ lạnh giá, khắc nghiệt và rủi ro". Ông cũng cho biết, cuộc tập trận có sự tham gia của các đơn vị dân quân và lực lượng chính quy nhằm tăng cường khả năng chiến đấu.

Theo ông Ren, quân đội Trung Quốc đang sử dụng nhiều đạn dược hơn trong các cuộc tập trận bắn đạn thật so với những năm trước, song không công bố dữ liệu. Một nguồn tin quân sự cho biết Bộ Quốc phòng sẽ cần thêm thời gian để thống kê số đạn dược được sử dụng trong tập trận, bao gồm một số đạn dược và tên lửa đã hết hạn sử dụng và sắp bị phá hủy.

"Quân đội Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ thay thế vũ khí trong những năm gần đây. Một số đạn dược và tên lửa sắp hết hạn sử dụng đã được bắn trong các cuộc tập trận. Sẽ có thêm nhiều cuộc tập trận quân sự được tiến hành vào cuối năm nay vì quân đội cần bắt kịp các cuộc tập trận theo kế hoạch của năm ngoái, vốn bị hủy bỏ vì Covid-19", nguồn tin cho biết.

Báo Hindu của Ấn Độ gần đây đưa tin quân đội Trung Quốc đã huấn luyện các đơn vị dân quân mới của người Tây Tạng gần Pangong Tso, nơi xảy ra vụ đụng độ chết người giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ vào năm ngoái. Lực lượng dân quân đã kết hợp các thiết bị công nghệ cao như máy bay không người lái và các phương tiện giao thông truyền thống như ngựa và la.

Chỉ vài giờ sau vụ ẩu đả đẫm máu ở thung lũng Galwan vào ngày 15/6 năm ngoái, bộ chỉ huy quân sự Tây Tạng của quân đội Trung Quốc thông báo thành lập 5 đơn vị dân quân. Đoạn video do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc chiếu khi đó cho thấy các đơn vị này bao gồm người Tây Tạng.

Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu rút quân từ tháng 4, nhưng hai bên vẫn nghi ngờ lẫn nhau và duy trì khoảng 100.000 binh sĩ dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) - biên giới chưa được phân định trên thực tế.

Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong và từng huấn luyện cho lực lượng quân đội Trung Quốc, cho biết huấn luyện dân quân địa phương là cách hiệu quả nhất để giúp các lực lượng vũ trang tiến hành hoạt động do thám và hậu cần.

"Thể chất của người Tây Tạng giúp họ thích nghi với độ cao dễ dàng hơn so với các binh sĩ quân đội Trung Quốc thông thường", chuyên gia Song nhận định.

Chuyên Song cho rằng việc Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân có thể nhằm ứng phó với việc Ấn Độ tuyển mộ những người Tây Tạng lưu vong để thành lập một lực lượng tác chiến đặc biệt.

Bắc Kinh cáo buộc quân đội Ấn Độ đã huấn luyện hơn 10.000 người Tây Tạng lưu vong để đóng giả làm người chăn gia súc địa phương trong nỗ lực xâm nhập biên giới Trung Quốc.