“Một triệu cuốn vở…” đến với học sinh nghèo Yên Bái
(Dân trí) - Ngày 10/9, Trung tâm Nghị lực sống phối hợp với Báo điện tử Dân trí đã đến thăm, trao quà trung thu, vở viết, đồ dùng học tập tới các em học sinh tiểu học ở xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Không quản ngại đường xa, thời tiết không thuận lợi, trong hai ngày cuối tuần (10 và 11/9), gần 50 thành viên của Trung tâm Nghị lực sống (Hà Nội) - do hiệp sĩ “một ngón tay” về lĩnh vực CNTT Nguyễn Công Hùng làm giám đốc - phối hợp với Báo điện tử Dân trí đã đến thăm, trao quà trung thu, vở viết và đồ dùng học tập đến các em học sinh trường tiểu học xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Chân đất, quần áo lem luốc nhưng nụ cười luôn nở trên môi là hình ảnh quen thuộc của học sinh vùng cao Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Sáng 10/9, khi chúng tôi đến xã, thời tiết có mưa to, nhiều tuyến đường nước lũ dâng cao nên học sinh ở trường tiểu học được nhà trường cho nghỉ học buổi sáng và đến đầu giờ chiều các em mới tập trung đến trường. Tiếp chúng tôi, cô Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phúc Sơn cho biết, toàn trường có hơn 600 em học sinh học tập tại 4 điểm trường do địa bàn cách trở, trong đó tổng số học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của trường có đến 368 em.
“Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đến lớp của chúng tôi luôn đạt 100%, một phần nhờ vào công tác giáo dục, chăm sóc tận tình của các thầy cô giáo, một phần chúng tôi luôn quan tâm hỗ trợ đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các thôn bản”, cô Nga cho biết. Cũng theo cô Nga, bước vào năm học mới, học sinh vùng sâu, vùng xa như Phúc Sơn gặp không ít khó khăn về sách vở, áo quần, trang thiết bị học tập, trong đó thiếu trầm trọng nhất là sách giáo khoa và vở viết. “Nhà trường chỉ mới đảm bảo sách giáo khoa của môn Toán và Văn, còn lại thì thiếu nhiều lắm. Nghe các anh đến trao vở giúp các em học sinh, chúng tôi mừng lắm”, cô Nga chia sẻ thêm.
Các em học sinh tiểu học Phúc Sơn tập trung trước sân trường để nhận quà trong những chiếc áo sờn nát, khác hẳn hình ảnh quần xanh áo trắng thơm mùi áo mới của học sinh thành phố
Em Lò Thị Dền đi chân đất đến trường vì bố mẹ có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn
Tại Trường tiểu học Phúc Sơn, đoàn chúng tôi ai nấy đều hiểu nỗi khó khăn của thầy cô và các em học sinh của nhà trường. Hình ảnh những em học sinh đầu trần, chân đất, áo quần lem luốc đến trường với những cặp sách nhàu nhĩ hiện ra quá chân thực, sinh động làm chúng tôi không khỏi ái ngại. Những gương mặt ngây thơ dường như cũng chẳng để ý đến mấy nỗi khó khăn của mình, khi trên mặt các em luôn nở nụ cười trong trẻo.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phúc Sơn cho biết, rất nhiều học sinh ở đây đi học chỉ với manh quần cộc, áo vá, chân đất đến lớp do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. “Có nhiều em phải đi bộ 5 đến 6km đường núi gập ghềnh, trơn trượt hàng ngày để đến trường. Cũng không có áo trắng, quần xanh thơm mùi áo mới của ngày đầu khai giảng mà vẫn một bộ áo quần lem luốc. Riêng về sách vở để các em học, nhà trường phát cho các em học đầu giờ và đến cuối giờ thu lại để tránh hư hỏng. Nhà trường duy trì được hình thức học bán trú nên các em cũng rất thích được đến trường học tập”, cô Thủy khẳng định.
Các em học sinh trong ngày nhận quà của bạn đọc Dân trí và Trung tâm nghị lực sống
Lúc này, PV Dân trí cùng với các thành viên Trung tâm Nghị lực sống tôi đã tổ chức trao phần quà trung thu đến các em gồm bánh kẹo, vở viết, đồ dùng học tập (tổng số là 3.000 cuốn vở, 500 cây bút bi, 50 cây bút chì, một số sách giáo khoa, cặp sách để chia đều cho 600 em học sinh của nhà trường).
Những gương mặt sáng ngời, rạng rỡ của vùng cao trước phần quà học tập đầy ý nghĩa mà bạn đọc Dân trí dành tặng
“Số vở viết, đồ dùng học tập này rất có ý nghĩa với học sinh nhà trường trong năm học mới. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bạn đọc Dân trí đã chung tay giúp đỡ thầy cô giáo cũng như các em học sinh có một năm học mới tươm tất hơn. Nhà trường vẫn mong muốn sẽ tiếp tục được nhận thêm những tấm lòng mọi người dành cho các em học sinh, nhất là đối với sách giáo khoa đang còn rất thiếu thốn”, cô Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phúc Sơn chia sẻ.