1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nghệ An:

Nỗi ám ảnh của gia đình bị bệnh trùng gen

(Dân trí) - Dù được nghe kể từ trước nhưng khi về đến cái xóm nhỏ giữa xã miền biển Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu (Nghệ An), tôi sững người trước tật nguyền của hai anh em Lê Xuân Tú, Lê Xuân Thắng với di chứng nặng nề của căn bệnh trùng gen.

Càng ngạc nhiên hơn trước tinh thần học tập “kỳ lạ” của hai anh em Tú “còm”. Câu chuyện về gần 10 năm vừa nuôi các con trong bệnh viện vừa ra ngoài làm thuê làm mướn của anh Lê Xuân Tư khiến người kể lẫn người nghe đỏ hoe đôi mắt…

Bán chó chữa bệnh cho con

Chị Nguyễn Thị Tâm (mẹ của Tú và Thắng) kể: “Sinh được 2 đứa con (Lê Xuân Tú (1995) - Lê Xuân Thắng (2001)), đứa nào cũng bụ bẫm, trắng trẻo, khôi ngô đến 7 tháng tuổi là cháu biết đứng vịn thành ghế. Nhưng đến 8 tháng tuổi thì không đứng được nữa, cứ yếu và khuỵu dần rồi liệt, teo tóp hẳn…”.

Bão tố cuộc đời với gia đình chị cũng chính thức bắt đầu từ đó. Chuỗi ngày, tháng, năm chinh phục cơ man nào bệnh viện có tiếng ở Hà Nội, Hồ Chí Minh... nhưng căn bệnh của Tú và Thắng vẫn không thuyên giảm.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, có người khuyên anh chị nên vào Trung tâm Nhi đồng ở Đồng Nai có thể chữa khỏi bệnh. Thế là vợ chồng anh trở về nhà vay mượn bế con từ Nghệ An lên đường vượt hàng ngàn cây số vào Đồng Nai chữa bệnh cho con cầu mong sẽ cứu cánh được chút hy vọng. Ở Trung tâm Nhi đồng Đồng Nai, rồi qua Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm chỉnh hình… thời gian quá đỗi khổ sở đối với hoàn cảnh túng thiếu như vợ chồng anh Tư nhưng bệnh tình của con vẫn thế.
 
Nỗi ám ảnh của gia đình bị bệnh trùng gen - 1
Lê Xuân Thắng trên lớp học.
 
Để vợ con lại bệnh viện, anh quay trở về quê tiếp tục vay mượn tiền mua chịu một chiếc xe máy Trung Quốc cũ và mang vào bệnh viện. Từ đây, cuộc sống vợ chồng anh thêm "điều kiện" gắn chặt hơn với bệnh viện: Vợ chăm con, chồng chạy xe ôm để trang trải cuộc sống. Hành nghề ở cái địa bàn lạ lẫm nên vừa chở khách vừa hỏi đường, hao tốn xăng và thời gian khiến thu nhập chỉ là nhỏ giọt. 

Kết thúc đợt điều trị, trở về quê, nợ nần chồng chất lại thêm khoản tiền thuốc cho con. Anh chị quyết định bán ngôi nhà của mình để trả nợ và dắt nhau về ở nhờ nhà bà ngoại. Mới chân ướt chân ráo thì lại tiếp tục đợt điều trị mới, lại vượt hàng ngàn cây số vào bệnh viện. Anh Tư cũng tiếp tục làm nghề xe ôm, vừa làm thuê làm mướn. Ai mướn gì cũng làm chỉ mong có được ít tiền mua thuốc cho con.

“Có lần một người mướn tôi thu dọn hố bùn cạnh nhà vệ sinh. Công việc này đã có người đến làm nhưng mới nhìn đã phải… bỏ chạy vì không chịu được sự dơ bẩn, hôi thối. Tôi nhìn hố bùn cũng rùng mình nhưng nghĩ đến con đang bệnh tật trong bệnh viện, nghĩ đến số tiền công 20 ngàn đồng được trả sẽ nuôi sống cả nhà trong nửa tuần. Tôi cở hết quần áo (mặc quần đùi) rồi lao xuống làm việc. Bùn lún sâu ngang rốn, mùi thối tanh nồng nặc của chất thải nhà vệ sinh trộn lẫn. Ông chủ thấy mặt mày tôi tái xanh thì hốt hoảng cho người kéo tôi lên nghỉ. Ra về ông cho thêm 2 ngàn đồng tiền công…”. Nói đoạn anh Tư như không muốn gợi lại chuyện ấy.

Còn nước còn tát, có gì trong gia đình anh chị đều bán tất. Dường như tất cả tài sản cũng đã đội nón ra đi theo năm tháng, và còn lại duy nhất là con chó mà lâu nay anh chị gửi hàng xóm trông hộ, nó mới đẻ được một đàn con. Không kiếm chi ra tiền, anh Tư mang nốt đàn chó bán để chữa bệnh cho con. “Con chó nuôi được gần cả chục năm nay, nhưng vì hoàn cảnh khắc nghiệt quá tôi đành ngậm ngùi bán, biết là mình có lỗi với nó...”, nói đoạn anh Tư ôm mặt òa khóc.

Năm 2003, nghe tin có đoàn công tác nhân đạo quốc tế có chương trình làm từ thiện phục hồi chức năng cho trẻ em tại tỉnh Tây Ninh. Tại đây, sau khi khám và hội chẩn về căn bệnh hai đứa con của anh không thể chữa khỏi được! Các bác sỹ cho biết, anh và vợ bị di chứng trùng gen. Vợ chồng anh lặng lẽ ôm con trở về Nghệ An và chỉ trông chờ một phép mầu nào đó từ thượng đế tối cao.
 
Nỗi ám ảnh của gia đình bị bệnh trùng gen - 2
Hai anh em Lê Xuân Tú và Lê Xuân Thắng.

Trở về quê, khi không nhà cửa, nợ nần... tất cả như vực sâu trước mặt. Nhưng một tia sáng đã loé lên. “Một buổi sáng nọ, Tú chống tay lết ra cửa nhà rồi đòi mẹ cho đi học. Tôi mừng lắm và bế cháu đi ngay tới trường mầm non. Từ đó cuộc sống của vợ chồng tôi như được thay đổi, bắt đầu thấy ánh sáng”. Cũng từ đó, anh Tư chị Tâm thay nhau bế con đi học và sự say mê đã không những đưa Tú trở thành học sinh giỏi mà còn giúp bố mẹ vơi nhẹ nỗi buồn cực.

Hiện Tú đang học lớp 8 trường THCS Quỳnh Thuận, Thắng đang học lớp 4. Để chăm chút sự học cho con, anh Tư làm công nhân điện nước, chị Tâm mở một quầy bán hàng tạp hoá trước căn nhà của người anh trai để có thời gian chăm sóc hai con.

“Nhiều hôm mưa gió, thương con nên bảo các cháu nghỉ ở nhà nhưng cả hai đứa khóc đòi đi học cho bằng được. Mỗi khi ăn cơm xong cả hai đứa bảo mẹ bế vào bàn và học bài. Vợ chồng tôi cứ lo sức khoẻ các cháu không trụ nổi”, chị Tâm cho biết thêm. Còn Thắng thì bảo: “Nghỉ học một buổi là mất, là hổng một góc kiến thức, mất mấy bài toán, thua bạn bè”.

Những đôi mắt sáng từ cơ thể tật nguyền, còm cõi của Tú và Thắng - ánh sáng đẹp ấy đã và đang đưa cả gia đình đứng lên, đẩy lui đi khoảng dày bóng tối.

Lấy học tập chống chọi tật nguyền

Trong lớp học 4A tận tầng hai (lớp tuyển chọn của trường Tiểu học Quỳnh Thuận) do cô giáo Nguyễn Thị Sáu làm chủ nhiệm, Lê Xuân Thắng ngồi lọt thỏm dưới chiếc bàn gỗ. Thấy có người lạ vào lớp, Thắng cố chống tay lên thành bàn đẩy người ra sau để dấu bớt đi cái lưng vẹo, gù nhưng lại làm cho ngực càng nhô nhọn ra phía trước. Dở trang số điểm, cô Nguyễn Thị Sáu cho biết: “Tuy tật nguyền nhưng Thắng chưa bao giờ nghỉ học một hôm. Tiếp thu bài học nhanh, sáng dạ, đặc biệt là say mê học tập đến ngạc nhiên…”. Những con điểm tổng kết năm học trước của Thắng: Toán 10; Tiếng Việt 9...
 
Nỗi ám ảnh của gia đình bị bệnh trùng gen - 3
Lê Xuân Thắng: “Ước mơ của cháu…”

Gặp gỡ Thắng xong, chúng tôi ghé thăm trường THCS nơi Lê Xuân Tú (SN1995, anh trai của Thắng) đang học tập. Tú cũng đang vật lộn với tật nguyền. Lấy học tập để chống chọi với tật nguyền. Vẫn cái bệnh trùng gen quái ác, Tú cũng như em trai mình không tự đến trường được vì đôi chân teo tóp, lưng gù, vai lệch, ngực dô như chóp nón. Queo quắt nhưng nỗi đam mê học tập lạ thường. Cái u gù ở lưng tựa vào mặt trước của chiếc bàn phía sau giúp Tú ngồi vững hơn và chăm chú nghe giảng bài. Tú hăng say phát biểu, giọng nhỏ tí, thi thoảng mỉm cười.

Thầy giáo Trần Hoài Nam - Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Thuận tâm sự: “Mặc dầu em Tú bị tật nguyền, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em luôn cố gắng vượt khó và say mê học tập. Tú là học sinh giỏi toán và nhà trường đang bồi dưỡng tiếp cho em ”. “Cháu chịu khó phấn đấu học hơn nữa để đền đáp phần nhỏ bé công lao của bố mẹ”, Tú chia sẻ.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Anh Lê Xuân Tư, chị Nguyễn Thị Tâm:  xóm 3, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. ĐT: 0947.671.869.
Mã số 29

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 045 137 195 6482

SWIFT Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 0451 001 944 487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 
 
Quỳnh Thuận - Nguyễn Duy