"Nhờ bạn đọc báo Dân trí, em được vào đại học, có nhà mới đón Tết"
(Dân trí) - Nhờ sự giúp đỡ của bạn đọc báo Dân trí, nữ sinh Cao Thị Phương đạt được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. Em cùng bà tuổi cao và người cậu khuyết tật có nhà mới đón Tết Nguyên đán 2024.
Ngày cuối năm Quý Mão 2023, nữ sinh Cao Thị Phương kịp bắt chuyến xe từ Huế trở về quê tại thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) để đón Tết Nguyên đán 2024 cùng bà và cậu.
Cùng bà và cậu đón Tết trong căn nhà mới
Phương là nhân vật trong bài viết Rớt nước mắt cảnh nữ sinh mồ côi bố mẹ, sống với bà 86 tuổi, cậu khuyết tật được báo Dân trí đăng tải vào hồi cuối tháng 4/2023.
Thời điểm đó, Phương là học sinh lớp 12A9, Trường THPT Mai Thúc Loan, huyện Lộc Hà. Còn hiện nay, Phương đang theo học năm nhất, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại học Phú Xuân (Huế).
Gặp lại phóng viên, nữ sinh nở nụ cười tươi, niềm vui, hạnh phúc được thể hiện trên nét mặt và ánh mắt. Phương cũng tự tin, cởi mở hơn trong giao tiếp, không còn rụt rè như trước.
Nữ sinh cho hay, sau khi hoàn cảnh của em cùng bà ngoại già yếu và người cậu khuyết tật được báo Dân trí đăng tải, nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã quan tâm, sẻ chia, gửi những phần quà quý báu tới gia đình.
Nữ sinh được bạn đọc giúp đỡ một khoản tiền để trang trải trong 4 năm học đại học. Một nhà hảo tâm ở Hà Nội đã tài trợ kinh phí 110 triệu đồng giúp bà và cậu xây lại căn nhà mới kiên cố hơn.
Căn nhà mới của gia đình nữ sinh (Ảnh: Dương Nguyên).
"Em từng lo lắng nếu đi học đại học, những ngày hè nóng bức hay mùa mưa bão, mùa đông giá rét, bà và cậu sẽ sống thế nào khi căn nhà đã xuống cấp.
Nhưng nhờ có bạn đọc báo Dân trí, niềm vui đến quá bất ngờ. Tết Nguyên đán này, em, bà và cậu đã được sống trong căn nhà kiên cố, cao ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Đây là điều mà trước đó mọi người chưa từng nghĩ tới", Phương chia sẻ.
Căn nhà mới được xây dựng trên khu đất của bà ngoại để thay thế căn nhà cũ dột nát. Nền nhà được nâng cao gần 1m, có phòng khách, 2 phòng ngủ riêng, gian bếp và nhà vệ sinh cũng được làm lại. Điều này giúp Phương vững bước khi rời xa nhà, vào giảng đường đại học.
Dùng tiền tiết kiệm mua đào đón Tết
Về những tháng ngày sinh sống, học tập ở Huế, Phương tâm sự, là tân sinh viên nên em khá bỡ ngỡ, lo lắng bởi nhiều điều lạ lẫm và cũng là lần đầu sống tự lập.
"Qua ít tháng sống ở Huế, em dần hòa nhập với môi trường mới. Em tập làm quen với cách học mới, cách sắp xếp cuộc sống. Em có những người bạn, người anh chị mới, các bạn cũng đều là sinh viên xa nhà. Mọi người luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau nên cảm giác hụt hẫng ban đầu sớm qua", Phương nói.
Phương cũng cho hay, môn học trong năm nhất đại học là những môn học cơ bản, tạo nền tảng cho chương trình học sau này. Vì thế, nữ sinh đã tranh thủ thời gian một buổi đi học, một buổi đi làm thêm để có những trải nghiệm và có một khoản tiền trang trải cuộc sống.
Tết Nguyên đán năm nay, Phương dùng khoản tiền tiết kiệm từ việc bán cà phê để mua cành đào nhỏ về trang trí trong nhà mới. Nữ sinh cũng thay bà đi chợ mua sắm bánh kẹo, mua đồ ăn thức uống dùng trong những ngày Tết.
Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên, Phương nhiều lần chia sẻ về sự biết ơn. Bởi, từ khi sinh ra, em không được may mắn nhưng cuộc sống em đã thay đổi khi có bạn đọc báo Dân trí.
"Qua báo Dân trí, em cùng bà và cậu xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới bạn đọc, tập thể báo Dân trí, độc giả của quý báo, nhà hảo tâm đã sẻ chia, giúp đỡ gia đình em thời gian qua.
Em cũng xin cảm ơn chính quyền địa phương, thầy cô ở Trường THPT Mai Thúc Loan đã luôn quan tâm, hỗ trợ em. Sang năm mới 2024, em sẽ cố gắng học tập, sống thật tốt để không phụ lòng của mọi người. Em xin chúc mọi người luôn khỏe mạnh, bình an và đón một cái Tết ấm áp bên gia đình", nữ sinh bày tỏ.
Nữ sinh nghèo vượt khó
Nữ sinh Cao Thị Phương có hoàn cảnh éo le, bố mất khi em chưa được sinh ra. Đến năm Phương 6 tuổi, mẹ em cũng không may qua đời sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Từ đó, em sống với bà ngoại Trương Thị Gái (87 tuổi) và cậu Trương Quang Hiến (43 tuổi).
Ngày trước, bà ngoại làm đủ thứ nghề, từ mò cua bắt ốc, làm thuê đến làm hàng mã đưa ra chợ bán để có tiền trang trải, lo cho ba miệng ăn. Song, bà đã tuổi cao, mắt mờ, tai kém nên chỉ ở nhà.
Còn người cậu bị khuyết tật bẩm sinh, sức khỏe yếu và thần kinh không ổn định mỗi khi trái gió trở trời. Ba người họ trước đó sống chủ yếu nhờ vào nguồn tiền trợ cấp xã hội hàng tháng và sự bao bọc của bà con lối xóm, chính quyền địa phương.
Căn nhà cấp bốn trước đây của họ xây từ gạch táp lô chưa trát vữa, lợp mái lá và tôn. Bên trong trống huơ, trống hoác, không có món đồ gì giá trị.
Hoàn cảnh là như vậy, song, nữ sinh Cao Thị Phương vẫn vượt khó học tập. Những năm tháng học THCS, THPT, ngoài giờ đến trường, ngày nghỉ, Phương đi bóc hến, ngao thuê, kiếm vài chục nghìn mỗi buổi để có thêm tiền mua sách vở và đồ ăn cho gia đình.
Những ngày tháng đó, nữ sinh có một khát khao được bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, em từng nghĩ sẽ buông xuôi, nghỉ học đi làm sớm.
Sau khi báo Dân trí đăng tải về hoàn cảnh của em, bạn đọc, nhà hảo tâm đã giúp sức để Phương đạt được ước mơ và có cuộc sống thay đổi như hiện nay.