1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Người mẹ ấp ôm những đứa trẻ khuyết tật

(Dân trí) - “Tuy mẹ Ánh không sinh ra tụi em nhưng mẹ hiểu và rất thương tụi em. Ở đây em không chỉ có việc làm mà còn có những người bạn cùng hoàn cảnh để chia sẻ với nhau”, em Nguyễn Thị Bình Nguyên nói về “người mẹ” khuyết tật rất đặc biệt của mình.

Từ đứa trẻ nhỏ tuổi nhất đến người xấp xỉ bằng tuổi chị đều gọi chị Đặng Thị Ngọc Ánh (40 tuổi, giám đốc công ty TNHH Tâm Thiện, TP Đà Nẵng) bằng mẹ với tất cả sự kính trọng và thương yêu. Chị là người không chỉ tạo công ăn việc làm cho họ mà còn là nơi để họ chia sẻ tâm tư tình cảm, xóa đi những mặt cảm để sống vui vẻ, hòa đồng trong một ngôi nhà chung.

Cô bé khuyết tật giàu nghị lực

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), vừa lọt lòng mẹ, bé Ánh phải chịu bất hạnh đó là bị thọt chân trái. Những ngày tháng tuổi thơ là những ngày tháng buồn tủi của bé Ánh. Đã không biết bao lần, cô bé bật khóc khi nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa chơi đùa thoải mái còn mình thì lủi thủi chơi một mình.

“Gia đình nghèo, mình lại tật nguyền, dù không làm được gì giúp bố mẹ thì cũng không thể là gánh nặng của bố mẹ, anh chị em” - Nghĩ vậy, khi 16 tuổi, Ánh quyết định vào Sài Gòn kiếm việc làm tự nuôi sống mình. Những ngày đầu trên đất khách quê người, cuộc sống của cô gái tật nguyền gặp không ít khó khăn. Ánh xin được vào học nghề tại ở một cơ sở may gia công. Để có tiền nộp học phí, Ánh đi xin việc. Đến đâu cũng chẳng ai nhận Ánh vì nghĩ rằng người tật nguyền làm không bằng những người bình thường. Sau những ngày lân la xin việc, Ánh xin được vào làm người giúp việc cho một gia đình. Dù đi lại khó khăn nhưng Ánh luôn làm tốt công việc để chứng tỏ cho mọi người biết người tàn tật cũng có thể làm việc được như những người bình thường.

“Những ngày tháng sống trong Sài Gòn là những tháng ngày tủi cực. Nhiều lúc tưởng mình không thể vượt qua nổi”, chị Ánh nhớ lại.

Học xong, chị xin làm tại cơ sở may. Công việc khá ổn định nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn đau đáu trong chị. “Dù đi đâu cũng không bằng quê hương mình”, sau khi tích lũy được ít vốn, chị Ánh quyết định về Đà Nẵng.

Dạy nghề cho người khuyết tật

Bản thân là người khuyết tật, hơn ai hết chị Ánh hiểu được những thiệt thòi, khó khăn của người khuyết tật. Làm một việc gì đó cho những người khuyết tật là điều chị trăn trở từ lâu.

Trên một chuyến xe vào Quảng Nam, chị gặp một đứa bé khuyết tật đi lại khó khăn cố mời khách trên xe mua mấy chai nước nhưng chẳng được là bao. Chị đưa em về nuôi. Thế rồi, cứ đi đâu gặp những người khuyết tật không nơi nương tựa chị lại đưa các em về nhà mình. “Cuộc sống của mình cũng đang khó khăn mà bây giờ thêm mấy đứa trẻ này thì không thể đưa lại cho các em cuộc sống ổn định được”, chị Ánh nghĩ. Với chút tay nghề có sẵn, chị nảy ra ý định thành lập cơ sở dạy nghề tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Và cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Ngọc Ánh ra đời.

Người mẹ ấp ôm những đứa trẻ khuyết tật - 1

Chị Ánh đang hướng dẫn các con may đồ. (Ảnh: Khánh Hồng)

Mới đầu thành lập cơ sở, chị Ánh dạy nghề cho mấy đứa trẻ mà chị đưa về. Dần dần, nhiều người biết đến cơ sở của chị đã đưa con đến gửi. Cả những người khuyết tật lớn tuổi cũng tìm đến với chị. Cơ sở của chị ngày càng đông. Trẻ em có, người lớn có, người già có. “Ngày đầu mới thành lập khó khăn chồng chất khó khăn. Đầu vào, đầu ra, mặt bằng đều không biết tính làm sao”, chị Ánh cho biết.

Chị phải vay người này một ít, người kia một ít góp lại làm vốn. Để có đầu ra cho sản phẩm, chị lê đôi chân tật nguyền của mình đến những trường học, cơ quan xí nghiệp trong thành phố mời họ đặt hàng. Chị còn vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Và cũng trong những lần đó, những người tật nguyền lại có duyên gặp chị.

Một lần, khi vào huyện Tiên Phước (Quảng Nam) tìm mối đặt hàng, chị Ánh gặp em Lê Thị Mỹ đi lang thang ở trường học. Tìm hiểu, chị được biết em bị bệnh thần kinh, bố mẹ đã mất cả. Ngày em đi lang thang, tối về em ngủ ở cổng trường học. Chị Ánh đến ủy ban xã xin được nhận em về nuôi. Khi chị đưa em Mỹ về, sức khỏe của em rất yếu, chị chỉ sợ em không sống được lâu. “Thế nhưng bây giờ em có thể giúp được tôi quản lý kho hàng”, chị Ánh nói trong niềm vui sướng.

Năm 2005, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Ngọc Ánh được chị phát triển thành công ty TNHH Tâm Thiện nuôi dưỡng, đào tạo nghề vào tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Lý giải cho cái tên Tâm Thiện, chị Ánh bảo công việc chị đang làm cũng là một việc Thiện mà làm việc thiện phải có cái Tâm.

Vẫn còn bao khó khăn

Hiện nay, công ty Tâm Thiện có 76 công nhân trong đó 40 công nhân lành nghề, 36 em học nghề. Ngoài ra chị còn nuôi dưỡng 3 em nhỏ từ 8 đến 10 tuổi học chữ và 2 cụ già không nơi nương tựa. Những người trong công ty chị hầu như là những người bị khuyết tật nặng: bại não, bị nhiễm chất độc da cam hay cụt tay cụt chân... Cũng vì thế mà việc dạy nghề của chị gặp nhiều khó khăn. Nhiều đứa trẻ chị phân việc cũng chỉ làm cho vui vậy thôi.

Những ai ở xa như Thanh Hóa, Huế, Bình Định… thì sống tại công ty. Còn những em nào gần nhà thì hết ngày chị lại lấy xe máy đèo các em về tận nhà.

Mang tiếng là công ty nhưng điều kiện làm việc ở đây còn gặp thiếu thốn bộn bề. Phía mặt ngoài là nơi làm việc còn phía trong là nơi để mọi người sinh hoạt. Nhà cửa nhiều chỗ còn dột nát. Mùa mưa phải lấy thau hứng nước, ngồi trong nhà ngước lên cũng thấy mặt trời. Đến bây giờ chị vẫn không bao giờ quên được một người đàn ông tên Dũng. Trong một lần đi qua công ty của chị, thấy cơ sở của mấy mẹ con dột nát, người này đã cho mấy mẹ con 13 tấm tôn để lợp lại nhà.

Vì cơ sở đang khó khăn nên còn 50 bộ hồ sơ xin vào đây nhưng chị Ánh không dám nhận. Vì thế, chị Anh rất mong có người đầu tư để mở rộng cơ sở thì khi ấy chị có thể nhận nhiều người khuyết tật vào làm.

Còn nói về hạnh phúc của mình, chị cho biết: “Đó là tôi có thể cho các em một công việc và một mái ấm gia đình”.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm