DNews

Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết

An Huy

(Dân trí) - Những ông đồ ở khu Chợ Lớn, quận 5 (TPHCM) đa phần là các cụ cao tuổi và có thâm niên hàng chục năm trong nghề. Họ viết chữ với tâm niệm mang đến may mắn, tài lộc cho mọi nhà dịp Tết.

Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết

Những ngày này, khi lưu thông ngang một số tuyến đường bán đồ trang trí Tết sầm uất khu Chợ Lớn ở TPHCM như Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Châu Văn Liêm (quận 5)… mọi người không khó để bắt gặp hình ảnh các ông đồ tuổi thất thập cổ lai hy đang bày giấy đỏ để cho chữ.

Những nét chữ vàng được các ông đồ viết trên khổ giấy màu đỏ, treo trên vỉa hè thu hút ánh nhìn người đi đường. Mọi người cũng xếp hàng xin chữ về dán trong nhà để cầu may mắn, tài lộc năm mới.

Nét chữ, nết người

7h một ngày giáp Tết Giáp Thìn, ông Lai Tô Hà (80 tuổi, tự Kim Hy) dắt chiếc xe đạp cùng vợ là bà Châu Tam Muội (73 tuổi) mang theo giấy, cọ, mực đến trước mặt tiền căn nhà số 429 Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) bắt đầu ngày làm việc mới.

Ngồi vào chiếc bàn nhỏ chưa đầy 1m2 kê trên vỉa hè, ông Hà đem giấy, mực, thước ra để ngăn nắp chờ những vị khách đầu tiên đến xin chữ ngày giáp Tết. Trong khi đó, vợ ông soạn lại những câu chữ đã viết sẵn, nếu khách đông mà có nhu cầu mua ngay bà sẽ bán liền tay.

Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết - 1
Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết - 2

Quanh khu vực chợ Kim Biên, Bình Tây, khi nhắc đến ông Hà không ai còn xa lạ. Họ thường gọi ông với cái danh ông đồ già nhất khu Chợ Lớn. Mọi người kháo nhau, cuối năm mà sở hữu được chữ của ông đem về nhà treo cả năm sẽ may mắn.

Ông Hà cho biết, ông gắn với danh ông đồ đã hơn 40 năm. Ngày thường ông có một tiệm cho chữ trên đường Lão Tử, chuyên viết các câu chúc khai trương, mừng sinh nhật, liễn cho đình, chùa… Ông viết đẹp cả chữ ta và tàu.

Từ mùng 1 tháng Chạp, đáp ứng nhu cầu mua chữ của người đi sắm đồ trang trí Tết trên đường Hải Thượng Lãn Ông, ông chuyển địa điểm làm việc về đây và miệt mài viết đến đêm giao thừa.

Mỗi ngày ông viết trung bình từ 50 đến 100 tờ. Khách của ông đa phần là người Việt gốc Hoa đang sinh sống tại khu Chợ Lớn. Người mua chữ ông phần nhiều là khách mối. Dù kinh tế thăng hay trầm, họ bằng mọi cách phải có chữ của ông dán trong nhà ngày Tết để cầu tài lộc.

Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết - 3

Ông Hà đang cầm cọ rê từng nét chữ trên tàu giấy đỏ bán cho khách (Ảnh: An Huy).

"Hồi trẻ tôi làm nghề in, rồi chuyển sang ông đồ. Làm đến nay hơn 40 năm rồi. Cái nghề không giàu nhưng đủ sống qua ngày. Giờ tuổi cao không biết cố gắng được bao lâu nữa, hễ còn sức thì mình làm thôi", ông Hà nói.

Chỉ 15 phút sau bày bàn, đã có 5 người lần lượt đến chờ ông Hà cho chữ. Ông đồ già cẩn thận kéo tờ giấy đỏ thẳng hàng đặt lên bàn rồi đổ mực nhũ đồng ra. Ông chấm cọ vào mực rồi rê dòng chữ "mã đáo thành công" bán cho bà Liên Muội (78 tuổi).

"Đã 20 năm rồi, cứ đến cuối năm là tôi chở mẹ ra xin chữ ông Hà về treo trong nhà. Không hiểu vì sao, cứ có chữ dán trong nhà ngày xuân là mẹ tôi mạnh khỏe, vui vẻ", con trai bà Liên Muội chia sẻ.

Theo ông Lai Tô Hà, nghề cho chữ không khó nhưng phải có khiếu. Chữ được cho phải đẹp thì mới có người mua. Nếu là chữ thư pháp thì phải tạo được "rồng bay, phượng múa", nếu chữ tàu thì nét phải mảnh.

Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết - 4

Một số người đến xin chữ ông đồ Lai Tô Hà (Ảnh: An Huy).

"Khu Chợ Lớn này có nhiều người cho chữ. Chữ mỗi người đều có nét đẹp riêng. Nghề này cần có cái tâm. Ông bà ta thường nói "nét chữ, nết người". Mình có tâm với nghề thì nét chữ sẽ đẹp", ông đồ 80 tuổi nói.

Cho chữ 50 năm

Cách chỗ ông Hà khoảng 200m là bàn cho chữ của ông đồ 63 tuổi tên Tân Hùng. Ông Hùng là người Việt gốc Hoa, cũng làm nghề cho chữ được hơn 30 năm. Điều đặc biệt là ông chỉ cho chữ vào ngày Tết.

Ông Hùng trước đây làm nghề phiên dịch viên tiếng Hoa. Khi được nghỉ Tết, ông chuyển sang làm ông đồ cho chữ ở khu Chợ Lớn. Ông viết thạo cả chữ ta và tàu.

Từ 15 tháng Chạp, ông bắt đầu kê bàn cho chữ trước một tiệm bán đồ trang trí Tết. Mỗi câu liễn tùy khổ giấy, ông viết và bán với giá từ 50.000 đến 300.000 đồng một tờ.

"Nghề này tôi thấy chỉ cần chăm chỉ luyện chữ và phải gan dạ mới làm được. Tâm lý mà yếu thì hay sợ, viết dễ sai. Nhiều người đi mua chữ cũng kỹ lắm, họ hỏi trình độ ông đồ rồi mới chịu xuống tiền mua chữ đem về", ông Hùng nói.

Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết - 5

Điểm cho chữ của ông đồ Tân Hùng (Ảnh: An Huy).

Trong 30 phút phóng viên trò chuyện với ông đồ này, rất nhiều người cũng lần lượt đến xếp hàng xin chữ. Mỗi lần viết, ông Hùng bặm miệng, tay cầm cọ chăm chú rê từng nét lên khổ giấy đỏ hình chữ nhật.

Chữ được viết xong, người mua cầm trên tay đều tỏ vẻ thán phục. "Chữ ông Hùng đẹp. Tết mà không có chữ ông dán trước nhà, tôi thấy thiếu thiếu thứ gì. Tôi mua riết thành quen, ghé ổng mua chữ hơn 10 năm rồi", ông Lâm Cẩm Nhơn (83 tuổi) chia sẻ.

Bên cạnh đó, tại giao lộ Nguyễn Trãi - Nguyễn Án, phường 11 (quận 5), một ông đồ 74 tuổi cùng miệt mài cho chữ ngày đêm dịp Tết. Đó là ông Đại Thuận, thâm niên trong nghề 50 năm.

Những nét chữ của ông khi viết ra, nhiều người đứng theo dõi phải trầm trồ vì quá đẹp. Lượng khách đông nên hai con trai của ông cũng phụ giúp cha một tay đóng khung giao khách.

Những ông đồ tất bật mang niềm vui đến cho người dân dịp Tết - 6

Ông Đại Thuận đã có 40 năm làm nghề ông đồ (Ảnh: An Huy).

Theo ông Thuận, ngày thường khách tìm đến ông chủ yếu phục vụ khai trương, mừng thọ. Ngày xuân họ xin chữ chúc Tết, cầu tài lộc, may mắn.

Các câu chữ khách thường hay chọn như: Phát tài phát lộc, vạn sự như ý, mã đáo thành công, đại cát đại lợi. Thậm chí có người yêu cầu viết tên, tuổi của mình rồi dán trong nhà vào năm mới.

"Mỗi người đều có nét viết khác nhau và không theo một quy chuẩn nào. Khi viết chữ, người ta thấy đẹp theo cách nhìn của họ thì mua. Chừng nào mọi người còn trân trọng câu chữ thì ông đồ vẫn còn làm", ông Đại Thuận chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngoài khu Chợ Lớn ở quận 5, dịp Tết Nguyên đán cũng có một phố ông đồ khác tại khu vực Nhà Văn hóa Thanh Niên, trên đường Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1. Các ông đồ ở đây đã phần viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ và tuổi đời tương đối trẻ.