1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Xót thương cho số phận hai trẻ mồ côi cha, nay lại phải xa mẹ

(Dân trí) - “Mẹ đi khi nào cháu có biết đâu, sáng dậy thấy mảnh giấy trên bàn ghi: gắng nuôi em... cả ngày hôm đó hai anh em cháu khóc hết nước mắt”, mắt rơm rớm Bình nói. Từ ngày bố mất, mẹ đi xa, Bình phải nghỉ học để nuôi em thay cha mẹ.

Hoàn cảnh của hai anh em Nguyễn Thanh Bình, đội 9, Nông trường Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định khiến nhiều người không khỏi xót thương cho số phận hai trẻ mồ côi cha, nay lại phải xa mẹ.
 
 
Xót thương cho số phận hai trẻ mồ côi cha, nay lại phải xa mẹ - 1
Vì em Lệ, Bình từ bỏ ước mơ đến trường ở nhà làm việc nuôi em.
 
Hơn một năm về trước, hai anh em Bình còn có một gia đình hạnh phúc tuy gia đình còn chìm ngập trong khó khăn nợ nần. Không còn cách nào khác, mẹ Bình (chị Trần Thị Ninh) phải rời bỏ hai đứa con thơ  ra Hà Nội làm ô sin lấy tiền trả nợ. “Mẹ đi khi nào cháu có biết đâu, sáng dậy thấy mảnh giấy trên bàn ghi: gắng nuôi em, mẹ đi làm sẽ gửi tiền về cho hai anh em ăn học. Hai anh em cháu ngày hôm đó khóc hết nước mắt”.

15 tuổi, Bình phải mò cua bắt ốc nuôi em thay cha mẹ. Gia tài lớn nhất mà người cha để lại trước lúc chút hơi thở cuối cùng là một con trâu, và đằng sau đó là khối nợ nần chồng chất. Khó khăn quá, mẹ Bình phải bán con trâu để trả nợ.

Buổi sáng, khi em Lệ đang ngủ, Bình phải dậy từ lúc 5 giờ ra đồng bắt mò cua, bắt ốc làm thức ăn buổi trưa cho hai anh em. Sợ em tỉnh giấc không thấy anh đâu lại khóc nên hôm nào Bình cũng phải “căn” đến giờ để về với em, dù được ít hay nhiều. “Cứ mò ốc một lúc rồi ngửa mặt lên trời, khi nào mặt trời ló lên một gang tay nhỏ thì cháu về”, Bình cười hiền nói.

Chị Xuyến - bác của Bình cho biết: “Từ khi bố mất, mẹ đi làm ô sin thằng Bình trở nên lầm lì ít nói, suốt ngày chỉ thấy nó ở ngoài đồng mò cua, băt ốc. Nhà có hơn 2 sào ruộng cứ đến mùa gặt, cấy là anh em, hàng xóm đến làm giúp chứ để hai anh em nhỏ thì biết làm gì”.

Mỗi ngày đi bắt cua, cá ngoài đồng ngoài có thức ăn ra, Bình cũng kiếm được  5000 - 7000  đồng. “Ở đây cá nhiều lắm những chẳng ai mua vì ai cũng kiếm được. Cháu phải chọn những con cá tươi sống đi bộ gần chục cây số đem ra chợ mới bán được. Tiền này cháu không tiêu đâu, dồn lại cho mẹ trả nợ. Trả xong nợ mẹ sẽ về với hai anh em cháu!”.

Không kể nắng hay mưa, ban ngày khi nào em cũng có mặt ngoài đồng. Đêm đến, sự u ám bao trùm trong ngôi nhà làm cho em phải bật khóc. Sự nhọc nhằn, sương gió làm cho Bình già dặn hơn rất nhiều so với các bạn cùng tuổi. “Có những hôm em ốm, không ai đi đồng, cơm nước không ai nấu, hai anh em phải nhịn đói qua ngày. Cháu còn chịu được, chỉ thương cái Lệ còn nhỏ không chịu nổi”, mắt rơm rớm Bình tâm sự. 

Học hết lớp 9, Bình không thi lên cấp 3 vì lý do có thi đậu cũng chẳng có tiền đi học. “Nhìn các bạn được đi học cháu thấy tủi thân, có những hôm cháu đứng giữa đồng òa khóc”.

Đầu năm học mới cũng là lúc khuôn mặt của Bình sạm hơn vì nắng. Cặm cụi ngoài đồng suốt cả ngày Bình  mong bắt được nhiều tôm cá lấy tiền mua sách vở cho em. Bé Lệ năm nay lên lớp 4: “Bằng giá nào cháu cũng phải để em đi học, không học sau này khổ lắm. Một mình cháu nghỉ học là đủ rồi, không để cho em Lệ phải nghỉ như cháu đâu”, vẻ mặt đầy quyết tâm Bình chia sẻ.

Bà Chè – người hàng xóm của Bình cho biết: “Người dân vùng biển này cũng nghèo lắm. Thấy hoàn cảnh hai cháu mà ai cũng thương, nhưng biết làm sao được. Nhà có củ khoai cho củ khoai, có sắn cho sắn chứ cũng chẳng có tiền bạc gì để giúp cả”.
Đôi chân trần của Bình những ngày này lại phải thêm nhịp bước, gót chân non của đứa trẻ mới lớn đã nứt toác. Đôi dép từ ngày mẹ đi đến nay đã không còn chỗ nào lành lặn. Với hai đứa trẻ này, có được đôi dép mới không phải chuyện dễ dàng: “Hôm nào bắt được nhiều cá, tôm cháu phải mua cho em Lệ đôi dép mới, không lên lớp bạn bè trêu lại tủi thân nó”.
 
Khi được hỏi về ước mơ sau này của Bình, em chỉ cúi mặt im lặng, một lúc sau Bình dè dặt thổ lộ: “Cháu ước được đi học trở lại. Cháu sẽ cố gắng học thật tốt để sau này kiếm được tiền trả nợ cho mẹ, để mẹ không phải ra Hà Nội làm thuê nữa. Cháu sẽ mua cho em Lệ cái xe đạp đi học vì lên cấp ba phải đi học xa lắm, hơn chục cây số cơ”.
Thấy anh ước, bé Lệ cũng ước: “Cháu muốn có mẹ ở nhà, chỉ cần có mẹ thôi. Mẹ sẽ dạy cháu học, sau lớn cháu sẽ là cô giáo”.
 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Em Nguyễn Thanh Bình - đội 9, Nông trường Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Lê Văn Dương