Nữ thần toán học bị nghi ngờ và chỉ trích vì "quá xinh đẹp"
(Dân trí) - Sở hữu gương mặt ưa nhìn cùng vóc dáng gợi cảm, nữ Tiến sĩ toán học người Trung Quốc từng bị những luồng ý kiến nghi ngờ về khả năng thực sự khi giành được nhiều giải thưởng toán học quốc tế.
Vào tháng 6 năm nay, Chu Vân Kỳ, nghiên cứu sinh đến từ Thâm Quyến, Trung Quốc, trở thành đại diện của Đại học Oxford (Anh) đoạt giải Leslie Fox. Đây là giải thưởng do Viện Toán học và Ứng dụng Anh (IMA) trao hai năm một lần.
Giải thưởng được xem là vinh dự cao nhất trong giới toán học quốc tế dành cho những nhà khoa học dưới 31 tuổi.

Với gương mặt khả ái cùng vóc dáng gợi cảm, trang cá nhân của cô thu hút hơn 1,6 triệu lượt theo dõi. Bên cạnh niềm đam mê toán học, đây là nơi cô chia sẻ về những khoảnh khắc đời thường.
Mới đây, nữ tiến sĩ toán học của Đại học Oxford đã có những chia sẻ thẳng thắn trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) về việc từng bị cộng đồng mạng chỉ trích và gọi là "hotgirl mạng".
"Nhiều người thấy tôi liền gán cho danh xưng hotgirl mạng hám danh lợi. Họ cho rằng điều này sẽ khiến tôi tổn thương. Nhưng thực ra khi chia sẻ nhiều về cuộc sống của mình lên mạng xã hội, tôi sẵn lòng đón nhận mọi luồng ý kiến dù tích cực hay tiêu cực", cô nói.
Chu Vân Kỳ sinh ra trong gia đình tri thức tại Trung Quốc. Mẹ cô từng theo học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc còn cha là Tiến sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên việc học tập của cô hồi nhỏ không thuận lợi do bị bệnh viêm mũi mãn tính, thường xuyên phải nghỉ học.
Năm 10 tuổi vì sức khỏe yếu, cô chán học và được mẹ cho nghỉ ở nhà 2 năm. Mẹ là người đích thân dạy cô suốt quãng thời gian này. Trong ký ức của Kỳ, mẹ giống như người hướng dẫn hơn là giáo viên.

Không áp đặt theo khuôn mẫu như trường học, mẹ cô thường dẫn dắt con tự khám phá, khuyến khích tự nghiên cứu và chỉ hỗ trợ khi con thực sự gặp khó khăn.
Lịch học mỗi ngày của Kỳ cũng khác hẳn bạn bè đồng trang lứa: bắt đầu lúc 10h, nghỉ trưa để ăn với mẹ, rồi học đến 17h.
Tình yêu với toán học cũng nảy nở từ cách cha của cô khơi dậy cảm xúc cho con với môn học này.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, Chu Vân Kỳ gia nhập hai ngân hàng đầu tư hàng đầu là JPMorgan và Goldman Sachs tại Hong Kong (Trung Quốc) với vai trò chuyên viên phân tích đầu tư.
Tổng thời gian làm việc ở đây khoảng 6–7 năm.
Công việc tại các ngân hàng đầu tư mang lại cho cô mức thu nhập cao và sự thành công, nhưng cũng khiến cô rơi vào khủng hoảng giá trị.
"Mỗi ngày đi làm về, tôi khóc vì áp lực. Mỗi lúc như vậy, tôi lấy các bài toán khó ra giải và thấy dễ chịu hơn", cô nhớ lại.
Nhận thấy niềm đam mê với môn học này ngày càng cháy bỏng, cô quyết định nghỉ việc lương cao, quay lại Oxford theo học chương trình thạc sĩ về mô hình toán học. Tại đây cô tốt nghiệp với điểm số cao nhất khóa.
Tháng 3/2022, cô chia sẻ video nhận bằng thạc sĩ Oxford. Tuy nhiên không ít ý kiến tỏ ra nghi ngờ và chỉ trích về tính xác thực của tấm bằng. Một số người hoài nghi cho rằng với ngoại hình xinh đẹp và cuộc sống thời thượng, cô không thể là sinh viên giỏi. Họ nhận định cô chỉ là hotgirl thích "làm màu" trên mạng xã hội.
Đối mặt với những chỉ trích, Kỳ chỉ im lặng. Với cô, niềm đam mê toán học và tận hưởng cuộc sống vật chất dư dả hoàn toàn có thể song hành.

Tuy nhiên sau đó, khi một tiến sĩ toán học nổi tiếng đưa ra thử thách bằng bài toán khó, Kỳ tham gia giải với tốc độ xuất sắc, qua đó chứng minh năng lực thực sự.
Tháng 2 năm nay, cô nhận được thư báo trúng tuyển chương trình tiến sĩ của Khoa toán Đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp, cô sẽ ở lại trường nghiên cứu tiếp trong 2 năm và tham gia giảng dạy các khóa học sau đại học.
Hiện tại, cô cho biết bản thân mong muốn sau khi hoàn tất chương trình sau tiến sĩ sẽ trở về Trung Quốc giảng dạy và đóng góp cho lĩnh vực toán học của đất nước.