1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số: 5549

Quá cơ cực, mẹ đơn thân câm điếc bòn rau, mót măng để nuôi con thơ

Thùy Hương Nguyễn

(Dân trí) - Những khi mưa gió, khó vào rừng bòn rau, mót măng thì người mẹ đơn thân câm điếc đành nhịn đói. Hàng xóm thương tình thi thoảng cho mẹ con chị bát cơm nguội.

Người mẹ câm điếc và giấc mơ về một mái nhà cho con (Video: Thùy Hương Nguyễn).

Cuộc sống khốn khó của người mẹ câm điếc, một mình nuôi con thơ giữa rừng

Từ trung tâm huyện Điện Biên Đông, vượt qua gần 20km đường đèo quanh co, bụi mù, chúng tôi mới đến được Na Lanh - một trong những bản khó khăn nhất của xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Nơi đây, vào những ngày nắng, mặt đường bụi mù mịt; còn những ngày mưa, bùn lầy đặc quánh khiến xe máy khó nhích nổi.

Giữa núi rừng hoang vu, căn lều nhỏ xiêu vẹo nằm chênh vênh trên sườn dốc là nơi trú ngụ của chị Lò Thị Ứ (SN 1986), người mẹ đơn thân câm điếc cùng đứa con gái 3 tuổi.

Quá cơ cực, mẹ đơn thân câm điếc bòn rau, mót măng để nuôi con thơ - 1

Chị Ứ và con gái sống trong túp lều tạm bợ, không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh (Ảnh: Tùng Dương).

Chị Ứ là người dân tộc Thái, bị câm điếc bẩm sinh, không thể giao tiếp với người ngoài, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nơi trú ngụ của chị thực chất chỉ là một túp lều cũ kỹ dựng tạm bằng tre nứa. Mái lều lợp bằng tấm fibro xi măng, vách nứa thưa thủng được vá víu tạm bằng bao tải, gió lùa tứ phía.

Cuộc sống của hai mẹ con chị Ứ thiếu thốn trăm bề, không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh... Vì không có nổi một chiếc giường, nên hai mẹ con chị phải ngủ trên tấm gỗ mục sát nền đất.

Trời nắng nóng như thiêu, mái fibro xi măng hấp nhiệt khiến căn lều trở nên ngột ngạt. Những hôm mưa lớn, căn lều dột tứ tung, góc nào cũng bị mưa hắt vào, chị Ứ chỉ biết bế con đứng co ro, sợ hãi. Đứa trẻ sũng ướt, khóc ngằn ngặt vì lạnh và đói.

Chị Ứ không có việc làm ổn định, chỉ quanh quẩn trong bản, lên rẫy trồng ít ngô, mót măng, nhặt củi hoặc hái rau rừng đắp đổi qua ngày. Những khi mưa gió, khó vào rừng bòn rau, mót măng thì chị phải nhịn đói. Hàng xóm thương tình, thi thoảng cho mẹ con chị bát cơm nguội.

Quá cơ cực, mẹ đơn thân câm điếc bòn rau, mót măng để nuôi con thơ - 2

Ngôi nhà thực chất chỉ là một túp lều tranh dựng tạm, được vá víu bằng bao tải và thanh tre nứa, gió lùa tứ phía (Ảnh: Tùng Dương).

Người cha mù lòa 102 tuổi luôn canh cánh nỗi thương con, xót cháu

Cụ Lò Văn É (SN 1923, bố của chị Ứ) thương con, xót cháu nhưng tuổi đã cao, sức yếu lại bị mù bẩm sinh nên cụ chẳng biết làm gì hơn.

Cụ É cho biết, nhà có 10 người con thì đều khó khăn, chị Ứ là con thứ 8 trong gia đình. Vợ đã qua đời 5 năm, giờ đây, cụ É sống cùng gia đình người con trai thứ 6 trong căn nhà tồi tàn, xập xệ, cách nhà chị Ứ không xa.

Thi thoảng, cụ ông 102 tuổi lại chống gậy, lần đường sang thăm và trông cháu ngoại Lò Ngọc Vy (3 tuổi) để chị Ứ tranh thủ vào rừng kiếm cái ăn. Ở đây, mọi người không biết cha của Vy là ai nên bé được khai sinh mang họ mẹ.

Khi phóng viên Dân trí đặt chân đến căn lều tạm của chị Ứ, cụ É đang cố gắng ôm chắc bé Vy, không dám lơi tay, sợ cháu ngoại chạy đi thì không theo kịp.

Một lúc sau, chị Ứ về tới nhà, gương mặt hốc hác lấm tấm mồ hôi, chị vội vàng ôm con vào lòng, dỗ dành bằng cách vỗ nhẹ lên lưng như để an ủi, xoa dịu đứa trẻ.

Trong túp lều thiếu thốn giữa rừng, bé Vy vẫn thường chịu cảnh ăn đói, mặc rét, sống tạm bợ cùng người mẹ câm điếc.

Quá cơ cực, mẹ đơn thân câm điếc bòn rau, mót măng để nuôi con thơ - 3

Cụ Lò Văn É dù tuổi cao sức yếu, lại bị mù bẩm sinh nhưng thi thoảng vẫn chống gậy, dò đường đến trông cháu ngoại để chị Ứ vào rừng kiếm cái ăn (Ảnh: Tùng Dương).

Bà Mùa Thị Khua, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Na Son cho biết, Hội phụ nữ xã quản lý và hỗ trợ 100 phụ nữ nghèo, đơn thân tại địa phương. Trường hợp của chị Ứ là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, bởi chị bị câm điếc từ nhỏ, đang sống và nuôi con một mình trong căn lều quá rách nát.

"Chúng tôi nhiều lần đề xuất hỗ trợ, nhưng nguồn lực địa phương còn hạn chế. Chị Ứ không có việc làm ổn định, không thể tự lo cho bản thân và con nhỏ. Việc xây cho chị một ngôi nhà vững chắc không chỉ là cần thiết, mà là cấp bách.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước chung tay hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Nhân ái, giúp mẹ con chị Lò Thị Ứ, để chị và con gái có được nơi sinh sống an toàn", bà Khua bày tỏ.

Anh Lò Văn Hoàng, Trưởng bản Na Lanh cho biết, gia đình chị Lò Thị Ứ là hộ khó khăn bậc nhất của bản. Ngoài khoản trợ cấp hơn 700.000 đồng/tháng cho người khuyết tật thì chị Ứ chỉ biết trông vào việc bòn mót rau và măng rừng để bán kiếm đồng ra đồng vào.

Mỗi dịp lễ, Tết hoặc có quà từ thiện, bản luôn ưu tiên chị Ứ. Bà con trong bản thi thoảng cũng cho hai mẹ con mớ rau, túi gạo, hoặc giúp chị trông con, nhưng cũng chỉ là tạm thời.

"Điều chị Ứ cần nhất lúc này là một ngôi nhà kiên cố để ổn định cuộc sống và nuôi con. Mong lãnh đạo cấp trên và các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ mẹ con chị", Trưởng bản Na Lanh bày tỏ.

Quá cơ cực, mẹ đơn thân câm điếc bòn rau, mót măng để nuôi con thơ - 4

Cụ ông 102 tuổi mù lòa cầu mong cho con gái và cháu ngoại khốn khổ của mình sớm có mái nhà bình yên (Ảnh: Tùng Dương).

Chị Ứ câm điếc, không biết chữ, mỗi lần có người đến thăm, chị chỉ cúi mặt lầm lũi rồi bế con ra ngồi nép nơi hiên lều. Những lúc con khóc, chị lặng lẽ ôm con vào lòng, đôi mắt đỏ hoe.

Tạm biệt chúng tôi, người phụ nữ câm, điếc ôm con vào lòng, ú ớ không ngừng, chỉ tay về phía mái lều rách nát. Có lẽ, niềm mong mỏi, khát khao lớn nhất đối với người mẹ đơn thân, câm, điếc này là một mái nhà lành lặn để con được lớn lên bình yên, không còn phải chật vật giữa mưa gió và đói nghèo.

Ảnh: Tùng Dương

Video: Thùy Hương Nguyễn