Nỗi đau màu da cam

(Dân trí) - Nhìn hai đứa con tật nguyền, người cha già một thời là lính Cộng hòa than thở: “Cái chất độc giết người ấy có chừa ai đâu, nó đâu phân biệt Cộng sản hay Cộng hòa, nó dội lên đầu tất cả những người lính tham gia chiến trường ngày ấy”.

Nỗi đau màu da cam  - 1

33 năm nay, từ khi chào đời, chị Ngọc vẫn nằm nguyên một tư thế.

 

1 chết, 1 tâm thần, 1 bại liệt

 

Ông Trần Diễn (63 tuổi) kể lại: “Hồi ấy tôi cũng nhiều lần đào ngũ, trốn lính, nhưng vợ là giáo viên dạy tại tỉnh lị Long Khánh, đâu có trốn được. Tôi theo chân đơn vị đi khắp các chiến trường Bình Phước, Phước Long, Tây Ninh, Củ Chi… rồi dính chất độc lúc nào không hay”.

 

Ngày hòa bình lập lại, ông trở về thì căn nhà xưa đã cháy sạch trong ngày tổng tấn công 1975. Vợ ông vẫn tiếp tục làm nghề giáo nuôi chồng, vì lúc này ông chưa tìm được việc, ai thuê mướn gì thì lám nấy, lúc có lúc không. Cũng trong năm ấy, đứa con đầu lòng của ông bà, chị Trần Thị Bích Ngọc, ra đời. Chỉ vài tháng sau, ông bà phát hiện con mình có dấu hiệu bất thường.

 

Bà Trần Thị Lợi (58 tuổi), vợ ông, buồn bã kể: “Nó nhỏ quá, gần nửa năm mà chỉ bằng cánh tay người lớn. Như con người ta thì đã biết lật, còn nó quặt quèo không cục cựa nhúc nhích gì”. Và rồi lên 1, lên 2, lên 3… chị vẫn thế. Đến nay, đã 33 năm chị Ngọc nằm mãi trên chiếc giường ấy, chưa một lần nhúc nhích. Đôi mắt chị thâm quầng vì 33 năm qua, chưa một đêm nào chị có giấc ngủ trọn vẹn.

 

Bà Lợi cho biết: “Nó cứ như đứa trẻ sơ sinh. Tiểu tiện lúc nào không biết, chỉ khi nào nó nó tiểu ra quần, xót lưng quá thì khóc rấm rứt mình mới biết. Mỗi đêm nó tiểu cũng mấy lần, cứ khóc suốt. Rồi cứ cách 1, 2 tiếng là phải xoay trở cho nó đỡ mỏi, đỡ lở loét vì nằm mãi một chỗ”.

 

Đến năm 1977, đứa con thứ 2 là anh Trần Thái An ra đời. Vì chăm sóc chị Ngọc quá cực nhọc, cộng với đứa con mới sinh, từ năm 1977, bà Lợi đã phải nghỉ dạy ở nhà chăm con. Cuộc sống gia đình càng khó nhọc hơn. May mắn là anh An phát triển bình thường, không mắc phải di chứng của chất độc quái ác.

 

Nào ngờ đâu, nỗi đau không đến một lần. Năm 1983, đứa con thứ 3- anh Trần Thái Thu Phong, ra đời lại mắc phải chứng tâm thần. Năm 1986, Trần Thái Thạch ra đời cũng đau ốm quặt quèo liên miên, 2 năm sau thì mất.

 

Biết đâu ngày sau…

 

“Lướt, lướt…”- đôi mắt dữ dằn, một tay nắm chặt song sắt, một tay trỏ vào nhà bếp, Thu Phong thét vang. Bà Lợi lật đật chạy tìm cái ly nhựa và rót cho anh một ly nước, chép miệng than: “Nó chỉ biết ngọng ngịu nói mấy từ nước, ăn… như vậy thôi”. 

 

Nỗi đau màu da cam  - 2

Anh Thu Phong bị nhốt sau song sắt.

 

Bà còn cho biết: “Khi nào hiền thì nó ngồi tẩn mẩn ê a trong miệng, khi dữ lên thì đập tường, đập cửa la hét lung tung nên phải dùng song sắt nhốt lại, chân thì buộc vào chân giường”. Rồi bà thở dài: “Cũng chạy đủ thứ thuốc rồi, nhưng chẳng làm sao hết được!”.

 

Để tiện việc rửa ráy, ông bà để anh Phong và chị Ngọc ở trong một căn phòng gần khu nhà vệ sinh. Có điều lạ là anh Phong không bao giờ đánh chị Ngọc, dù anh ngủ dưới đất, chị Ngọc ngủ trên giường trong cùng một phòng. 

 

Nhìn hai đứa con tật nguyền, ông Diễn than thở: “Giờ còn sức còn làm, còn chăm nuôi tụi nó. Mai này tôi với bả về dưới hết rồi cũng chẳng biết tụi nó ra sao?”. Hiện bà chỉ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc hai đứa con tật nguyền, còn ông mở quán rửa xe trước sân nhà, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn nuôi gia đình.

 

Anh An, người con may mắn mạnh khỏe của ông bà hiện cũng đã trưởng thành và có công việc ổn định. Nhưng anh theo nghề giáo, dạy ở xa nhà, chắt góp hàng tháng cũng gửi về cho cha mẹ vài trăm giúp nuôi chị em. Anh cũng vừa vay cơ quan một món tiền để sửa sang căn nhà cho cha mẹ. Bà Lợi cho biết: “Tội nghiệp, vì lo gia đình khó khăn nên đến nay đã hơn 30 tuổi đầu nó vẫn chưa dám có vợ con gì”.

 

Hiện hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin thị xã Long Khánh cũng hỗ trợ cho hai người con tật nguyền của ông Diễn, bà Lợi 240.000 đồng/người/tháng theo chính sách chung của tỉnh Đồng Nai. Nhưng để bảo đảm cuộc sống cho gia đình hai người già, hai người khuyết tật này thì cũng còn nhiều thiếu thốn… Ai biết được sau này, khi ông bà đã về thế giới bên kia, cuộc sống của những nạn nhân chiến tranh này sẽ ra sao!?

 

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 

 

1. Ông Trần Diễn, 99 Hồng Thập Tự, tổ 5, khu phố 4, phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 24 Trương Quốc Dung, P8, Quận Phú Nhuận, TPHCM. Tel: 08.3.294.3896


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm