1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

10 khu vực trên thế giới có thể bị ảnh hưởng tức thì khi ông Trump nhậm chức

(Dân trí) - Tờ Guardian của Anh ngày 11/11 đã liệt kê 10 quốc gia và khu vực trên thế giới có thể bị ảnh hưởng tức thì khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm sau.

Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Ảnh: GettyImages)
Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Ảnh: GettyImages)

Hiện có khoảng 150.000 trong tổng số 1,4 triệu binh sĩ của Mỹ đang làm nhiệm vụ tại nước ngoài. Trong số này, có khoảng 35.000 binh sĩ Mỹ đang có mặt tại Trung Đông, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ không thông báo địa điểm. Liệu trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có tiến hành những thay đổi về quá trình hiện diện của quân đội nước này trên thế giới?


Đồ họa cho thấy sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trên thế giới (Đồ họa: Guardian)

Đồ họa cho thấy sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trên thế giới (Đồ họa: Guardian)

1. Afghanistan

Afghanistan hiếm khi được nhắc đến trong chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa, nhưng khi ông Donald Trump đảm nhận vị trí Tổng thống Mỹ, ông dự kiến sẽ không thể bỏ qua cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử nước này. Hàng nghìn binh sĩ Mỹ vẫn đang đồn trú ở Afghanistan, trong khi tình hình an ninh tại đây chưa có nhiều biến chuyển tích cực do Taliban vẫn là mối đe dọa lớn với các thành phố và nắm kiểm soát ở các khu vực nông thôn. Ngoài ra, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng đã xuất hiện tại Afghanistan.

Dù các lực lượng Mỹ không trực tiếp tham chiến ở Afghanistan nhưng 11 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong năm nay, khiến chiến trường này hiện trở thành nơi nguy hiểm nhất của quân đội Mỹ, hơn cả Iraq hay Syria. Trong thời gian diễn ra quá trình vận động tranh cử tại Mỹ, Taliban đã gửi thông điệp kêu gọi ông Trump rút toàn bộ binh sĩ về nước. Tuy nhiên, các cố vấn ở Bộ Quốc phòng Mỹ chắc chắn sẽ cảnh báo tân tổng thống Mỹ về những nguy cơ cho các lực lượng ở Afghanistan nếu không có sự hỗ trợ từ Không quân và các cố vấn quân sự Mỹ.

Theo đánh giá, quan điểm chống IS và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đồng nghĩa với việc ít có khả năng Tổng thống đắc cử Trump yêu cầu rút toàn bộ quân đội Mỹ ở Afghanistan về nước.

2. Các nước Baltic

Các nước vùng Baltic đang rất quan ngại về việc liệu chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump có bảo vệ họ trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga hay không. Hồi tháng 7 vừa qua, ông Trump từng tuyên bố rằng ông thấy không cần thiết phải hỗ trợ Litva, Latvia và Estonia, trừ phi những nước này đóng đủ kinh phi để bảo đảm "trách nhiệm" với NATO.

Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận ở Latvia. (Ảnh: Reuters)
Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận ở Latvia. (Ảnh: Reuters)

Thời gian qua, NATO đã đẩy mạnh các cuộc tập trận tại khu vực Baltic để đáp lại cái gọi là mối đe doạ từ Nga. Dự kiến, Không quân Mỹ sẽ điều 1 đơn vị tới tham dự tập trận với binh sĩ Latvia vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu ở những nước Baltic này có tiếp tục trong năm 2017 hay không.

Ngoài ra, cũng chưa rõ chính sách về Nga của Tổng thống đắc cử Trump sẽ ra sao. Có những lo ngại rằng ông Trump sẽ sử dụng khu vực Đông Âu như một "bàn đạp" để hướng tới chính sách phát triển có lợi trong mối quan hệ song phương với Nga thời gian tới.

3. Canada

Tác động có thể từ chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump với Canada chính là thương mại. Trong các lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ của Canada, có tới 72% hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, chiếm 23% GDP của nước này và tạo ra 2,5 triệu việc làm.

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ đàm phán lại Thoả thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng nhiều hoạt động thương mại song phương được quản lý bởi những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên việc Washington muốn đàm phán lại NAFTA không phải là vấn đề đơn giản. Chưa kể, Đại sứ Mỹ tại Canada mới đây cho biết Ottawa sẵn sàng xem xét lại thoả thuận này.

Bên cạnh vấn đề thương mại, người dân Canada cũng lo ngại về quan điểm của Tổng thống đắc cử Trump về biến đối khí hậu và những hậu quả, không chỉ với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà còn các thoả thuận song phương khác. Trong những tháng qua, ông Trump đã nhắc tới việc đàm phán lại dự án lắp đặt hệ thống dẫn khí đốt Keystone XL, vốn bị chính quyền của Tổng thống Barack Obama đình lại sau 6 năm xem xét.

4. Pháp

"Thế giới của họ sụp đổ. Thế giới cũng ta đang được xây dựng lại", đây là đoạn chia sẻ trên Twitter được Phó Chủ tịch Mặt trận Quốc gia Pháp, một đảng cánh hữu, ông Florian Philippot, đăng tải sau chiến thắng của ông Trump.

Chiến thắng của ông Trump đang giúp nhân vật cánh hữu Le Pen của Mặt trận Quốc gia Pháp có thêm động lực hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới. Trong hơn 40 cuộc thăm dò thời gian qua, bà Le Pen đã nhận được những tín hiệu tích cực khi đứng thứ 2 hoặc được dự báo sẽ chiến thắng trong vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên vào tháng 4 tới.

Theo dự báo, trong vòng bầu cử Tổng thống Pháp thứ hai, bà Le Pen sẽ thất bại trước cựu Thủ tướng Alain Juppe, người được coi là phương án "an toàn" hơn cho Paris vào lúc này. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra với Brexit và cuộc bầu cử Mỹ, các cuộc thăm dò giờ đây được cho là chỉ tính chất tham khảo. Thế nên, vẫn còn cơ hội để bà Le Pen gây bất ngờ như cách mà ông Trump đã làm được.

5. Iran

Tất cả mọi sự chú ý đang tập trung vào chính quyền Mỹ sắp tới sẽ phản ứng ra sao về thoả thuận hạt nhân lịch sử với Iran, vốn được dư luận quốc tế hoan nghênh là một thành tựu ngoại giao của Tổng thống Obama và giúp ngăn chặn xảy ra nguy cơ chạy đua hạt nhân tại Trung Đông.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Uỷ ban Các vấn đề công Mỹ - Israel (AIPAC) hồi tháng 3, ứng cử viên Donald Trump khi đó đã nói rằng ưu tiên hàng đầu của ông là "tháo dỡ thoả thuận tai hại với Iran". Ngoài ra, nhà tài phiệt này cũng thừa nhận rằng Mỹ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết thoả thuận với Iran nếu không có sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Việc ông Trump thiếu tín nhiệm với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu khiến giới phân tích cho rằng việc ông sắp trở thành tổng thống cũng không gây ra nhiều vấn đề với Iran. Giới lãnh đạo Iran mới đây cũng đã lưu ý rằng thoả thuận hạt nhân của nước này không chỉ có hiệu lực với Mỹ mà còn cả EU, cũng như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Tehran cũng biết rằng Tổng thống đắc cử Trump có thể dùng cách khác để gây sức ép với họ, ví dụ như hạn chế quá trình tiếp cận thị trường toàn cầu của Iran trong thời gian tới.

6. Iraq và Syria

Tổng thống đắc cử Trump từng cam kết sẽ đánh bại IS và tuyên bố một trong những ưu tiên của ông khi lên nắm quyền là triệu tập cuộc họp với giới tướng lĩnh cấp cao để thảo luận về các chiến dịch mới chống nhóm Thánh chiến cực đoan này. Với tuyên bố này, cộng với cam kết xây dựng liên minh chống IS với Nga, đồng nghĩa với việc Washington có thể "quay mặt" với các nhóm đối lập ở Syria và hướng tới chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong một bài phát biểu, ông Trump từng tuyên bố sẽ không giới hạn số binh sĩ Mỹ tham chiến tại Iraq hay Syria. Ông có thể sẽ đối diện với phép thử đầu tiên ở khu vực này nếu chiến dịch tái chiếm Mosul vẫn diễn ra không đúng tiến độ mong đợi. Tổng thống đắc cử Trump từng miêu tả chiến dịch này là "một thảm hoạ thực sự", đồng thời cho rằng các binh sĩ Mỹ đang bị "sa lầy" ở Iraq.

7. Trung Đông

Tổng thống đắc cử Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: EPA)
Tổng thống đắc cử Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: EPA)

Tổng thống đắc cử Trump lên nắm quyền trong giai đoạn tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn bế tắc. Kể từ năm 2014, tình trạng bạo lực đã gia tăng ở khu vực này. Trong thời gian tới, có những dự báo cho rằng tình hình tại đây sẽ chỉ thêm căng thẳng nếu ông Trump thực hiện những tuyên bố trước đó của mình.

Một trong những tuyên bố gây tranh cãi nhất của ông Trump là việc từng hứa công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển Đại sứ quán tới đây.

8. Đông Bắc Á

Trong chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống đắc cử Trump đã gây ra những quan ngại thực sự với Nhật Bản khi tuyên bố sẽ thực hiện các thay đổi lớn trong quan hệ đồng minh giữa hai nước thời gian tới.

Giữa lúc ngày càng có nhiều lo ngại về hoạt động quân sự ở Trung Quốc ở Biển Đông và Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và tên lửa, một chiến thắng của bà Hillary Clinton - nếu diễn ra - sẽ giúp Nhật Bản có những bảo đảm cần thiết cho quan hệ an ninh song phương. Tuy nhiên, với việc ông Trump chuẩn bị lên nắm quyền, Tokyo đang lo ngại về tuyên bố "Mỹ phải được ưu tiên" của ứng cử viên đảng Cộng hoà này. Theo đó, ông Trump từng đề cập tới khả năng rút 47.000 binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản và khoảng 28.5000 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ngoài ra, một điều đáng lo ngại với cả Seoul và Tokyo chính là việc Tổng thống đắc cử Trump từng cho rằng hai nước này nên chấm dứt sự phụ thuộc vào chiếc "ô hạt nhân" của Mỹ và phát triển các năng lực hạt nhân của riêng mình. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải can thiệp về quan điểm này của Tổng thống đắc cử Trump nếu không muốn xảy ra một cuộc chạy đua hạt nhân ở châu Á trong những năm tới.

9. Mexico

Đồng peso của Mexico đã mất 13% giá trị sau chiến thắng của ông Trump. Điều này cho thấy dư luận ở quốc gia láng giềng của Mỹ lo ngại thế nào trước việc ứng cử viên của đảng Cộng hoà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Trong lĩnh vực thương mại, nếu Mỹ quyết định tiến hành đàm phán lại NAFTA, Mexico rõ ràng sẽ bị tác động khi 80% hàng hoá xuất khẩu của nước này được đưa sang Mỹ. Chưa kể, kế hoạch yêu cầu Mexico đóng góp kinh phí xây dựng bức tường ngăn dòng người nhập cư vào Mỹ ở khu vực biên giới hai nước cũng đang khiến chính quyền của Tổng thống Enrique Peña Nieto quan ngại.

10. Ukraine

Nhiều người Ukraine cảm thấy họ bị phương Tây bỏ rơi trong vấn đề miền Đông nước này. Tuy nhiên, viễn cảnh có thể tồi tệ hơn khi Tổng thống đắc cử Trump lên nắm quyền từ tháng 1 tới.

Với việc liên tục nhắc tới mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, Tổng thống đắc cử Trump đang làm giới chức Ukraine lo ngại về khả năng nước này sẽ bị sử dụng như một quân bài trong "ván cờ" địa chính trị thời gian tới. Chưa kể, không thể loại trừ khả năng Washington sẽ công nhận vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Nếu vậy, đây có thể là một với Ukraine.

Ngọc Anh

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm