Mã số: 5579
Nữ sinh trường y thoi thóp trên giường bệnh, bố mẹ van xin con được sống
(Dân trí) - Mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo, bị liệt 2 chân, Trần Đặng Như Quỳnh phải chịu cảnh đau đớn nhiều năm qua. Gia đình đã cạn kiệt tài chính, Quỳnh chỉ còn nằm thoi thóp trên giường bệnh, cầu xin sự sống.
Mẹ ung thư gồng gánh con bệnh tật và cả gia đình khốn khó
Hơn 18h, những hộ gia đình trong con hẻm nhỏ trên địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) bắt đầu rộn rã tiếng nói cười, chuẩn bị quây quần bên bữa cơm tối.
Thế nhưng, căn nhà thuê ở cuối hẻm của gia đình chị Đặng Hồng Lệ (SN 1975) lại hoàn toàn trái ngược, chỉ có duy nhất tiếng máy may lạch cạch và thi thoảng người ta còn nghe thấy con gái chị Lệ kêu lên vì đau đớn.
Thấy khách vào nhà, người mẹ 50 tuổi lúng túng dừng việc.

Chị Lệ làm thợ may trong căn nhà thuê, kiếm ba cọc ba đồng để duy trì sự sống cho con (Ảnh: Nguyễn Vy).
Chị Hồng Lệ làm thợ may, chuyên nhận hàng công ty về nhà để gia công. Cứ mỗi chiếc quần được may hoàn thiện, chị nhận tiền công 2.000 đồng. Vậy nên, chị phải làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, gắng sức kiếm từng đồng lo cho gia đình.
Vì có tiền sử bị ung thư tuyến giáp và nhiều bệnh khác, chị Lệ thường xuyên thấy không khỏe. Nhiều hôm đang làm việc, chị đột nhiên nôn mửa, ngất xỉu, cứ ngỡ không vượt qua được.
Những lúc kiệt sức nhất và gần như gục ngã, chị Lệ lại hướng mắt lên chiếc giường bệnh đặt ngay cạnh bàn máy may, nơi con gái đang nằm. Kể từ lúc con bị bệnh, gia đình chị trải qua ngày tháng "ngập" trong nước mắt. Chị ví mạng sống của con như sợi chỉ mỏng đứt dần từng ngày, giờ cả gia đình gồng hết sức để níu lấy.
Cô gái nhỏ nhắn, luôn tươi cười, mang trong mình ước mơ giản dị là làm bác sĩ để chữa lành cho chính mình và giúp đỡ bố mẹ. Thế nhưng, số phận dường như luôn thử thách cô gái ấy bằng những nghịch cảnh chồng chất.

Nhiều căn bệnh quái ác cùng lúc khiến Quỳnh vô cùng đau đớn, nằm thoi thóp trên giường bệnh (Ảnh: Nguyễn Vy).
Năm 2015, con gái chị Lệ, em Trần Đặng Như Quỳnh (SN 2001), đột nhiên liên tục bị chảy máu cam, cơ thể xuất hiện nhiều vết bầm tím bất thường. Sau khi được đưa đến bệnh viện, em được chẩn đoán suy tủy cấp độ II, bạch cầu thấp, tiểu cầu giảm nghiêm trọng. Từ đó, vợ chồng chị Hồng Lệ phải dồn toàn bộ số tiền kiếm được để chạy chữa cho con.
Chị làm nghề thợ may, chồng là thợ mộc, thu nhập bấp bênh nên chỉ gắng gượng được 2 năm rồi đành "trốn viện", mang con về nhà tự chăm sóc. Chị Lệ rong ruổi khắp nơi xin thuốc Nam miễn phí với hy vọng mong manh rằng con sẽ qua cơn hoạn nạn.
Thế nhưng, năm 2022, biến cố khác lại ập đến. Như Quỳnh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến đôi chân liệt hoàn toàn.
Sau ca phẫu thuật sống còn, em vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, liên tục động viên bố mẹ. Với khát vọng sống mãnh liệt, Quỳnh vẫn quyết tâm học hành, thi đỗ vào trường trung cấp dược để nuôi dưỡng ước mơ ngành y.
Hàng ngày, cô gái đến trường bằng chiếc xe ba bánh được mạnh thường quân tặng. Đường sá đông đúc, nhiều lần suýt bị va quệt và nhiều lần Quỳnh thót tim. Thế nhưng Quỳnh chưa từng bỏ cuộc.
Nếu học 2 buổi, em chọn ở lại trường nghỉ trưa để tiết kiệm tiền xăng. Khi biết chuyện, bố mẹ em lặng người vì thương con mà không thể làm gì hơn.
Bệnh tật giày vò, gia đình kiệt quệ
Đầu năm nay, khi chỉ còn 6 tháng nữa là tốt nghiệp, Quỳnh bất ngờ mệt lả, thở gấp và liên tục ngứa ngáy toàn thân. Gia đình đưa em đi khám và như "sét đánh ngang tai" khi bác sĩ thông báo rằng Quỳnh bị suy tim, tắc mạch phổi, nhiễm độc giáp, nhiễm trùng huyết và lupus ban đỏ - căn bệnh tự miễn chưa có cách chữa khỏi - và rất nhiều bệnh khác.

Chị Quỳnh khóc nấc vì thương con (Ảnh: Nguyễn Vy).
Ngày cho con nhập viện, gia đình chị Lệ không có nổi 1 đồng trong túi. Bởi trước đó, xưởng mộc đóng cửa, chồng chị Lệ thất nghiệp nhiều tháng. Cả nhà 4 người chỉ còn phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi từ nghề may của chị.
"Ngày cho con nhập viện, tôi vừa chạy vừa khóc khắp phòng bệnh để xin tã, sữa từ những người khác. Hai vợ chồng tôi nhịn đói hai ngày liền vì dồn hết tiền đóng viện phí cho con. Có người thấy thương thì cho mấy chục nghìn, có người lén để lại hộp cơm trước cửa phòng bệnh...", chị Lệ nghẹn lời kể.
Chỉ 10 ngày sau, Quỳnh van xin được về nhà khi biết bố mẹ không còn kinh phí, đến tiền thuê nhà cũng phải khất nợ. Bác sĩ cho biết, nếu muốn giữ được mạng sống, gia đình phải chuẩn bị số tiền lớn cho điều trị lâu dài và phức tạp. Vợ chồng chị Lệ chỉ còn biết gạt nước mắt mang con về chăm sóc tại nhà.
Bệnh lupus khiến cơ thể Quỳnh luôn trong tình trạng ngứa rát và đau đớn, vì gãi nhiều cơ thể chi chít vết sẹo. Khó thở liên tục, nhưng không có tiền mua bình oxy, em chỉ biết thở dốc từng hơi cho đến khi một tổ chức thiện nguyện hỗ trợ thiết bị thở oxy tại nhà.
Giờ đây, thuốc men điều trị cho Quỳnh cũng dần cạn. Chị Lệ không biết phải làm gì, chỉ biết ngày nào con còn sống là ngày đó vợ chồng chị cố gắng cầm cự. Gia đình 4 người, kể cả con trai út đang học ở xa, cũng thường xuyên nhịn đói để gom tiền lo thuốc thang cho Quỳnh.

Quỳnh luôn đạt thành tích học tập tốt tại trường (Ảnh: Nguyễn Vy).
Bà Lê Trung Thị Thu Thủy, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 20 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, hoàn cảnh gia đình của bà Đặng Hồng Lệ vốn dĩ đã chật vật, nay còn khó khăn hơn khi con gái tái phát bệnh hiểm nghèo.
"Hàng xóm biết đến hoàn cảnh của chị Lệ cũng thường xuyên hỏi han, giúp đỡ, nhưng ai nấy đều là người lao động thu nhập thấp nên chỉ có thể giúp đỡ một phần nhỏ.
Chính quyền địa phương rất mong có sự chung tay của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm nói chung và bạn đọc báo Dân trí nói riêng, để hỗ trợ gia đình chị Lệ vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng như giúp Trần Đặng Như Quỳnh được chữa bệnh, tiếp tục việc học và có cuộc sống bình thường như những người khác", bà Thủy nói.