1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Quảng Ngãi

Vì Hoàng Sa ruột thịt, ngư dân không ngại nợ nần và hi sinh

(Dân trí) - “Mỗi lần đi ra Hoàng Sa, tàu cá nào cũng ngại gặp bão tố, còn gặp tàu Trung Quốc thì chúng tôi chẳng sợ gì. Phía Trung Quốc càng hung hăng, ngăn cản ngư dân mình mưu sinh trên lãnh hải của ta, càng khiến tinh thần chúng tôi mạnh mẽ hơn khi tiến ra ngư trường ruột thịt…”

Kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, các loại tàu Trung Quốc luôn tìm cách tấn công, cướp tài sản và đe dọa đến tính mạng ngư dân Việt Nam, trong đó có ngư dân Quảng Ngãi.

Riêng trong tháng 5, có 5 trường hợp tàu cá Quảng Ngãi (4 tàu cá Lý Sơn và 1 tàu ở Bình Sơn) bị tấn công. Xót xa hơn, khi kiểm ngư Trung Quốc “lấy mạnh hiếp yếu” đánh đập 2 ngư dân Quảng Ngãi dã man, khiến sức khỏe 2 ngư dân rơi vào tình trạng nguy kịch phải đưa vào bờ cấp cứu.

Theo đó, ngày 16/5, tàu cá QNg 90205-TS của ông Nguyễn Văn Quang (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đang đánh bắt hải sản tại vị trí 16 độ 55 phút Vĩ Bắc - 112 độ 21 phút Kinh Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vào khoảng 19h00 cùng ngày, 12 ngư dân trên tàu đi 2 chiếc ca-nô nhỏ khai thác hải sản, lúc này tàu QNg 90205-TS đứng tại chỗ, trên tàu chỉ còn lại 2 ngư dân Nguyễn Tấn Hải và Nguyễn Huyền Lê Anh trên tàu.
Ngư dân trên tàu ông Nguyễn Văn Quang kể lại sự việc.

Ngư dân trên tàu ông Nguyễn Văn Quang kể lại sự việc.

Bất ngờ bị tàu kiểm ngư Trung Quốc tấn công, hơn 30 người Trung Quốc nhảy lên tàu, vừa đập phá máy móc, lấy tài sản vừa đánh 2 ngư dân đến bất tỉnh. Ngay trong đêm, tàu QNg 90205-TS khẩn cấp quay vào bờ, cập cảng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) vào lúc 11h40 ngày 18/5 vừa qua. Ước tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Ngư dân bị đánh thương nặng trên tàu QNg 90205-TS rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của xã hội.

Ngư dân bị đánh thương nặng trên tàu QNg 90205-TS rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của xã hội.

Cùng chung hoàn cảnh trên, tàu cá QNg 96146-TS của ngư dân Nguyễn Lộc (37 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, Lý Sơn) bị tàu Trung Quốc (số hiệu 1241) đâm vỡ mạn thuyền, đồng thời hư hỏng nặng phần cabin trên thân tàu. May mắn hơn, tàu của ngư dân Nguyễn Lộc không bị cướp tài sản và đánh đập nhờ anh bình tĩnh điều khiển tàu tránh người Trung Quốc nhảy lên tàu cá của mình.

Chủ tàu Nguyễn Lộc (ngoài cùng bên trái) cùng ngư dân trên tàu của mình.

Chủ tàu Nguyễn Lộc (ngoài cùng bên trái) cùng ngư dân trên tàu của mình.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.000 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng huyện Lý Sơn có 427 tàu cá với tổng công suất trên 40.000 CV, trong đó có 158 tàu đánh bắt xa bờ, khai thác chủ yếu trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn lại là tàu cá của ngư dân ở huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.

Tàu cá QNg 96147-TS của ngư dân Dương Văn Giàu (ngụ xã An Hải, Lý Sơn) hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, trên tàu có 13 lao động. Vào khoảng 18h00 ngày 7/5, tàu Trung Quốc đã tấn công, cướp tài sản, đập phá máy móc và lấy ngư lưới cụ. Tuy nhiên, mặc dù vẫn lo lắng khoản nợ chưa trả, nhưng với tinh thần kiên trì bám biển bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo, ngư dân Dương Văn Giàu cùng thuyền viên mượn tạm trang thiết bị, máy móc trên tàu cá cùng Nghiệp đoàn và ở lại Hoàng Sa tiếp tục đánh bắt hải sản.

Hai tàu cá thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, đang lo tìm kiếm khoản vay để sửa chữa, đó là tàu QNg 96011-TS của ngư dân Huỳnh Tấn Được (trên tàu có 13 lao động, bị tàu Trung Quốc tấn công vào khoảng 19h00 ngày 17/5 và về cảng Lý Sơn tối ngày 18/5, thiệt hại hơn 300 triệu đồng) và tàu cá QNg 96354-TS của ngư dân Nguyễn Văn Chí (SN 1979), trên tàu có 12 lao động vừa bị Trung Quốc tấn công vào 9h00 ngày 8/5 tại đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa), về đến Lý Sơn vào ngày 10/5.

“Mỗi lần đi ra Hoàng Sa, tàu cá nào cũng ngại gặp bão tố, còn gặp tàu Trung Quốc thì chúng tôi chẳng sợ gì. Phía Trung Quốc càng hung hăng, ngăn cản ngư dân mình mưu sinh trên lãnh hải của ta, càng khiến tinh thần chúng tôi mạnh mẽ hơn khi tiến ra ngư trường ruột thịt. Sau khi vay mượn tiền, chúng tôi tiến hành sửa chữa và mua sắm lại trang thiết bị. Tàu tôi cùng 2 ngư dân vừa bị đánh lại tiếp tục vươn ra Hoàng Sa, thà hi sinh chứ không chịu mất ngư trường của tổ quốc mình”, ông Nguyễn Văn Quang bày tỏ.

Ông Nguyễn Lộc cho biết: “16 ngư dân chúng tôi bị tấn công vào 14h00 ngày 7/5, đến trưa ngày 9/5, tàu về đến cảng Lý Sơn. Kể từ đó đến nay, tôi huy động các nguồn vốn để sửa tàu, rồi chăm lo đời sống anh em ngư dân, trong khi nợ cũ chưa trả xong. Ngày nào còn nằm bờ, ngày đó đời sống ngư dân càng lâm vào khó khăn, túng thiếu”.
Chủ tàu Nguyễn Lộc (ngoài cùng bên trái) cùng ngư dân trên tàu của mình.

Ngư dân trên tàu ông Nguyễn Lộc gặp khó khăn với chuyến biển gặp nạn và nằm bờ dài ngày chờ sửa chữa tàu.

Ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) cho biết: “Trong tháng 5 này, Nghiệp đoàn tôi có 3 tàu bị phía Trung Quốc tấn công, gây thiệt hại rất lớn về tài sản cũng như đời sống ngư dân. Hiện nay, riêng tàu của ngư dân Dương Văn Giàu đang còn hoạt động ở Hoàng Sa, còn lại đang sửa chữa để tiếp tục ra khơi”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phùng Đình Toàn – Phó Chi Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Ngư dân Quảng Ngãi rất kiên cường, dũng cảm và không sợ hiểm nguy trên ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, Trường Sa. Với hành động gia tăng mức độ tấn công, ngư dân Quảng Ngãi rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội để họ có điều kiện sớm ra khơi bám biển ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.

Hiện nay, tình hình trên vùng biển do Trung Quốc đặt gian khoan trái phép đang căng thẳng. Khả năng tàu Trung Quốc tấn công, cướp bóc và đe dọa tính mạng của ngư dân Quảng Ngãi vẫn chưa dừng lại. Tại Quảng Ngãi, 5 tàu cá trên là trường hợp tiểu biểu được cả xã hội biết đến, còn đó nhiều ngư dân lặng lẽ với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đang có hoàn cảnh khó khăn. Và đằng sau ngư dân kiên cường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa là cả dân tộc Việt Nam.

Hồng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm