1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

10 năm sau cuộc truy đuổi toàn cầu, khủng bố giờ ra sao?

(Dân trí) - Mười năm sau khi vụ 11/9 châm ngòi cho chiến dịch chống khủng bố quy mô toàn cầu, vấn đề đặt ra là trong khi mạng lưới khủng bố al-Qaeda có vẻ bị suy yếu, Osama bin Laden và nhiều chỉ huy khác bị tiêu diệt, nhưng dường khủng bố giờ đây đã “biến tướng”.

 

10 năm sau cuộc truy đuổi toàn cầu, khủng bố giờ ra sao? - 1

Một bức ảnh chụp Osama bin Laden tại một căn cứ huấn luyện ở Afghanistan nhiều năm trước.

Cái chết của bin Laden là đòn giáng mạnh vào đầu não của al-Qaeda. Một số quan chức an ninh và phân tích gia cho rằng việc tiêu diệt được Bin Laden hồi tháng 5 vừa qua là tín hiệu kết thúc đầu tiên đối với al-Qaeda, nhưng nhiều ý kiến cho rằng kết luận này là quá sớm.

Trên toàn cầu, tổ chức này tuy đã bị suy yếu và thủ lĩnh bị tiêu diệt, song các phân nhánh của nó ở Yemen và Bắc Phi vẫn là mối đe dọa lớn. Một vài phân nhánh khu vực, trước đây từng tuyên bố trung thành với bin Laden, hiện vẫn đang sẵn sàng hành động.

Như vậy là mặc dù Bin Laden đã bị tiêu diệt, song người ta lo ngại rằng al-Qaeda ngày nay đã không còn là một tổ chức do Bin Laden sáng lập ra nó mà đã mở rộng ra rất nhiều chi nhánh tại Yemen, Iraq và nhiều nơi khác nữa với những mối đe dọa không ngờ.

Theo giới phân tích khu vực, Yemen là một lãnh thổ rộng lớn nơi các bộ tộc gắn kết rộng rãi với những kẻ thánh chiến. Đây là một vùng đất màu mỡ cho những kẻ khủng bố, nơi chúng có thể đào tạo và chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công nước ngoài từ nơi đây. Trong khi đó, trên dải đất Sahel rộng lớn ở châu Phi, tổ chức al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo đang hoạt động khá tự do bởi các nước trong khu vực có hỏa lực yếu và sự phối hợp kém.

Các nhà phân tích phương Tây cũng cho rằng việc Bin Laden bị tiêu diệt và việc làn sóng khủng hoảng chính trị đang lan rộng ở các nước châu Phi, đặc biệt ở Yemen, đang là những điều kiện thuận lợi để al-Qaeda chuyển hướng hoạt động mạnh sang Yemen, cũng là quê hương của Bin Laden. Ở Yemen, tổ chức al-Qaeda ở Bán đảo Arập đang khiêu khích và lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở trong nước để mở rộng và tạo lập các thánh địa của mình.

Trong khi đó, tại châu Á, 10 năm qua, với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, Indonesia và Philippines đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các tổ chức khủng bố trong khu vực vẫn tiếp tục hoạt động, thâu nạp thêm thành viên và mối đe dọa này vẫn hiện hữu tại châu Á.

Thực ra, châu Á đã phải đối mặt với các hoạt động khủng bố trước khi xảy ra vụ 11/9 tại Mỹ. Trong năm 2000, một số nhóm khủng bố đã hình thành theo mô hình Jemaah Islamiyah. Đây là một tổ chức do các nhân vật Hồi giáo cực đoan người Indonesia sống lưu vong ở Malaysia thành lập từ đầu những năm 1990.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công khủng bố có phối hợp của al-Qaeda tại New York và Washington ngày 11/9/2001, tiếp theo là sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan, đã thúc đẩy nhiều tổ chức nhỏ gia nhập mạng lưới của trùm khủng bố bin Laden và tiến hành tấn công nhằm vào người nước ngoài. Sau vụ việc này, Mỹ và Australia đã điều chuyên gia sang giúp đỡ Chính phủ Indonesia. Kết quả là đa số các thủ phạm vụ đánh bom ở Bali cũng như nhiều thành viên các tổ chức khác đã bị bắt giữ hoặc tiêu diệt.

Tuy nhiên, ông Ansyaad Mbai, phụ trách cơ quan chống khủng bố của Indonesia nói rằng các mạng lưới khủng bố không tự động tan rã khi các thủ lĩnh của chúng bị bắt hoặc bị tiêu diệt. Thậm chí, các tổ chức này còn đang được củng cố.

Ông Mbai giải thích các nhóm khủng bố theo kiểu này đang nảy nở, hoạt động độc lập và không phụ thuộc vào một thủ lĩnh. Chúng quan hệ với nhau chỉ vì có cùng hệ tư tưởng. Chúng rất cơ động, có thể tự xác định mục tiêu và tấn công khi thấy thuận lợi.

Theo các chuyên gia về khủng bố, tại Đông Nam Á, hoạt động khủng bố dường như nhằm vào Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore. Vụ đánh bom ở đảo du lịch nổi tiếng Bali của Indonesia tháng 10/2002, khiến hơn 200 người thiệt mạng, cho thấy Đông Nam Á là một vùng đất “phì nhiêu” để khủng bố - dù khủng bố địa phương hay quốc tế - phát triển.

Sau vụ đánh bom đảo Bali, một loạt vụ khủng bố đẫm máu đã xảy ra tại khu vực này: vụ gài bom ở khách sạn Mariott năm 2003, vụ tấn công khủng bố nhằm vào sứ quán Australia ở Jakarta năm 2004, các vụ gài bom ở đảo Bali năm 2005...

Theo chuyên gia về khủng bố Rohan Gunaratna, Jemaah Islamiah phối hợp hoạt động với các nhóm khủng bố khác trong khu vực như nhóm Hồi giáo Abu Sayyaf chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc và nhóm khủng bố người Công giáo và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro ở phía Nam Philippines. Tất cả các tổ chức khủng bố khu vực này hoạt động theo “trục" al-Qaeda.

Ngoài mối nguy hại từ các nhóm có vũ trang hoạt động phát triển phong trào thánh chiến khắp toàn cầu còn có một mối đe dọa khác đang lớn dần lên từ những kẻ quá khích vô hình đang hướng tới thánh chiến qua mạng Internet.

Hiện tượng này đang nổi lên ở châu Âu. Cú sốc mà kẻ cực đoan cánh tả Na Uy Anders Behring Breivik gây ra ở Na Uy và toàn khu vực qua vụ tàn sát ngày 22/7 đã cho thấy điều đó. Ảnh hưởng của nó đã lan hầu khắp châu Âu, chứng tỏ một sự việc nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn.

Có thể nói 10 năm chống khủng bố tuy đã mang lại sự hợp tác tối thiểu cần thiết, nhưng những phân tích trên cho thấy “cuộc chiến chống khủng bố” mà Mỹ dẫn đầu còn lâu mới đạt được mục tiêu như mong muốn.

Ngay tại diễn đàn Liên hợp quốc, các cuộc tranh cãi xung quanh cuộc chiến chống khủng bố cũng chưa có hồi kết, Liên hợp quốc vẫn chưa đạt được sự nhất trí về định nghĩa chung thế nào là khủng bố. Từ Madrid đến Mumbai, từ London đến Bali, từ Pakistan đến Kenya - rất ít vùng nào được “miễn nhiễm” khỏi những vụ tấn công khủng bố trong thập kỷ qua.

Nguyễn Viết
Tổng hợp