1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo xung đột với Trung Quốc, Ấn Độ đẩy mạnh tự sản xuất vũ khí

Thanh Thành

(Dân trí) - Xung đột biên giới với Trung Quốc khiến Thủ tướng Narendra Modi đẩy mạnh chiến dịch "Sản xuất vũ khí quân sự tại Ấn Độ", nhằm tăng cường sản xuất trong nước và nâng cao năng lực tự sản xuất vũ khí.

Lo xung đột với Trung Quốc, Ấn Độ đẩy mạnh tự sản xuất vũ khí - 1

Binh sĩ Ấn Độ gần biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Trong bài viết ngày 19/6, báo Nikkei Asia cho biết, biên giới Ấn - Trung trong 13 tháng qua đã leo thang căng thẳng đáng lo ngại. Và tình hình căng thẳng này khiến Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy chiến dịch "Sản xuất vũ khí tại Ấn Độ".

Theo đó, nhà lãnh đạo Ấn Độ ra lệnh cấm nhập khẩu quân sự và từng bước thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí trong nước và nâng cao năng lực tự sản xuất vũ khí.

Hồi tháng trước, chính phủ Ấn Độ đã công bố danh sách 108 mặt hàng quân sự phải mua sắm trong nước, mở rộng "danh sách đen" cấm nhập khẩu này lên hơn 200 mặt hàng, từ súng trường tấn công đến trực thăng và hệ thống radar. Trong "danh sách đen" được công bố vào tháng 8/2020, chỉ có 101 mặt hàng bị hạn chế nhập khẩu.

Pháo binh, súng trường tấn công, tàu hộ tống, hệ thống sonar, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ và radar được đưa vào danh sách đầu tiên, nhưng danh sách mới nhất có thêm các mục như hệ thống giám sát biên giới và radar giám sát chiến trường. Theo các chuyên gia, điều này càng cho thấy New Delhi lo ngại căng thẳng biên giới với Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài.

Các biện pháp hạn chế sẽ có hiệu lực theo từng giai đoạn đến năm 2025. Chính phủ Thủ tướng Modi xem lệnh cấm vận nhập khẩu vũ khí này là một cách hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất trong nước khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Các hạn chế nhập khẩu vũ khí quân sự như thế này đã thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Vào tháng 1, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt thỏa thuận mua sắm 83 máy bay chiến đấu từ công ty nội địa Hindustan Aeronautics.

Nhà thầu Ấn Độ này hồi tháng trước cũng đã thông báo sẽ hợp tác với nhà sản xuất động cơ hàng không vũ trụ Rolls-Royce của Anh. Khoảng 500 doanh nghiệp Ấn Độ dự kiến sẽ tham gia dự án sản xuất máy bay quân sự này.

Chiến dịch "Sản xuất vũ khí tại Ấn Độ", được chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy từ khá lâu trong nỗ lực tìm cách vực dậy hơn 20 ngành công nghiệp trong nước. Dịch bệnh Covid-19 khiến một số lĩnh vực sản xuất lao dốc, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng đang tiến triển do nhu cầu vũ khí quân sự khi biên giới với Trung Quốc vẫn căng thẳng.

Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi, cho biết: "Tất nhiên, những diễn biến nóng bỏng ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc là nguyên nhân kích hoạt chiến dịch này của Thủ tướng Modi".

Theo chuyên gia Kondapalli, sau khi cả hai nhất trí rút quân ở Pangong Tso - một hồ băng ở độ cao 4.267 m, nằm dọc theo Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC) dài 3.488 km hồi tháng 2, không có động thái rút quân lớn nào nữa. Theo ông, tình hình ở biên giới lại đang có dấu hiệu nóng dần lên khi mùa hè đến. "Chúng tôi không mong đợi sự bình thường hóa trong quan hệ song phương trong tương lai", chuyên gia Kondapalli nói thêm.

Xung đột Ấn - Trung bùng nổ vào tháng 5/2020 tại khu vực tranh chấp Ladakh và đến tháng 6/2020 lại xảy ra cuộc đụng độ chết người đầu tiên giữa hai bên trong 45 năm qua.

Theo nguồn tin của Nikkei Asia, giới chức Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang đàm phán để rút thêm lực lượng khỏi khu vực biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa cho thấy bất kỳ động thái giảm leo thang nào kể từ vòng đàm phán cuối cùng hồi tháng 4.