1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nghệ An:

Thương cảnh bé bại não mồ côi cha mẹ

(Dân trí) - 12 năm qua, căn bệnh bại não, chân tay co quắp đã cướp đi em Nguyễn Quốc Khánh quyền được sống đúng nghĩa như bao đứa trẻ khác. Bố mẹ lần lượt rời xa em. Cuộc sống của em là những đêm trắng của ông bà nội khi đứa cháu lại lên cơn co giật.

Năm nay 12 tuổi nhưng em Nguyễn Quốc Khánh (SN 1999) ở xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân, TP Vinh (Nghệ An) như một đứa trẻ lên 3. Đôi mắt vô hồn, chân tay co quắp, teo tóp là biểu hiện giành giật sự sống của em bao năm qua với số phận.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Bà Trần Thị Xuân (bà nội) cho biết Khánh sinh đúng vào ngày quốc khánh nên bố mẹ đặt tên em là Quốc Khánh, một niềm vui trọn vẹn. Nhưng niềm vui ấy chỉ vẻn vẹn được 4 tháng, khi thấy cháu phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác. Cả gia đình vội đưa cháu lên bệnh viện khám. Bác sỹ kết luận Khánh mắc bệnh “bại não co quắp”.
 
Thương cảnh bé bại não mồ côi cha mẹ - 1
Cháu Khánh trên tay bà nội em. 

Để cứu con, gia đình đưa Khánh đi BV Nhi Trung Ương điều trị. Đằng đẵng 6 năm trời ăn chờ nằm chực ngoài bệnh viện, tốn không biết bao nhiêu tiền nhưng bệnh của em không hề thuyên giảm. Không tiền bạc, của cải gia đình ngậm ngùi nuốt nước mắt đưa Khánh về nhà chờ phép mầu.

Cuộc đời của em sẽ được an ủi phần nào nếu như bên em còn bố mẹ. Tháng 2/2009, mẹ Khánh do không chịu được nỗi đau khi đứa con mang tật nguyền, gia đình nợ nần nên đã ra đi. Rồi chỉ 2 tháng sau, bố của em “đành phải” để em lại cho ông bà nội và ra đi sau một tại nạn giao thông nghiệt ngã. Một tiếng gọi bố, gọi mẹ đối với Khánh giờ đây lại càng quá xa vời. Khánh bỗng nhiên trở thành đứa trẻ mồ côi từ đó. Gánh nặng chăm sóc đứa cháu tật nguyện đặt lên đôi vai gầy gò của ông bà nội.

Ông Nguyễn Văn Dũng (ông nội) năm nay đã ở cái tuổi 60 nói trong nước mắt: “Từ ngày bố mẹ nó mất, vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực bên cháu. Nó đã mất quá nhiều thứ rồi nên chăm sóc cháu được ngày nào, chúng tôi cố gắng ngày đó”.

Tình yêu thương cháu giúp cho ông bà nội Khánh luôn tin tưởng rồi một ngày bệnh tình của Khánh sẽ được chữa khỏi. Cứ mỗi lần xem trên tivi thấy nơi nào có thầy giỏi là ông bà lại khăn gói bồng cháu đi chữa bệnh. Tiền bạc trong nhà cũng trôi theo những chuyến tìm thầy vào Nam, ra Bắc.

Hết tiền, ông bà đi vay mượn anh em, hàng xóm. Sổ hưu của bà cũng đành “gác” lại để có tiền chạy chữa cho cháu. Nợ nần ngày một nhiều nhưng bệnh tình của Khánh không hề thuyên giảm. Như an phận, ông bà đành ôm cháu trở về.

Xin một ngày được “sống” đúng nghĩa

Hiện nay, để có tiền lo cái ăn và mua thuốc, sữa... hàng ngày cho cháu, đôi vợ chồng già yếu phải thuê gần 7 sào đất để canh tác. Những lúc vào vụ, công việc nhiều nhưng ông bà phải thay phiên nhau túc trực bên cháu.
 
Thương cảnh bé bại não mồ côi cha mẹ - 2
Hai vợ chồng già ông bà Dũng giờ đây chỉ biết ngồi nhìn cháu trong tuyệt vọng

Trung bình mỗi ngày Khánh lên cơn co giật 4, 5 lần. Bà Trần Thị Xuân kể: “Mỗi lần lên cơn co giật, chân tay co quắp lại, miệng thì sùi bọt mép, gào thét liên tục. Tôi và ông phải thay nhau xoa bóp liên tục. Những ngày trở trời, cứ 1 tiếng cháu lại lên cơn co giật 1 lần. Nhiều lúc cả 2 ông bà thức trắng đêm để canh cháu”.

Hiện tại, em Khánh đang phải sống đời sống thực vật. Ông bà của em phải thay phiên nhau đút cháo, tắm rửa, làm vệ sinh cho em. Mỗi bữa ông bà phải nấu cơm rồi xay nhuyễn cùng thức ăn, cạy miệng rồi đổ vào cho em, bởi em không có cảm giác, không biết uống sữa cùng với khuôn mặt vô hồn. Nhiều lúc, quá đau buồn ông bà ôm đứa cháu vào lòng mà khóc.

Tuy nhiên, số phận ngiệt ngã chưa dừng lại ở đó, tháng 8/2009, trong lúc đang đi mua sữa cho cháu, bà nội khánh bị tai nạn chấn thương vùng trán. Người gây tai nạn bỏ chạy, để lại hậu quả cho bà gánh chịu một mình.

Vụ tai nạn làm bà bị nứt hộp sọ, bác sỹ yêu cầu mổ nhưng số tiền để chi trả cho ca mổ vượt quá sức của gia đình bà. Bà đành về nhà sau 3 tháng nằm viện. Hiện tại, bà đã mất hết khứu giác. Những lúc trở trời, cơn đau đầu lại hành hạ, cộng thêm những đêm trắng thức chăm cháu khiến bà thêm kiệt sức.

Ông Dũng tâm sự: “Lúc bà bị tai nạn, tôi thấy trời đất như đảo lộn hết cả. Tôi nghĩ, nếu bà ấy có mệnh hệ gì thì tôi và cháu cũng đi theo bà luôn cho xong”.

Mọi chí phí sinh hoạt hàng ngày của ông bà và cháu Khánh dựa cả vào mấy sào đất thuê của hàng xóm và trợ cấp 240 ngàn đồng/tháng mà cháu Khánh nhận được. Ngoài việc trang trải tiền thuốc men, sữa, cháo cho em Khánh thì ông bà cháu còn đang gánh một khoản nợ gần 40 triệu đồng mà ông bà vay để đưa Khánh đi điều trị. Bà Xuân không giấu nổi sự lo lắng: “Năm nay đại hạn nên lúa và hoa màu coi như mất trắng. Không biết lấy đâu ra tiền mà mua thuốc và sữa cho cháu đây, chú ơi”.

Tiễn chúng tôi ra về, ông Dũng bày tỏ mong ước: “Vợ chồng tôi cũng già rồi, không biết "bỏ" cháu đi lúc nào. Chỉ mong cháu được "sống" đúng nghĩ một lần là chúng tôi mãn nguyện lắm rồi”.
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1.Em Nguyễn Quốc Khánh, ông Nguyễn Văn Dũng, xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269
 

Nguyễn Duy - Phạm Bằng - Điền Bắc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm