1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

10 thế hệ người Hy Lạp không trả hết nợ đất nước

Theo thống kê của Ngân hàng Barenberg Bank, với một khoản nợ tổng cộng 421 tỷ euro mà theo nhận định của các nhà phân tích, 10 thế hệ người Hy Lạp cũng không trả nổi. Liệu chính phủ mới của Hy Lạp với việc hủy bỏ chính sách kinh tế khắc khổ có vượt qua nổi khó khăn này?

Những người ủng hộ đảng Syriza ăn mừng chiến thắng trên đường phố Athens

Những người ủng hộ đảng Syriza ăn mừng chiến thắng trên đường phố Athens

Trong khi Alexis Tsipras, tân Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố hủy bỏ chế độ kinh tế khắc khổ mà EU áp đặt lâu nay để thoát khủng hoảng, người dân hò reo hò nhảy múa, còn các “chủ nợ” đang lo lắng trước việc Hy Lạp sẽ ly khai khỏi khối đồng tiền chung châu Âu.

Liệu Hy Lạp có thể tự lập như những năm 80 thế kỷ trước với nền công nghiệp lẫn nông nghiệp riêng của mình. Thực tế, Hy Lạp chỉ có ngành du lịch phát triển quá mức và khoản nợ công cũng “phát triển” quá mức. Trong 4 năm được sự “giúp đỡ” của nhóm “bộ ba” chủ nợ (gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, Liên minh châu Âu EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF), nợ công của Hy Lạp đã tăng từ 110% GDP lên 175% GDP. Đất nước Hy Lạp hiện đang sống trong tình trạng suy thoái do nạn thất nghiệp tràn lan (riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên tới 70%). Để thực hiện được kế hoạch khắc khổ do nước Đức hùng mạnh đề xướng về tái cấu trúc nợ công, Chính phủ trước của Hy Lạp đã cắt giảm mạnh số lượng viên chức nhà nước và số còn lại cũng bị giảm hạ tiền lương.

Thuế tăng, giá dịch vụ công cộng cũng tăng khiến đông đảo người dân không đủ khả năng thanh toán. Năm 2014 có gần 300 nghìn người bị cắt điện. Việc siết chặt chính sách tín dụng khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa suy sụp. Số người tự tử tăng 43%.
 
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras

Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras

Những số liệu đáng buồn nói trên cao gần gấp rưỡi so với những số liệu tương ứng trong thời kỳ Đại Suy thoái vào những năm 30 thế kỷ trước ở Mỹ. Mới đây, Ngân hàng Barenberg Bank đã lập một bản thống kê cho thấy Hy Lạp nợ những ai và nợ bao nhiêu. Theo bản thống kê này, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp là Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB với khoản nợ 134 tỷ euro. Các chủ nợ lớn tiếp theo là Liên minh châu Âu EU với khoản nợ 63,4 tỷ euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF với khoản nợ 21,7 tỷ euro. Ngoài ra còn khoản nợ 53 tỷ euro vay của các Chính phủ Đức, Hà Lan, Phần Lan và một số nước châu Âu khác. Cuối cùng là khoản nợ 155 tỷ euro vay của các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài. Tổng cộng là 421 tỷ euro, một khoản nợ mà theo nhận định của các nhà phân tích, 10 thế hệ người Hy Lạp cũng không trả nổi. 

Chính vì thế, ngay sau khi lên cầm quyền, Chính phủ mới của Hy Lạp đã lập tức cự tuyệt kế hoạch “giải cứu” của nhóm “bộ ba” chủ nợ và từ chối luôn cả khoản tài trợ tiếp theo 7 tỷ euro. Chính phủ mới còn thi hành một loạt biện pháp cấp bách như tăng mức lương tối thiểu lên 10%, thu nạp lại những nhân viên nhà nước đã bị sa thải theo đòi hỏi của nhóm “bộ ba” chủ nợ và ngừng toàn bộ kế hoạch tư nhân hóa đang tiến hành như tư nhân hoá ngành điện và cảng Piraeus – thành phố lớn thứ 3 của Hy Lạp.

Theo lời Thủ tướng Alexis Tsipras, nhiệm vụ chính của Chính phủ mới là phấn đấu để xoá bỏ một phần nợ công và cơ cấu lại các khoản nợ công. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hy Lạp đã cử một đoàn đại biểu đến Pháp và Italia - những nước tỏ ra thông cảm với Hy Lạp hơn những nước châu Âu khác. Có vẻ như hy vọng của Hy Lạp đã phần nào được đáp ứng. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanus Varoufakis tại Paris, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin tuyên bố Hy Lạp “cần có một thoả thuận mới với các đối tác”.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho đường lối mới của Hy Lạp sẽ còn rất gian nan. Trước hết vì lập trường cứng rắn của Đức, nước nắm trong tay “cỗ máy in tiền” của khu vực sử dụng đồng euro và vì thế nắm trong tay quyền quyết định không chỉ trong khu vực sử dụng đồng euro mà cả trong Liên minh châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rõ không có ý định xoá nợ cho Hy Lạp. Đại diện Bộ Ngoại giao Đức còn nhấn mạnh thêm: “Hiện nay, chúng tôi không thấy bất kỳ cơ sở nào để từ bỏ những công cụ đã được thiết lập” trong quan hệ với Hy Lạp.

Chắc chắn trong thời gian tới, nhóm “bộ ba” chủ nợ sẽ thi hành những biện pháp nghiệt ngã để buộc Hy Lạp phải từ bỏ đường lối mới của Chính phủ Alexis Tsipras.

Cuộc đấu tranh cho đường lối mới của Hy Lạp sẽ còn rất gian nan.

Theo Ngọc Thoa/Pravda.ru
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm