Tìm nguồn sáng cho ước mơ của cô bé lưng gù
(Dân trí) - Sinh ra lành lặn nhưng căn bệnh vẹo cột sống cùng với khối u quái ác đã biến em Lê Thị Thuỳ Dương trở thành người gù bất đắc dĩ. Dù đau ốm liên miên nhưng em luôn là học sinh giỏi bởi ngày ngày cô bé đó nuôi ước mơ trở thành cô giáo.
Khối u trên lưng làm cho Dương trở thành người gù bất đắc dĩ.
Lưng gù học giỏi
Hồi nhỏ, bé Dương cũng xinh xắn, lành lặn. Thi thoảng, Dương cũng hay gặp phải những cơn động kinh thường thấy như nhiều đứa trẻ khác. Ba mẹ em phải cho con dùng nhiều thuốc kháng sinh để trị bệnh. Họ không ngờ rằng hậu quả lại dẫn đến việc cô con gái đáng yêu bị biến chứng thành vẹo cột sống.
Năm Dương học lớp 4 thì sau lưng em xuất hiện một khối u nhỏ. Khối u này cứ lớn dần lên trong sự lo âu, bất lực của hai vợ chồng nghèo Lê Mậu Mầu - Nguyễn Thị Thích. Người Dương cứ cong queo, gầy gò, chân tay co rút lại. Đến bây giờ, em đã trở thành một người gù với khối u rất to mang ở sau lưng. Mọi sinh hoạt của Dương trở nên khó khăn hơn người bình thường rất nhiều. Đến trường hay đi đâu cũng phải có người chở chứ không thể tự đạp xe hay đi bộ được xa. Nhìn cô con gái phải chịu bao đau đớn mà không có cách gì cứu được, vợ chồng anh Mầu chỉ còn biết khóc hết nước mắt vì thương con.
Ngồi trong lớp học, Dương thấp hơn các bạn cả cái đầu.
Những khiếm khuyết và nỗi đau tật nguyền ấy không ngăn được sự cố gắng vươn lên của bé Dương. Em học rất giỏi, chín năm liền, học kỳ nào Dương cũng đạt học sinh giỏi. Học ngày, học đêm, lúc nào Dương cũng học một cách miệt mài và say mê đến bất tận. Dương tâm niệm: “Em sinh ra vốn lành lặn nhưng do bệnh tật nên mới trở nên thế này. Đó là nỗi buồn của riêng em nhưng nỗi bất hạnh lớn nhất của em chính là vì em mà ba mẹ phải buồn lòng. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để bù đắp phần nào nỗi buồn của ba mẹ”.
Ngoài những lúc ngủ hay bệnh tật hành hạ là cô bé đành gác việc học lại một cách bất đắc dĩ. Ngày ngày, trong từng bài học, trong giấc ngủ mộng mị, trong ý nghĩ của cô học trò nhỏ luôn khao khát một ước mơ cháy bỏng của đời mình.
Mơ làm cô giáo
Ngay từ những ngày thơ ấu cắp sách đến trường, hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” đã ăn sâu vào tâm trí cô bé Dương. Hình ảnh thân thương gần gũi ấy lớn dần trong em thành ước mơ cháy bỏng. “Nhìn các thầy, cô đứng trên bục giảng dạy chúng em biết bao nhiêu là kiến thức, bao điều hay lẽ phải mà em rất thích thú. Em ước gì sau này mình cũng sẽ trở thành cô giáo. Em sẽ gắng học thật giỏi để thực hiện bằng được điều ước này. Vì nó mà em quên cả đau đớn, quên ăn, quên ngủ để học”, Dương tâm sự.
Nhưng bệnh tật thế sau này làm sao cô bé có thể trở thành cô giáo được? Ba mẹ Dương nghèo vậy lấy đâu ra tiền để chữa bệnh cho con chứ? Đôi mắt thơ ngây của cô bé 14 tuổi dường như trở nên sâu thẳm, xa xăm trong nỗi buồn khi nghĩ về hoàn cảnh gia đình. “Muốn làm cô giáo thì em phải lành bệnh, đứng thẳng người lên được cái đã. Mà gia đình em thì...”, Dương buồn rầu.
Ngay cả mong muốn có được bộ máy vi tính để học Dương cũng đành ngậm ngùi xếp lại. Em chỉ nghĩ rằng sau này làm cô giáo, đi dạy sẽ dành dụm tiền chữa bệnh, mua máy tính và làm nhiều việc khác nữa.
Giờ ra chơi, Dương chỉ đứng thu mình một chỗ, nhỏ bé và cô độc. Ngồi học trong lớp, Dương thấp hơn bạn bên cạnh cả một cái đầu nhưng mỗi lần nhìn lên bục giảng là cô bé lại trỗi dậy khát khao về một ngày mai tươi sáng để chăm chú học bài.
“Em Dương là một học sinh giỏi, chăm học và rất ngoan. Cả trường ai cũng thương cho hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật của em nhưng đành bất lực không giúp được gì nhiều. Chỉ mong sao cho bệnh tình của em không nặng thêm để sau này em có thể học cao hơn nữa”, cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thu Hồng chia sẻ.
Trong căn nhà cấp bốn sơ sài của bố mẹ, cô bé Dương tội nghiệp vẫn đang miệt mài ôn luyện bài vở chuẩn bị hai kỳ thi Tốt nghiệp THCS, thi vào trường Chuyên của tỉnh. Chúc cho ước mơ của em sẽ thành hiện thực vào một ngày không xa.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Anh Lê Mậu Mầu (bố bé Dương) thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
Switch Code : ICBVVNVX106 639
Tại : Sở Giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, Quận Bình Thạnh. Tel: 08.35107331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269