10 sự kiện nổi bật châu Âu năm 2008
(Dân trí) - 2008 là năm không bình lặng với châu Âu khi một loạt các cuộc khủng hoảng nổ ra, làm nảy sinh mâu thuẫn mới và thay đổi bản đồ chính trị. Châu lục này phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi lại bất đồng về Kosovo và cuộc xung đột Nga-Gruzia.
1) Khủng hoảng tài chính tấn công châu Âu
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh tới châu Âu khi làn sóng ngân hàng phá sản lan từ Mỹ sang Anh, Bỉ và phần còn lại của châu lục. Lãnh đạo các quốc gia châu Âu đã nỗ lực đưa ra biện pháp đối phó như cắt giảm lãi suất, công bố các gói cứu trợ kinh tế. Nhiều nước EU cũng đã công bố những kế hoạch riêng để kích thích nền kinh tế, bao gồm nhiều tỷ tiền bơm vào cho các ngành công nghiệp và cắt giảm thuế. Tổng thống Pháp Sarkozy, với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU, đã đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính này.
2) Cuộc xung đột Nga-Gruzia
Căng thẳng âm ỉ giữa Nga và quốc gia láng giềng thân phương Tây Gruzia đã bùng phát hồi tháng 8 vì Nam Ossetia, khu vực ly khai khỏi Gruzia từ năm 1992. Cuộc xung đột bùng nổ từ đêm 7/8 khi quân đội Gruzia bất ngờ tấn công Nam Ossetia nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng ly khai. Ngay lập tức, Nga đã điều động quân tới Nam Ossetia và tiến vào lãnh thổ Gruzia. Cuộc chiến kéo dài 5 ngày chấm dứt theo một thỏa thuận ngừng bắn giữa 2 nước do Pháp làm trung gian. Cuộc xung đột giữa 2 quốc gia láng giềng và việc Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia đã khiến mối quan hệ giữa Nga với phương Tây thêm căng thẳng.
3) Chuyển giao quyền lực ở Nga
Việc Phó thủ tướng Dmitry Medvedev, người được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ làm người kế nhiệm, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga hôm 2/3 là điều không có gì bất ngờ. Cuộc chuyển giao quyền lực đã diễn ra hôm 7/5 và ông Medvedev, 42 tuổi, đã trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử hơn 100 năm của nước Nga. Cựu Tổng thống Vladimir Putin, người rất ủng hộ Medvedev, được bổ nhiệm làm Thủ tướng.
4) EU chia rẽ về Kosovo
Nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận độc lập của Kosovo, sau khi tỉnh này đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, EU vẫn chia rẽ về Kosovo, với việc các nước như Anh, Pháp, Đức, Italia… ủng hộ trong khi Hy Lạp, Rumani, Bulgaria, Tây Ban Nha… phản đối. Nhóm nước không hậu thuẫn Kosovo lo ngại rằng việc tỉnh này tuyên bố độc lập sẽ bật đèn xanh cho các phong trào ly khai trên thế giới.
5) Tin đồn về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới
Nhiều người đã miêu tả mối quan hệ lạnh nhạt giữa châu Âu và Nga là một "cuộc chiến tranh lạnh" mới. Những bất đồng sâu sắc đã nảy sinh trong NATO và các quốc gia EU về hệ thống lá chắn tên lửa gây tranh cãi của Mỹ, dự kiến triển khai tại Ba Lan và Cộng hòa Séc. Đổi lại, Mátxcơva đe dọa chĩa tên lửa vào Đông Âu. Cuộc xung đột Nga-Gruzia càng khiến mối quan hệ Nga-EU thêm băng giá nhưng nó đã kịp ấm dần lên vào cuối năm nay.
6) Hiệp ước Lisbon trước ngã ba đường
Hiến pháp EU, vốn được thay thế bằng Hiệp ước Lisbon sau khi bị cử tri Hà Lan và Pháp phản đối trong các cuộc trưng cầu dân ý năm 2005, lại tiếp tục vấp phải một trở ngại khác sau khi Ireland bác bỏ hiệp ước này trong cuộc trưng cầu dân ý hôm12/6. Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 nếu được tất cả các nước thành viên EU thông qua. Cho tới nay đã có 25 quốc gia trong tổng số 27 thành viên EU thông qua, trừ Ireland và Cộng hoà Séc. Cuối năm nay, Ireland tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý lần 2.
7) Radovan Karadzic bị bắt
Nghi phạm chiến tranh Radovan Karadzic, người bị cáo buộc gây ra các vụ thảm sát người Hồi giáo ở thành phố Srebrenica thuộc Bosnia vào năm 1995 và là một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới, cuối cùng cũng đã bị bắt ở Serbia hồi tháng 7 sau hơn 1 thập kỷ lẩn trốn. Cựu lãnh đạo người Serbia ở Bosnia Radovan Karadzic, người đã biến mất kể từ năm 1996, đã bị dẫn độ tới Hà Lan để tham gia phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc.
8) Cơn sốt Obama
Barack Obama đã tới châu Âu hồi tháng 7 khi đang còn là ứng viên tổng thống trong một chuyến thăm mà ông được ví như một ngôi sao nhạc rock. Obama đã thu hút rất đông những người ủng hộ tại các thành phố lớn mà ông dừng chân như Berlin, Paris và London. Cơn sốt Obama vẫn tiếp tục cho tới khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống bởi nhiều người châu Âu xem Obama là sự chọn tuyệt vời để thay thế vị tổng thống không được yêu mến.
9) Ông bố “cầm thú” bị đưa ra ánh sáng
Hồi tháng 4, châu Âu - và cả thế giới - đã bị sốc khi vụ việc người cha “cầm thú” Josef Fritzl bị đưa ra ánh sáng. Ông bố người Áo này đã giam cầm con gái đẻ suốt 24 năm trong hầm khiến cô có mang 6 lần và sinh ra 7 đứa con, trong đó có 1 lần sinh đôi. Fritzl bị buộc tội giết người vì liên quan đến cái chết của người con 7, vốn qua đời dưới hầm nhà ngay sau khi chào đời.
10) Tổng thống Pháp Sarkozy kết hôn với cựu người mẫu
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là cái tên được nhắc tới nhiều trong năm nay. Ông Sarkozy khởi đầu năm 2008 với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục dành cho một nhà lãnh đạo Pháp trong 50 năm qua. Nhưng cuộc hôn nhân với Carla Bruni, ca sĩ gốc Italia và cựu người mẫu, hồi tháng 2 đã đánh dấu sự chuyển mình của ông Sarkozy. Chuyến thăm Vương quốc Anh của cặp đôi đệ nhất nước Pháp đã tạo ra cơn sốt trên khắp thế giới.
VTH
Tổng hợp