“Người mẹ” và mái nhà chung của 23 đứa trẻ
(Dân trí) - Trong góc phố nhỏ hẹp ở thị xã Đông Hà, tại nhà thờ Đông Hà hàng ngày vẫn vang lên tiếng trẻ thơ ê a đọc chữ, tiếng cười đùa. Nơi đây, có sơ Nguyễn Thị Hiện đang chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho 23 trẻ em có hoàn cảnh éo le.
Người “mẹ” giữa đời thường!
Sơ Nguyễn Thị Hiện (53 tuổi), một nữ tu đã dành trọn cuộc đời của mình để làm người mẹ, người chị của những mảnh đời cơ nhỡ, lam lũ.
Sinh ra ở làng quê nghèo xã Hương Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tuổi thơ của sơ là những tháng ngày cơ cực, gắn với con cá con tôm trên đồng; là những ngày cả nhà chỉ chia nhau mấy củ sắn lùi để cầm hơi. Để được đi học, sơ đã phải nỗ lực tự học hết mình. Nhất là trước giải phóng đời sống gia đình còn vô vàn khó khăn. Có lẽ từ những tháng ngày cực khổ đó, mà sau này khi tốt nghiệp Đại học Y Huế, có thể kiếm một công việc ổn định, nhưng với tấm lòng nhân hậu của mình; cảm nhận được sự gian khó của những đấng sinh thành khi con cái mình không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn của tạo hóa, sơ đã chọn con đường nữ tu để có thể giúp cho những mảnh đời không nơi nương tựa.
Sơ tâm sự: Sau khi học ở Huế ra, như lời hứa với cha mẹ của mình, nhớ công ơn sinh thành của người, mình đã tình nguyện về nơi nhà thờ này để chắp nối những ước mơ của những đứa trẻ mà cha mẹ chúng vì cuộc sống mưu sinh gian khó không làm được.
Kể từ khi về tới nhà thờ đến nay, cuộc đời sơ luôn tiếp nối những chuyến đi tìm trẻ em nghèo. Sơ cho biết: “Mỗi tháng mình lên các huyện miền núi 1 lần để tìm học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn; hay những đứa trẻ bị khuyết tật không nơi nương tựa. Nếu được sự đồng tình của chính quyền, nhà trường và gia đình thì mình sẽ nhận về nuôi”.
Mỗi chuyến đi của sơ luôn mang theo một tấm lòng thiện nguyện đến với trẻ em miền núi. Đặc biệt là trẻ em ở huyện miền núi Đakrông, A Lưới. Những đứa trẻ được đón về đây, sơ đều chăm lo từng miếng ăn, học chữ, vi tính hay thêu thùa tùy theo khả năng và sở thích của từng em. Hàng ngày, sơ không chỉ tất tả lo việc nấu nướng mà còn kiêm luôn làm “cô giáo” cho các em.
Không chỉ tìm cách đón những em nhỏ về với mái ấm nhà thờ Đông Hà, sơ Hiện còn tham gia vào các tổ chức từ thiện, khám và cấp thuốc cho Hội người mù các huyện. Rồi vận động các tấm lòng hảo tâm hướng về trẻ em nghèo. Và cũng từ đây, những chuyến đi “mẹ” Hiện đã “nhặt” được rất nhiều mảnh đời nghèo về đây sống chúng dưới một mái ấm.
"Mẹ" Hiện vui vầy bên mâm cơm cùng các “con”! |
Bên cạnh sơ Hiện, ở nhà thờ Đông Hà còn có sơ Hoàng Thị Thu Hồng cũng là người mẹ, người chị của 23 mái đầu thơ dại. Sơ tâm nguyện: Mình luôn mong muốn nhận thêm thật nhiều em nhỏ nữa về chung mái nhà này. Nếu có điều kiện cũng có thể chung tay gánh vác với cha mẹ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Nhất là mấy em nhỏ ở miền núi”. Hiện tại, sơ đang dự định đón thêm bốn em nhỏ (2 em miền núi, 2 em miền xuôi) về mái ấm này.
Mái ấm của 23 mái đầu trẻ thơ
Khi chúng tôi đến nhà thờ Đông Hà, từ mái ấm này đã rôm rả tiếng học bài của trẻ thơ. Từng mái đầu vẫn say sưa khó nhọc trên từng con chữ. Sơ cho biết, bắt đầu nhận nuôi những đứa trẻ từ năm 2003. Trong 23 đứa trẻ được nhận về nuôi tại đây, mỗi em đều có một hoàn cảnh rất đặc biệt.
Tiếp chúng tôi, sơ lật từng trang giấy “lý lịch” quê quán, hoàn cảnh của từng em, sơ luôn nhớ mồn một. Vừa khoát tay ra hiệu cho Trần Thị Hòa (15 tuổi, Gio Chân, Gio Linh) vừa bị khiếm thị, khiếm thính, đến bên mình, sơ Hiện kể: Trong một lần đi khám và cấp thuốc cho Hội người mù huyện Gio Linh, hình ảnh làm sơ thương cảm nhất là em Hòa. Đã 15 tuổi mà người nhỏ thó, đôi mắt luôn đượm buồn đã cho sơ nhiều trăn trở. Về nhà thờ Đông Hà, sắp xếp mọi việc xong xuôi, sơ liền trở lại Gio Linh xin phép chính quyền và gia đình được đón em Hòa nhận về nuôi dưỡng. Do bị khuyết tật bẩm sinh, em Hòa từ nhỏ đã không có điều kiện học hành đầy đủ. Gia cảnh khó khăn, Hòa có người em trai bị dị tật tim bẩm sinh. Nếu không được đón về đây, có lẽ Hòa sẽ không bao giờ biết đến con chữ, học máy vi tính.
Em Hòa cũng các sản phẩm rất khéo tay của mình. |
Sơ còn cho biết, khi được đón về đây, nguyện vọng của gia đình là muốn em Hòa học thêu thùa, may vá. Thế nhưng, sau mấy tháng sống chung dưới mái ấm nhà thờ Đông Hà, Sơ Hiện nhận thấy Hòa có khả năng đặc biệt về nghệ thuật. Những bức vẽ của Hòa dù còn vụng về trong đường nét ngây thơ trong cách nghĩ nhưng cũng cho thấy một tài năng, một năng khiếu đặc biệt. Bên cạnh đó, Sơ còn hướng dẫn Hòa làm các sản phẩm búp bê, thú xâu hạt cườm rất đẹp! Hiện nay, Hòa đã được sơ Hiện mua cho máy trợ thính và có nguyện vọng nhập học vào trường tiểu học Hàm Nghi.
Bên cạnh sơ, còn có anh Hồ Văn Long, cũng bị khuyết tật hai chân, được sơ nhận về nuôi. Hiện nay, Long đã có việc làm ổn định ở trường khuyết tật của tỉnh và Long đã trở thành người anh cả dạy chữ, máy vi tính cho các em tại mái ấm này.
Một trường hợp đặc biệt nữa là Hồ Văn Thiên (dân tộc Vân Kiều), dù bị khiếm thị song 5 năm liền em luôn phấn đấu và đạt học sinh giỏi ở trường THCS Nguyễn Huệ. Thiên tâm sự: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi như anh Long để mai này có thể dạy cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như em”.
Dưới mái ấm nhà thờ Đông Hà, những đứa trẻ được cưu mang về đây, mỗi em mỗi hoàn cảnh. Như trường hợp Trần Thị Thanh Nga (9 tuổi, Đội 6, thị xã Quảng Trị), mẹ mất sớm, cha bị mù hoàn toàn, bản thân em cũng bị dị tật khiếm thị. Ngày được đón về đây Nga được học con chữ, nụ cười trẻ thơ mới trở lại trên môi em. Ông Trần Hữu Lợi, bố của Nga cho biết: “Đời mình đã mù lòa thì phải làm sao cho con được học cái chứ chữ. Thực sự không có sơ Hiện cưu mang chúng tôi không biết làm sao nữa!”.
Để làm tròn nghĩa vụ của “người mẹ” với 23 đứa trẻ thơ thật không đơn giản. Sơ Hiện cho hay: “Hàng ngày mọi việc đều được Sơ sắp xếp quy củ, trong nhà luôn có phép tắc, nề nếp gọn gàng. Mình không chỉ dạy mấy đứa nhỏ cái chữ mà còn dạy cho chúng biết cách làm người, sống cho phải đạo lí”. Trưởng thành từ mái ấm này, đã có 5 anh chị vào Đại học, hiện đang công tác nhiều nơi trong tỉnh. Khi rảnh rỗi họ cũng tìm về nơi đây như mái nhà chung của mình.
Bữa cơm trưa đạm bạc nhưng vui vầy ở nhà thờ đã níu câu chuyện chúng tôi lại. Nơi mái ấm này đã có “mẹ” Nguyễn Thị Hiện luôn lặng lẽ bên từng giấc ngủ, chắp cánh những ước mơ cho các em.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Sơ Nguyễn Thị Hiện, khu phố 10, phường 5, thị xã Đông Hà - Quảng Trị. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Nguyễn Khánh - Nguyễn Phúc