1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Hơn 168 triệu đồng đến với người vợ còm cõi nuôi chồng và con bại não

Xuân Sinh

(Dân trí) - Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của bà Trần Thị Hồng, thông qua Chương trình Nhân ái của Báo Dân trí, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ số tiền 168.288.222 đồng.

Ngày 11/4, phóng viên Dân trí đã đến thăm và trao số tiền 168.288.222 đồng tới gia đình bà Trần Thị Hồng (SN 1956, trú tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - nhân vật trong bài viết "Thương người vợ còm cõi nuôi chồng và con bại não, bữa cơm nào cũng khóc". Đây là số tiền bạn đọc ủng hộ trong tuần 3 tháng 3/2022 thông qua Chương trình Nhân ái của Báo Dân trí.

Ngoài ra bạn đọc Báo Dân trí còn ủng hộ gia định bà Hồng 1.000.000 đồng thông qua Quỹ Khuyến học Việt Nam.

Khi chúng tôi đến, bà Hồng nghẹn ngào cho biết, vì bệnh tình quá nặng nên mới đây, người chồng đã không thể qua khỏi. 

Hơn 168 triệu đồng đến với người vợ còm cõi nuôi chồng và con bại não - 1

Thông qua Chương trình Nhân ái của Báo Dân trí các nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình bà Hồng số tiền 168.288.222 đồng.

Đón nhận món quà từ bạn đọc Báo Dân trí, bà Hồng xúc động: "Chưa bao giờ gia đình dám mơ đến số tiền lớn như thế này. Khi hoàn cảnh của gia đình được đăng tải trên Báo Dân trí đã có rất nhiều người gọi điện động viên, chia sẻ. Tôi thực sự rất xúc động. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm và Báo Dân trí".

Năm 1990, bà Trần Thị Hồng nên duyên vợ chồng với ông Nguyễn Văn Trung (SN 1954). Niềm vui to lớn đến với họ khi một năm sau, con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Hằng (SN 1991) cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng, số phận thật nghiệt ngã khi Hằng sinh ra bị bệnh não úng thủy.

Hơn 168 triệu đồng đến với người vợ còm cõi nuôi chồng và con bại não - 2

Bị bệnh não úng thủy, suốt 31 năm qua Hằng chỉ nằm một chỗ với chiếc đầu to bất thường.

Năm nay, Hằng đã 31 tuổi, khối u khiến đầu phình to nặng gần 10kg chiếm hơn 1/3 trọng lượng cơ thể. Và chừng ấy thời gian, Hằng chỉ nằm yên một chỗ.

Bản thân ông Trung cũng bị căn bệnh não úng thủy từ nhỏ, nhưng vẫn đi lại làm việc được. Thương vợ con, cực chẳng đã, ông Trung đi sang chợ Vinh (Nghệ An) rồi lên đền Chợ Củi (Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân)… ăn xin, mong có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống. Khi đang phải lo cái ăn từng ngày thì bi kịch tiếp tục xảy đến với gia đình bà. Năm 2010, cơn tai biến khiến ông Trung không còn đi lại được nữa.

Suốt 12 năm qua, để có miếng cơm, miếng cháo cho chồng, cho con, bà Hồng dường như không có phút nghỉ ngơi nào. Cứ 5h sáng, bà thức dậy nấu cháo cho chồng, con ăn, rồi đi làm. Buổi trưa, buổi tối bà cũng phải canh giờ về để lo bữa ăn cho chồng, con. Ngày nào còn sức thì đêm đến bà ra bờ sông nhặt ngao, hến đem ra chợ bán đến tờ mờ sáng mới về.

Hơn 4 năm nay, đôi chân của bà Hồng cũng bị những cơn đau hành hạ, nhưng không dám đi khám vì chẳng có tiền. Những bước đi nhọc nhằn, khiến bà không còn làm được những việc nặng như trước nữa.

Giờ đây, cả gia đình phải dựa vào người con trai thứ 2 là Nguyễn Trung Hiếu (SN 1997). Trước Hiếu làm công nhân ở miền Nam. Năm 2021, khi thấy sức khỏe của mẹ ngày một yếu, cộng thêm dịch Covid-19 không có việc làm nên Hiếu đã quyết định về quê để phụ giúp gia đình. Thế nhưng, sức khỏe của Hiếu cũng yếu, thường xuyên ốm đau, lại không có việc làm nên tương lai phía trước còn mờ mịt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm