1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Hai chị em tâm thần từng được bạn đọc Dân trí giúp đỡ và cuộc sống bất ngờ

Tiến Thành Đặng Tài

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng tải hoàn cảnh chị em Thanh - Bình bị nhốt suốt 10 năm do bệnh tâm thần, cuộc sống của hai cô gái giờ đã hoàn toàn đổi thay bất ngờ, bệnh tâm thần cũng thuyên giảm.

Vào một ngày đầu năm mới 2021, chúng tôi đã có dịp đến với Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình, ghé thăm 2 chị em Dương Thanh Bình (SN 1990) và Dương Thị Hồng Thanh (SN 1992).

Bình và Thanh sinh ra và lớn lên tại xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, trong một gia đình có 8 người con. Bố mẹ chị em Thanh - Bình từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và bị nhiễm chất độc hóa học, do vậy 4 người con đều có di chứng tâm thần. Trong đó 2 cô gái Thanh - Bình bị nặng nhất.

Hai chị em tâm thần từng được bạn đọc Dân trí giúp đỡ và cuộc sống bất ngờ - 1

Bình và Thanh giờ đã có cuộc sống mới tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình.

Cách đây 10 năm, khi 2 người có những biểu hiện đập phá, la hét rồi bỏ đi, mẹ của 2 cô gái là bà Dương Thị Huề không còn cách nào khác đành phải làm một căn nhà nhỏ ở góc vườn, chia làm 2 phòng.

Kể từ đó, bà nuốt nước mắt nén nỗi đau trong lòng khi phải tự tay nhốt những người con tâm thần, đến giờ thì đưa cơm cho con ăn, đến ngày thì vào làm vệ sinh. Và cứ vậy, người mẹ nghèo đã phải rằn lòng nhốt những người con trong phòng kín suốt 10 năm, không một lần mở cửa.

Hoàn cảnh cơ cực của chị em Thanh, Bình và người mẹ già sau khi được đăng tải trên báo Dân trí, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đọc giả cũng như các cấp chính quyền. Nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã thương cảm, gọi điện chia sẻ cũng như gửi tiền trực tiếp để hỗ trợ gia đình bà Huề.

Hai chị em tâm thần từng được bạn đọc Dân trí giúp đỡ và cuộc sống bất ngờ - 2

2 người phụ nữ này không còn phải sống trong cảnh nhốt trong phòng kín như trước.

Thông qua Chương trình Nhân ái của báo Dân trí, bạn đọc cũng đã chung tay quyên góp ủng hộ bà Dương Thị Huề số tiền hơn 120 triệu đồng. Số tiền này đã được phóng viên báo Dân trí thay mặt bạn đọc trao tận tay gia đình bà.

Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình phối hợp với các địa phương đã tiến hành rà soát, đưa những trường hợp bị nuôi nhốt vào trung tâm tâm thần. Vào cuối năm 2020, Bình và Thanh đã được đón vào trung tâm cùng với 19 bệnh nhân nữ khác vừa được chuyển về từ Thừa Thiên Huế.

Hai chị em tâm thần từng được bạn đọc Dân trí giúp đỡ và cuộc sống bất ngờ - 3

Ông Ngô Văn Hóa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chăm sóc vàPhục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình cho biết, Thanh và Bình hòa nhập rất nhanh và không còn sợ người lạ.

Trong lần gặp lại chị em Thanh - Bình, 2 cô gái đã hoàn toàn đổi thay. Cả 2 chị em Thanh - Bình đều được ở trong một căn phòng sạch sẽ, chăn ấm, đệm êm và được chăm sóc tận tình bởi đội ngũ nhân viên trung tâm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Ngô Văn Hóa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình cho biết, mỗi trường hợp tâm thần lại có một triệu chứng, biểu hiện và mức độ bệnh khác nhau, do vậy trung tâm phải tùy vào đó để chăm sóc, phục hồi cho họ.

Hai chị em tâm thần từng được bạn đọc Dân trí giúp đỡ và cuộc sống bất ngờ - 4

Không chỉ thoát cảnh bị giam cầm trong phòng kín, Thanh và Bình còn được chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Với chị em Thanh - Bình, từ ngày vào trung tâm đã được cán bộ sắp xếp nơi ở sạch sẽ, ấm cúng cũng như chuẩn bị quần áo đầy đủ, với sự quan tâm đó, Thanh - Bình không còn thấy sợ người lạ hay la hét mà rất biết nghe lời, sống hòa nhập cùng những nữ bệnh nhân tâm thần khác, bệnh tình vì thế cũng thuyên giảm. Không chỉ thoát cảnh bị giam cầm trong phòng kín, Thanh - Bình còn được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, được cán bộ trung tâm lo từ cái ăn đến giấc ngủ.

"Vào với trung tâm thì Thanh - Bình và những trường hợp tâm thần khác sẽ có cuộc sống mới tốt hơn so với ở nhà phải chịu cảnh nuôi nhốt. Cũng là một kiếp người, để họ bị giam cầm như thế khó ai mà cầm lòng nổi. Với bệnh nhân tâm thần thì cách điều trị, chăm sóc cũng rất khác, luôn phải nhẹ nhàng, nắm bắt được tâm lý bệnh nhân để từ đó điều trị hiệu quả hơn.

Có thể nói, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần không phải là việc ai cũng làm được. Thậm chí, công việc của cán bộ, y sỹ, điều dưỡng còn chứa đựng nhiều tình huống "dở khóc, dở cười", ông Hóa chia sẻ.

Hai chị em tâm thần từng được bạn đọc Dân trí giúp đỡ và cuộc sống bất ngờ - 5

Những mảnh đời bất hạnh giờ đã có cuộc sống bớt cơ cực hơn, được cán bộ trung tâm lo từ cái ăn đến giấc ngủ.

Theo khảo sát và thống kê của ngành LĐ-TB&XH Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có trên 3.000 đối tượng bị tâm thần có nhu cầu được chăm sóc và phục hồi chức năng, trong đó, đối tượng tâm thần nặng khoảng 1.400 người. Tuy nhiên hiện nay trung tâm chăm sóc người tâm thần tại Quảng Bình chỉ có thể tiếp nhận 97 bệnh nhân nam và 21 bệnh nhân nữ. Khu vực chăm sóc nữ tâm thần cũng chỉ mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng cách đây hơn 1 tuần.

Hai chị em tâm thần từng được bạn đọc Dân trí giúp đỡ và cuộc sống bất ngờ - 6

Dãy nhà dành cho bệnh nhân nữ tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình.

Cũng theo ông Hóa, hiện nay thiết bị, cơ sở vật chất tại trung tâm cũng còn rất nhiều thiếu thốn, do đó cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ban ngành cũng như các nhà hảo tâm, để có đủ điều kiện chăm sóc tốt hơn nữa cho những bệnh nhân tâm thần, những con người chịu thiệt thòi hơn so với xã hội.