1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Lại xuất hiện nhiều kẻ mạo danh lừa đảo bạn đọc Dân trí trên mạng xã hội

(Dân trí) - Thời gian gần đây, qua phản ánh của bạn đọc, nhiều đối tượng đã thực hiện nhiều hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền bạn đọc dành để ủng hộ cho các hoàn cảnh nhân ái đăng trên Dân trí, đặc biệt là trên mạng xã hội Facebook.

Mới đây, trên Facebook xuất hiện nhiều trang mạo danh chuyên mục Tấm lòng Nhân ái, mạo danh phóng viên Dân trí để kêu gọi sự ủng hộ của mọi người đối với các hoàn cảnh nhân ái mà báo Dân trí đăng tải, nhưng nếu được mọi người ủng hộ thì số tiền trên sẽ bị kẻ mạo danh chiếm dụng hoàn toàn.
 
Lại xuất hiện nhiều kẻ mạo danh lừa đảo bạn đọc Dân trí trên mạng xã hội

Trang mạo danh chuyên mục Tấm lòng nhân ái báo Dân trí trên Facebook đang tổ chức tuyển "bàn quyên góp" đến đối tượng sinh viên với mức lương 1 - 3 triệu đồng

Đầu tiên là trang mạo danh có tên Tấm lòng Nhân ái trên mạng xã hội Facebook, dùng ảnh chủ với dòng chữ Nhịp cầu Nhân ái cùng logo có hình đôi bàn tay nâng niu trái tim mà Dân trí sử dụng trên chuyên mục. Đặc biệt hơn, dù mới thành lập trang chỉ chưa đầy ít ngày, chủ nhân của trang này ngang nhiên tuyển cộng tác viên để chuyên làm việc “đặt bàn quyên góp” để xin sự ủng hộ từ phía các nhà hảo tâm. Đối tượng tuyển là sinh viên với mức lương khởi điểm từ 1 – 3 triệu đồng. Chủ nhân của trang tự xưng tên là Vi Tiểu Phong.

Một trang khác trên mạng xã hội có nickname là Phong Sầu, tự xưng là phóng viên chuyên mục nhân ái của Báo điện tử Dân trí (mặc dù báo Dân trí không có phóng viên nào tên Phong phụ trách chuyên mục nhân ái – PV) và thường xuyên “quảng cáo” thay cho trang Tấm lòng Nhân ái nói trên. Theo nhận xét của chúng tôi, cả 2 trang trên có thể chủ nhân chỉ là 1, đều cùng hành vi mạo danh làm ảnh hưởng uy tín đến hoạt động nhân ái của Báo Dân trí, đặc biệt là việc lợi dụng uy tín của báo Dân trí để lừa đảo các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ cho các hoàn cảnh nhân ái.
 
Lại xuất hiện nhiều kẻ mạo danh lừa đảo bạn đọc Dân trí trên mạng xã hội

Nick Phong Sầu tự xưng là PV Báo Dân trí phụ trách chuyên mục Tấm lòng Nhân ái để lừa đảo bạn đọc Dân trí qua mạng xã hội

Để làm rõ hơn các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc mạo danh nói trên, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng VPLS Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Tp Hà Nội:

Thưa ông, với những hành vi mạo danh là phóng viên Dân trí, mạo danh trang Tấm lòng Nhân ái của báo điện tử Dân trí và đặc biệt là việc lấy lại các bài viết nhân ái khi chưa được sự đồng ý của báo Dân trí có phải là hành vi vi phạm pháp luật mà các  chủ nhân của các trang trên mạng xã hội đã và đang thực hiện ?

Ngày 15/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định này đưa ra các khái niệm liên quan đến lĩnh vực internet, xác định quyền nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức cung cấp quản lý, sử dụng,đồng thời xác định những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực này, một trong số đó là hành vi: “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP). Do đó,việc tự xưng là phóng viên chuyên mục nhân ái của báo Dân trí và kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ nhằm chiếm đoạt số tiền ủng hộ là hành vi vi phạm pháp luật.
 
Lại xuất hiện nhiều kẻ mạo danh lừa đảo bạn đọc Dân trí trên mạng xã hội

Theo luật sư Trương Anh Tú, hành vi mạo danh nhằm chiếm đoạt tiền bạc ủng hộ cho các hoàn cảnh nhân ái đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
 
Một hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Trường hợp hành vi chỉ bị xử phạt hành chính, chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 83/2011/NĐ-CP ngày 20/09/2011, Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà ra quyết định xử phạt bằng nhiều hình thức khác nhau: cảnh cáo hoặc phạt tiền. Đối với hình thức phạt tiền, mức phạt tối thiểu từ 10.000 đồng đến tối đa là 500.000.000 đồng. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quản lý nhà nước khác thì Chính phủ quy định mức phạt tiền, nhưng tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng.

Trường hợp một người dùng thẻ nhà báo giả sẽ đồng nghĩa với việc làm giả con dấu, giả chữ ký… của cơ quan, tổ chức và đã có dấu hiệu cấu thành tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy đinh tại Điều 267 Bộ luật Hình sự, bởi lẽ theo quy định của pháp luật chỉ có Bộ Thông tin và Truyền thông mới có thẩm quyền cấp thẻ nhà báo.

Người phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, và phạt tù từ 02 năm đến 05 năm tùy phụ thuộc vào tính chất và mức độ phạm tội. Hơn nữa, hành vi tự xưng là phóng viên chuyên mục nhân ái của báo Dân trí, lấy các bài viết nhân ái đăng trên Dân trí và copy nguyên văn, tác động vào tình cảm và tấm lòng nhân ái của mọi người để kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ quyên góp tiền, khi nhận được tiền của mọi người ủng hộ thì chiếm đoạt. Những đối tượng này đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, tiền của những người ủng hộ quyên góp, số tiền của một người có thể giá trị là nhỏ nhưng nếu nhiều người ủng hộ quyên góp thì làm phép số nhân số tiền đó có giá trị rất lớn.
 
Lại xuất hiện nhiều kẻ mạo danh lừa đảo bạn đọc Dân trí trên mạng xã hội

Với hành vi nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. K Vì vậy, với hành vi của người mạo danh nêu trên cơ quan CSĐT sẽ xác định mức độ của tội phạm và hình phạt giành cụ thể. Ví dụ: giá trị tài sản từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trong, giá trị tài sản chiếm đoạt nhiều …có thể chịu mức hình phạt tù từ một đến hai mươi năm hoặc lên đến tù chung thân. Ngoài ra, hành vi này còn là hành vi vi phạm Luật Báo chí và xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng những lôgô, các bài viết của báo Dân trí đăng trên trang mạng, làm người đọc có sự nhầm lẫn và qua đó kiếm lợi cho cá nhân.

Thưa ông, chúng ta có dễ tìm người sai phạm trên mạng xã hội ?

Dưới gốc độ pháp lý, tôi không thể trả lời một cách chính xác được liệu việc truy tìm chủ nhân của những tài khoản Facebook có dễ dàng hay không. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mà chỉ có những chuyên gia về công nghệ hoặc điều tra viên trong lĩnh vực chuyên môn mới có thể trả lời một cách chính xác cho bạn đọc. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, mục tiêu của những đối tượng này chủ yếu nhằm chiếm đoạt được tài sản của những người ủng hộ, vì vậy bằng một cách này hay cách khác những đối tượng này sẽ phải để lại thông tin hoặc tài khoản để bạn đọc gửi số tiền ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp người có hành vi vi phạm dùng những thủ đoạn quá tinh vi nên khiến việc điều tra và truy lùng ai là người có hành vi vi phạm không hề dễ dàng.

 Vậy ai có quyền xử phạt ?

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong vực viễn thông bao gồm: Thanh tra chuyên ngành về viễn thông;Thanh tra chuyên ngành khác; Ủy ban nhân dân các cấp; Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan quản lýạnh tranh. Việc phân định thẩm quyền xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm, mức độ tối đa của khung hình phạt. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện. Trường hợp hành vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì các CQĐT sẽ giải quyết vụ án theo Bộ luật tố tụng hình sự.

Chúng ta đều biết rằng facebook có sức lan tỏa vô cùng lớn, nếu như những người phạm tội có thể lợi dụng nó để chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện những hành vi khác bị pháp luật cấm thì chính chúng ta cũng có thể dùng facebook để cảnh báo cho người thân, bạn bè để họ không trở thành nạn nhân tiếp theo của những trò lừa đảo như vậy. Chúng ta cũng cần cảnh giác và điều tra tính xác thực của những trang FB này trước khi có ý định tham gia và sử dụng, bằng những thao tác rất đơn giản như: kiểm tra thông tin trên mạng, trực tiếp hỏi các tỏ chức về sự tồn tại của các trang mạng nêu trên...

Ngoài ra, khi phát hiện có hành vi vi phạm, chúng ta có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an hoặc thanh tra chuyên môn. Việc tố cáo cần phải được thực hiện sớm để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm tiếp diễn và hạn chế hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý đó là khi gửi đơn tố cáo bạn cần phải cung cấp cả những tài liệu khác chứng minh việc tố cáo của bạn là có căn cứ.

Thế Nam - Vũ Văn Tiến (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm