1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ

Phạm Oanh

(Dân trí) - Sau bao ngày mong đợi, bà con dân bản Suối Hốc vô cùng vui mừng bởi ngày khởi công cây cầu đã đến. Cây cầu được xây dựng bởi sự tài trợ của bà Nguyễn Thị Hồng Hà, bạn đọc báo Dân trí cùng địa phương.

Lũ năm nay không còn lo nữa, các con được đến trường rồi

Sáng ngày 1/6, khi bầu trời đã hửng sáng sau những ngày mưa tầm tã, người dân bản Suối Hốc đã có mặt đầy đủ tại nhà văn hóa thôn trong niềm phấn khởi vô bờ. Với bà con và hơn 200 cháu học sinh nơi đây, ngày hôm nay là một ngày hội lớn bởi được đón chào gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hà cùng Báo điện tử Dân trí và địa phương quyết định khởi công xây dựng cây cầu qua bản Suối Hốc.

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 1

Sáng ngày 1/6, cây cầu qua bản Suối Hốc, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được chính thức khởi công xây dựng (Ảnh: Quân Đỗ).

Những gương mặt tươi vui, hớn hở trong ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng. Dõi mắt ra phía xa, nơi có cây cầu dẫn vào bản, tiếng động của 3 chiếc máy xúc có lẽ là thứ thanh âm vui nhất và được đón chờ nhất với tất cả mọi người trong một ngày vô cùng đặc biệt này.

Khởi công xây cầu qua bản Suối Hốc, giúp hơn 200 học sinh vượt lũ (Video: Quân Đỗ).

Các em học sinh mang trên mình chiếc áo trắng và tấm khăn quàng đỏ, nụ cười cũng lấp lánh hơn với lời thì thầm vào tai nhau: "Mùa lũ năm nay chúng mình không phải nghỉ học nữa rồi. Có cầu mới là không bị lụt và ngày nào cũng đến trường được rồi".

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 2

Với những người dân ở bản Suối Hốc ngày hôm nay là một ngày hội lớn.

Niềm mơ ước ấy không chỉ của hơn 200 học sinh nơi đây mà của các bậc cha mẹ, thầy cô nhà trường bởi: "Năm nào cũng thế, cứ bắt đầu vào tháng 5 là bà con dân bản đã bất an, lo sợ, lũ về bất cứ lúc nào. Bản Suối Hốc là bản đặc biệt khó khăn với địa hình nằm sâu bám vào vỉa núi và con đường duy nhất để giao thương đó là phải qua chiếc cầu tạm kia. Đó là lối đi cho 111 hộ dân tộc Tày với 456 nhân khẩu, trong đó có 209 học sinh" như lời anh Nông Văn Huân - Chủ tịch xã Ngọc Chấn đã tâm sự trước đó.

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 3

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hà trao tặng số tiền 1 tỉ đồng xây dựng cầu qua bản Suối Hốc.

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 4

Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình gửi lời cám ơn đến bạn đọc Báo Dân trí, gia đình bà Hồng Hà đã giúp đỡ địa phương.

Hiểu được sự mong đợi ấy, ngày hôm nay, buổi lễ chính thức khởi công xây cây cầu mới được bắt đầu. Buổi lễ trang trọng, ấm cúng với sự có mặt của: Ông Phạm Huy Hoàn  - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Việt Nam; Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; ông An Hoàng Linh  - Bí thư huyện ủy Yên Bình; Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình; Bà Tô Thị Ánh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái; Ông Nguyễn Anh Thế - Phó Tổng thư kí tòa soạn Báo Dân trí; Ông Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái; Bà Nguyễn Thị Hồng Hà - Nhà tài trợ kinh phí xây cầu cùng các cấp chính quyền địa phương và hàng trăm bà con nhân dân địa phương.

Lá thư xúc động của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hà về ý nguyện xây cây cầu dân sinh từ số tiền bố để lại cho con gái

Không khí buổi lễ khởi công xây dựng cầu qua bản Suối Hốc vô cùng đặc biệt bởi lá thư của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hà. Ai cũng xúc động trước tấm lòng của bà khi quyết định trao tặng toàn bộ số tiền là 1 tỉ đồng do cụ ông trước khi nhắm mắt đã để lại cho con gái.

Bức thư xúc động của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hà, người tài trợ xây cầu

Bà viết: "Thời gian qua, từ những thông tin trên các kênh báo chí, nhất là Báo điện tử Dân trí và được Hội khuyến học tỉnh Yên Bái trực tiếp giới thiệu, gia đình chúng tôi được biết tỉnh Yên Bái còn nhiều địa phương có nhu cầu xây dựng những cây cầu dân sinh, giúp cho các em học sinh và người dân có thêm điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, học tập, sinh hoạt, phát triển kinh tế.

Gia đình chúng tôi được bố tôi là ông Nguyễn Văn Vinh (địa chỉ số 24 Trần Xuân Soạn, Hà Nội) trước khi mất cho mỗi gia đình các con 1 tỷ đồng. Trước đây bố tôi cũng thường hay làm từ thiện giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn nên tôi quyết định dùng số tiền bố cho tôi cũng làm từ thiện tiếp bước tấm lòng của bố. Số tiền 1 tỷ đồng tôi và gia đình hỗ trợ mong nhịp cầu yêu thương đến với các thôn bản, kịp thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các em học sinh, người dân ổn định đời sống sản xuất, học tập".

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 5

3 tháng nữa thôi, tại nơi đây sẽ là cây cầu mới trao tặng cho bà con dân bản Suối Hốc.

Từng lời, từng chữ trong lá thư của bà được ông Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đọc khiến ai cũng xúc động. Ở độ tuổi hơn 70, bà Hà yêu lắm các công việc làm từ thiện, góp ích cho xã hội, giúp đỡ người nghèo. Đôi mắt rưng rưng, nhìn các cháu học sinh nơi đây, bà nghẹn lại: "Khi đọc bài báo đăng trên Báo Dân trí, tôi trăn trở rất nhiều. Hơn 200 cháu không được đến trường khi mùa mưa lũ về. Suy nghĩ đó cứ ám ảnh tôi và thôi thúc mình phải làm điều gì đó để giúp các cháu. Số tiền bố tôi để lại cho tôi là món quà vô cùng quý giá và thiêng liêng, tôi xin tặng lại cho các cháu và bà con dân bản ở đây để xây dựng cây cầu… Tôi tin ở nơi xa, bố tôi sẽ mỉm cười, mãn nguyện trước quyết định này của tôi vì khi còn sống, ông cũng luôn đau đáu và tha thiết với công việc làm từ thiện".

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 6

Ông Phạm Huy Hoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Việt Nam xúc động phát biểu trong buổi lễ.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của bà, tới đây cây cầu được xây dựng với mức đầu tư công trình là 1,5 tỉ đồng. Trong đó bà Hà hỗ trợ 1 tỉ đồng; bạn đọc báo Dân trí ủng hộ 140 triệu đồng (trong đó bạn đọc ủng hộ qua Quỹ Khuyến học Việt Nam là 7,5 triệu đồng) cùng nguồn vốn ngân sách đối ứng của huyện. Cây cầu với quy mô 2 nhịp, khổ cầu 5,0 mét, khẩu độ thoát nước 2.6 mét, chiều cao cầu 4 mét, đường 2 đầu cầu bằng BTXM  M250, bề rộng mặt đường là 3,5 mét và các hạng mục phụ trợ.

200 suất học bổng được trao tặng, Báo Dân trí là nhịp cầu nhân ái 

Trong buổi lễ khởi công xây dựng cầu, 200 suất học bổng với trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng đã được trao tặng đến 100 các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích học tập tốt. Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Huy Hoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Việt Nam bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi thời gian khoảng 3 tháng nữa thôi là ở nơi đây, cây cầu qua bản Suối Hốc được khánh thành và đi vào sử dụng. Đó không chỉ là niềm mong mỏi của địa phương mà còn của chính gia đình ông.

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 7

Trong buổi lễ khởi công xây cầu, 200 suất học bổng trị giá 100 triệu đồng đã được trao tặng đến các cháu học sinh.

"Tôi tin tưởng số tiền này và số tiền của bạn đọc Báo Dân trí sẽ được các ngành chức năng xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái xây dựng được cây cầu "Khuyến học và Dân trí" to đẹp, bền vững lan tỏa những điều tốt đẹp theo thời gian giúp cho các cháu học sinh đi lại học hành thuận lợi, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, đời sống của bà con thôn Bản Hốc và địa phương trên con đường xây dựng nông thôn mới ấm no hạnh phúc. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của bố tôi và gia đình chúng tôi" - ông Phạm Huy Hoàn phát biểu.

Khởi công xây cầu Khuyến học và Dân trí giúp hơn 200 học sinh vượt lũ - 8

Ông Phạm Huy Hoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Việt Nam cùng bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao tặng học bổng cho các cháu.

Trong suốt nhiều năm qua, Báo điện tử Dân trí đã cùng các nhà hảo tâm xây dựng hàng chục cây cầu và điểm trường trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cây cầu qua bản Suối Hốc tới đây là cây cầu thứ 25 Báo Dân trí xây dựng sẽ thỏa sự mong đợi, khao khát của bà con dân bản và hơn 200 học sinh cùng các thầy cô giáo. Mưa lũ sẽ vẫn tiếp diễn qua đây, nhưng bản Suối Hốc sẽ thay da đổi thịt và an toàn hơn bởi không còn cảnh học sinh phải nghỉ học và nơm nớp lo nữa… Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của địa phương mà còn của những bạn đọc chung tay, giúp đỡ.