Quảng Nam:
Đỏ lửa ngày đêm để làm nên loại bánh "đánh thức" hương vị Tết
(Dân trí) - Những ngày cận Tết, các lò bánh thuẫn truyền thống - một loại bánh đặc trưng vào dịp Tết của người dân xứ Quảng lại tất bật đỏ lửa ngày đêm cho kịp đơn hàng.
Cùng với bánh tét, dưa món, thịt ngâm nước mắm… bánh thuẫn (hay còn gọi là bánh thửng) là món bánh được dùng để đãi khách trong những ngày Tết của người dân miền Trung nói chung và người dân xứ Quảng nói riêng.
Vị bánh xốp mềm, ngọt bùi, thơm ngon nức mũi, gợi lên hương vị quê nhà đầm ấm, xoa dịu trái tim thổn thức của bao người con đi xa có dịp về quê ăn Tết.
Từ đầu tháng Chạp, người dân nhiều vùng ở Quảng Nam bắt đầu rộn ràng với việc đỗ bánh thuẫn. Nguyên liệu chính của món bánh này rất đơn giản với bột, trứng, đường và một chiếc khuôn làm bằng gan hoặc đồng. Một khuôn bánh thường có từ 6 chiếc bánh nhỏ bên trong.
Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được những mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Công đoạn khó nhất là việc pha và đánh bột. Bột dùng để làm bánh là bột năng, bột huỳnh tinh (hay còn gọi là bình tinh) được pha với nhau theo tỷ lệ nhất định.
Chị Phạm Thị Linh (50 tuổi, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) đã theo nghề làm bánh thuẫn gần 30 năm, gia đình chị làm quanh năm để bỏ mối cho bạn hàng, nhưng đến cận Tết cổ truyền là tất bật nhất.
Từ mùng 4 tháng Chạp chị bắt đầu nhận đơn hàng Tết, làm hết ngày 30 Tết thì nghỉ. Trung bình một ngày chị cung ứng khoảng 100 ký bánh, làm theo các đơn đặt sẵn hoặc bán lẻ cho khách. Tiền gia công được tính trên ký bánh, thường là 120.000 đồng/2,5 ký. Trứng gà khách tự mang đến, còn bột thì cơ sở gia công, khi làm xong thì gọi khách đến lấy.
"Sau khi trừ chi phí, tiền lãi mỗi ngày cũng vài trăm ngàn, đủ trang trải dịp Tết là vui rồi. Dịp Tết thường tăng khoảng 30% so với ngày thường. Cận Tết cũng có khá nhiều lò gia công bánh thời vụ, nhộn nhịp, đông vui lắm. Đây là món bánh truyền thống, nên mỗi dịp Tết các lò bánh thuẫn lại tất bật đỏ lửa", chị Linh vui vẻ cho hay.
Trứng làm bánh là trứng gà, trứng vịt hoặc sử dụng cả hai tùy theo sở thích của mỗi nhà. Trứng cho vào với đường và đánh tan. Cho tiếp bột đã rây mịn vào và đánh cho đến khi hỗn hợp đó hòa quyện lại và dậy lên là được. Sau khi đánh xong, cho vào một ít vani để có hương thơm.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong thì đến khâu nướng bánh. Khi lò than đã đỏ lửa, bắc trên lò một trã rang có vung đậy. Trong lòng đã đổ cát mịn chừng một nửa, rồi đặt các khuôn bánh thuẫn được thợ thiếc gò có hình thuẫn (bầu dục), nên người ta gọi là bánh thuẫn.
Tất cả khuôn đều được thoa dầu phộng bên trong. Khi nồi cát nóng làm cho các khuôn nóng, thợ làm bánh bắt đầu dùng muôi (vá) rót bột vào khuôn cho vừa đủ và đều khắp, xong đậy nắp vung lại.
Trên nắp bỏ nhiều than lửa, chờ 5-7 phút sau, tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả vàng là bánh đã chín, lấy cây dài xâu vào bánh lấy ra là được. Sau khi lấy bánh ra, một khâu quan trọng nhất nữa là sấy bánh.
Mục đích sấy bánh là làm cho bánh cứng, để được lâu, có thể ăn hết tháng Giêng. Bánh sau khi lấy từ trong lò ra, sắp lên một cái nia có nhiều lỗ nhỏ, bên dưới là bếp than được quây lại bằng những tấm cót. Sấy trong nửa ngày cho đến khi bánh cứng và sắp vào bao hay thẩu thủy tinh.
Tại lò bánh thuẫn của gia đình bà Nguyễn Thị Xí (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) cũng tất bật đỏ lửa để gia công bánh cho khách. Theo bà Xí, hai năm trở lại đây nhiều người bắt đầu yêu chuộng các loại bánh đặc sản quê, lò bánh của bà cũng thịnh vượng trở lại như thuở cha ông nối nghề, giữ nghiệp.
"Tôi theo nghề cũng 30 năm rồi, đến Tết nhu cầu tăng cao nên làm hơn một tấn bánh vừa bán sỉ vừa bán lẻ. Những năm trước nghề này chật vật lắm, cạnh tranh sao nổi các thương hiệu bánh lớn trên thị trường. Nhưng gia đình tôi vẫn quyết giữ nghề, để mỗi Tết đến lại nghe hương thơm phưng phức từ chiếc bánh thuẫn truyền thống quê hương", bà Xí tâm sự.
Trong những ngày giáp Tết, đi bất cứ con đường quê nào ở xứ Quảng, bạn đều sẽ được ngửi thấy hương thơm phức của bánh thuẫn. Nhiều người dân lớn tuổi quê xứ Quảng không ai không biết loại bánh này. Và cứ đến Tết, nhiều vùng quê đi đâu cũng nghe dậy mùi bánh thuẫn truyền thống.
Ngoài món bánh để cúng ông bà trong ngày Tết, bánh thuẫn được yêu thích vì có mùi thơm dịu, lại không quá ngọt như các loại bánh mứt khác. Với nhiều người, mùi bánh thuẫn đã "đánh thức" ký ức về những cái Tết xưa nghèo khó và ấm cúng.