Nhật ký cầu Khuyến học & Dân trí:
“Làng Dân trí” hạnh phúc qua cầu Khuyến học & Dân trí đi chơi Tết
(Dân trí) - “Chưa năm nào chúng tôi được ăn Tết to và vui như năm nay. Đó cũng là nhờ Báo Dân trí, nhờ mọi người trong xã hội quan tâm xây cho chúng tôi cây cầu. Chúng tôi vui lắm, hạnh phúc lắm, chúc mừng năm mới…”, Già Briang, làng Long Jôn vui mừng nói.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1517/hat-ky-cau-Khuyen-hoc--Dan-tri-bac-qua-song-Po-Ko.htm'><b> >> Nhật ký cầu Khuyến học & Dân trí bắc qua sông Pô Kô</b></a>
Chính vì vậy, tên làng cũng đã được người dân gọi với cái tên đầy thân thương là “làng Dân trí”. Chỉ vậy thôi, cũng đủ để chúng ta hiểu được niềm hạnh phúc dạt dào của người dân từ khi có cây cầu, và công đức lớn lao của báo Dân trí và bạn đọc đã đồng lòng làm nên một kì tích trên sông Pô Kô - giúp người dân Xê Đăng thay đổi cuộc sống.
Và Tết năm nay, là năm đánh dấu rất nhiều kỉ niệm của người dân Xê Đăng. Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới, hàng trăm người đã nở những nụ cười đầy hạnh phúc đi qua cầu Khuyến học Dân trí để đến nhà bà con, họ hàng chơi Tết. Họ không còn phải đón Tết lẻ loi bó buộc trong làng nữa.
Ngay từ sáng sớm già Briang đã mặc đã quần áo tươm tất để đi qua cầu sang nhà bà con ăn Tết.
Cách già Briang một quãng là già Y Bri chống gậy qua cầu, thấy chúng tôi dơ tay chụp ảnh, già cười nói với giọng lơ lớ tiếng kinh: “Ơ bà già rồi, quay phim bà già làm gì, bà già không biết”. Rồi bà cho biết, bà đi qua cầu để đến nhà con gái chúc mừng năm mới. Trước kia chưa có cầu, bà không bao giờ được đi khỏi làng, từ khi có cầu bắc qua sông, mỗi lần nhớ cô con gái lấy chồng làng bên là bà lại chống gậy đến thăm con.
Ông Anúk - Trưởng thôn Long Jôn cho biết: “Có cầu làm việc gì cũng thuận lợi hết, đêm hôm ốm đau cũng chở xe qua cầu được, bán cái gì cũng dễ. Tết nay làng mình xuống Thị trấn sắm Tết nhiều lắm, chứ những năm trước có ai dám đi mua Tết đâu vì không có cầu không đi được xe. Nay thì thiếu cái gì là xuống Thị trấn mua được liền, con cái đi học cũng dễ. Trước đây Tết mọi người chỉ ở trong làng, có cầu đi thì anh em họ hàng đến mời mình qua làng khác, họ hàng qua mình, mình lại qua lại họ. Xe máy cứ thế mà chạy từ làng này đến làng kia đi chơi Tết”.
Không chỉ có người dân làng Long Jôn vui mừng vì có cây cầu đi qua sông, mà những người dân làng khác cũng rất hạnh phúc vì có cầu sang thăm bà con: “Mình có bà con bên Long Jôn nên mình sang chơi. Đây là Tết đầu tiên mình sang bà con bên này chơi, anh em được gặp nhau uống rượu cần vui lắm. Cảm ơn nhà báo nhiều lắm”, ông A Neo vui mừng nói.
Thiên Thư