Mã số 1015:
Vợ nhọc nhằn nuôi chồng và con bị bệnh thần kinh
(Dân trí) - Hơn 20 năm cam chịu đớn đau để phục vụ người chồng điên loạn và đứa con bị thần kinh, bà đã phải nếm trải biết bao tủi nhục, nhưng bổn phận người vợ, người mẹ đã giúp bà vượt qua những khó khăn để tiếp tục làm tròn trách nhiệm của mình.
Người vợ, người mẹ với số phận trớ trêu mà chúng tôi muốn nói đến đó là bà Nguyễn Thị Thịnh ở xóm Xuân Cảnh, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hàng ngày đang phải vất vả mưu sinh để phục vụ cho người chồng và người con bị căn bệnh thần kinh quái ác hành hạ.
Sinh năm 1951 trong gia đình nghèo khó, bà đã sớm phải bươn chải với cuộc sống để nuôi gia đình. Lớn lên trong cái đói cái nghèo, không có điều kiện nên bà cũng không được học hành đàng hoàng tử tế. Rồi cái duyên cái số cũng đến, bà se duyên với ông Trần Văn Phúc (sinh năm 1944) ở làng bên.
Những ngày đầu về làm dâu, bà cũng được tận hưởng những phút giây hạnh phúc, sung sướng của cuộc đời. 2 vợ chồng bà đã sinh được 7 người con, 4 gái và 3 trai trong niềm vui đầm ấm. Nhưng rồi niềm vui sướng đó cũng chẳng được bao lâu khi người chồng phải ra chiến trường theo tiếng gọi của thiêng liêng của Tổ quốc. Bà phải một mình ở nhà nuôi dạy 7 người con trong sự thiếu thốn đủ bề. Thiếu sự yêu thương che chở của người chồng, thiếu luôn cả về vật chất cuộc sống nên bà đã phải sống trong những tháng ngày khó khăn, đói khổ.
Sau hơn 5 năm đi lính, ông Phúc trong một lần chiến đấu đã bị trúng bom của địch. Ông bị thương nặng rồi sau đó ông được trở về nhà bên mái ấm gia đình. Năm 1986, ông bà lại sinh thêm được một người con trai đặt tên là Trần Văn Hưng. Cũng kể từ đó, tai họa ập đến gia đình của bà. Ông Phúc đổ bệnh, suốt ngày nói năng linh tinh, quậy phá, rượu chè rồi đánh vợ đập con thậm tệ. Những trận đòn roi, những lần chửi mắng của người chồng đã làm bà gầy mòn theo năm tháng.
Nhưng rồi bà vẫn phải cố gắng cam chịu và sống chung với nó. Lâu dần rồi cũng thành quen, mỗi trận đòn, chửi mắng của ông chồng, đối với bà giờ không còn sợ hãi như trước nữa mà càng ngày bà càng cảm thấy thương người chồng bệnh tật nhiều hơn. Có lẽ vì cuộc sống, vì chiến tranh mà giờ đây người chồng đã bị như thế nên bà càng cảm thấy áy náy và tự dặn lòng mình không được phụ bạc với người chồng tội nghiệp.
Mỗi lần nghe được ai mách chỗ nào có thầy thuốc chữa bệnh hay là bà lại lặn lội đi hết thầy này đến cô kia mong sao chữa được khỏi bệnh cho chồng. Bao nhiêu tài sản trong nhà, bà đều mang đi bán hết để tìm thầy tìm thuốc. Nhưng trớ trêu, bệnh của người chồng không hề thuyên giảm mà càng ngày càng nặng hơn.
Rồi 17 năm sau, tai họa một lần nữa lại đổ lên số phận người đàn bà tội nghiệp. Người chồng bị bệnh thần kinh không chữa được, giờ đây người con trai út lại cũng bị căn bệnh thần kinh quái ác hành hạ. Giờ đây người vợ, người mẹ gần như đã kiệt sức vì số phận oái oăm của mình. Dường như bao nhiêu đau đớn của cuộc đời, bao nhiêu khó khăn thử thách của cuộc sống đều đổ dồn lên đôi vai khó nhọc của bà.
“Khi đứa con trai đổ bệnh, tui nỏ biết mần răng cả chỉ biết khóc thôi chú à. Chồng bị bệnh chữa không được giờ lại đến lượt con trai cũng bị. Mấy năm liền tui cứ đem đi mấy bệnh viện mong sao chữa được chừng nào hay chừng ấy nhưng rồi cũng không có chút hy vọng nào. Thằng Hưng (người con trai bị bệnh thần kinh) bị bệnh rồi suốt ngày cũng đi lang thang như bố hắn. Đi mô cũng nhặt một đống sỏi về rồi nói là kim cương hạt xoàn. Ai cho hắn đồng mô thì hắn lại đi mua hết sổ sách, bút rồi lại những viên đá cảnh về cất một tủ đầy kín. Thấy con cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, tội nghiệp cho nó quá. Giá như tôi được mang bệnh thay nó thì tôi cũng chấp nhận”, bà Thịnh mếu máo nói.
Nhà vốn nghèo, không nghề nghiệp mưu sinh, rồi những đứa con khỏe mạnh bình thường khác cũng lần lượt vào nam mưu sinh kiếm sống. Nhưng rồi cuộc sống xa nhà, khó khăn đủ thứ nên những người con cũng chẳng bao giờ gửi được chút tiền về cho mẹ. Ở nhà, bà lại phải sống trong cảnh khổ sở khi người chồng cùng người con suốt ngày nói năng linh tinh, đập phá nhà cửa. Bà cố gắng tìm cách giữ cho 2 người ở nhà, không chạy lung tung nhưng bà không tài nào giữ nổi.
Hàng ngày, người chồng cùng người con trai lại lang thang trên mọi nẻo đường xó chợ để nhặt nhạnh những thứ rác rưởi linh tinh. Lúc nào đói thì lại về nhà để lục cơm ăn, ăn xong thì lại “đường ai nấy đi”. Hai người lại tiếp tục lên đường, lang thang hết nơi này đến nơi khác. “Tui biết ông ấy cứ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác rồi khi nào đói bụng thì lại chui về nhà lục cơm ăn nên tui nấu sẵn và cất cẩn thận vào bếp cho ông ấy về ăn. Có nhiều lần, ăn xong ông ấy cứ điên điên khùng khùng, chửi bới rồi vứt (ném) luôn cả cái bát cơm vào người tui. Rồi cứ thế lại lẳng lặng bỏ đi. Khổ lắm nhưng cũng phải đành chịu thôi chứ biết răng dừ chú”. Bà Thịnh nhớ lại mà hai khóe mắt đỏ hoe.
Hơn 26 năm qua, người chồng và người con bị bệnh thần kinh hành hạ là hơn 26 năm bà phải sống trong những tháng ngày tận cùng của tăm tối. Hàng ngày bà phải dậy từ rất sớm để chăm sóc từng ly từng tí cho người chồng và người con đang bị bệnh. Mỗi khi trái gió trở trời, người chồng và người con lại lên cơn đau quằn quại, bà lại cúi mặt lo cho chồng cho con, thuốc thang, cơm nước. Có nhiều khi còn bị ăn chửi và ăn đánh nhưng bà vẫn một lòng một dạ thương chồng chăm con.
Không làm được việc gì vì phải lo cho chồng con cả ngày nên nhà bà Thịnh nghèo “rớt mồng tơi”. Căn nhà chẳng có gì ngoài 2 chiếc dường cũ kĩ sập sệ, những viên ngói đã bị thủng lỗ chỗ, những cột gỗ trong nhà mối mọt đã ăn gần hết và muốn đổ xuống mỗi lúc trời mưa to. Vậy mà mấy chục năm qua cả nhà bà vẫn phải chịu đựng trong cảnh khổ sở như vậy.
Gia đình thuộc dạng hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã, mỗi tháng ông Phúc được nhà nước hỗ trợ 170 nghìn đồng, còn anh Hưng được hỗ trợ 280 nghìn 1 tháng. Với số tiền ít ỏi đó bà Thịnh phải chia đều 3 khẩu phần ăn cho cả tháng. Mặc dù phải dè dặt, tiết kiệm từng đồng một, nhưng rồi cứ đến nửa tháng trong nhà bà lại chẳng có lấy một hạt gạo.
Rồi mỗi khi trái gió trở trời, người chồng và con ốm đau, bà Thịnh lại phải cúi mặt sang nhà hàng xóm vay từng đồng để về mua thuốc. Không làm được việc gì, hàng ngày bà Thịnh lại tranh thủ chịu khó chăm thêm mấy luống rau trong vườn để thỉnh thoảng đem ra chợ bán còn có tiền thuốc thang ăn uống cho chồng và con.
“Mỗi lần ốm đau, tui lại phải đi vay mượn hết nhà này đến nhà khác để có tiền mua thuốc. Vay mãi mà chẳng có tiền trả cũng thấy ngại nhưng không vay thì nỏ biết lấy tiền mô nữa. Cứ nhìn người chồng và người con suốt ngày nói năng linh tinh mà đau quá chú ạ. Rồi mai đây tui có lỡ chết đi thì không biết chồng và con sống ra răng. Không biết rồi ai cho bố con nó vay tiền mà sống qua ngày nữa!”. Bà Thịnh nghẹn ngào trong nước mắt.
Giờ đây, ở cái tuổi ngoài 60 đáng lẽ bà được hưởng thụ một tuổi già thanh nhàn bình yên nhưng với bà Thịnh đó là một điều xa vời mà bà khó lòng mong đợi. Lòng bà vẫn chưa khi nào được thảnh thơi khi nghĩ về tương lai của người chồng cùng người con đang hàng ngày bị bệnh thần kinh hành hạ. Căn nhà sập sệ, thiếu thốn dường như cũng tỏ rõ hết nổi khó nhọc của bà. Lo cơm cháo qua ngày, rồi thuốc thang bệnh tật, không biết rồi bà còn có thể lo được đến bao giờ?.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1015: Bà Nguyễn Thị Thịnh, xóm Xuân Cảnh, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. ĐT: 01644.830.605 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487 Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359 Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002 Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0974567567 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
|
Nguyễn Duy - Tú Tình