Ngày 11/3/2009, Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và gần 20 doanh nhân trong Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia đến thăm lớp học của con em ngư dân người Việt tại Ấp 7, xã Chông Kơ-nia, huyện Xiêm Riệp, tỉnh Xiêm riệp. Cùng đi với đoàn có Phó quốc Vụ khanh, Bộ Tôn giáo Lễ nghi, Phó Tổng thư ký Hội đồng toàn quốc Mặt trận Đoàn kết, phát triển Tổ quốc Campuchia, Phó Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và nhiều quan chức của Mặt trận, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Hướng dẫn đoàn đến thăm lớp học là Bác sỹ Thái Bá Y, Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Xiêm Riệp, được đánh giá là một Việt kiều làm ăn tương đối thành đạt và rất tích cực hoạt động vì lợi ích của kiều dân...
Cuộc sống chồng chất khó khăn
Tông-lê Sáp là một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam-Á, mùa nước cạn diện tích 3.000km2, nhưng mùa nước lên diện tích hồ lên tới 10.000 km2. Lúc đó 5 tỉnh, thành giáp Biển Hồ, nước ngập mênh mông. Thật xứng đáng được gọi là biển trên đất liền. Đoàn chúng tôi đến thăm đúng vào mùa nước cạn nên lòng hồ có chỗ mực nước chỉ sâu khoảng một mét. Người dẫn đường cho biết nếu người không thạo luồng lạch thì thuyền, xuồng dễ bị mắc cạn. Nước trên Biển Hồ nơi bà con Việt kiều đang sinh sống đỏ ngầu màu đất. Thế mà nước dùng cho nấu ăn và sinh hoạt đều múc từ dưới hồ lên sau khi đã đánh một chút phèn. Việt kiều trên Biển Hồ mỗi năm chỉ được đánh bắt cá từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau. Bốn tháng còn lại là mùa sinh sản của thuỷ sản phải neo thuyền gác lưới. Điều đó đồng nghĩa với việc ngư dân thất nghiệp. Cuộc sống của ngư dân không có của để dành, không có tích luỹ đã khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Từ bến nước Chông Khơ-nia, đoàn chúng tôi ngồi thuyền máy đi khoảng 3 km thì đến lớp học. Gọi là Ấp nhưng không phải ở trên cạn mà là một cụm dân cư gồm ngư dân người Khơ-me và người Việt sống lênh đênh trên các chiếc thuyền trên hồ Tông-lê Sáp (Việt Nam quen gọi là Biển Hồ). Người Việt tại Ấp 7 có 364 hộ gồm 1944 người, có khoảng 200 cháu đang học từ lớp 1 đến lớp 4. Khoảng 20% số cháu không được đi học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Cả 5 lớp học của các cháu nằm trên một chiếc thuyền diện tích khoảng 70m2. Trị giá của chiếc thuyền này khoảng 15.000 USD.
Đại diện Hội Việt kiều ở đây cho biết, để các cháu có đủ chỗ học và chuẩn bị đón các cháu đã đến tuổi đi học cần phải có thêm một chiếc thuyền nữa. Hiện tại, các cháu học sinh mỗi ngày chỉ được học 2 giờ rưỡi đồng hồ, vì còn phải dành chỗ cho lớp khác. Các cháu đến lớp học phải tự chèo thuyền của gia đình hoặc phải đi nhờ thuyền của bạn học. Mọi người Việt ở Ấp đều ca ngợi ông Nguyễn Văn Đầy (tức Sáu Đầy), Chủ tịch Hội Việt kiều Ấp 7 đã bỏ nhiều công sức để các cháu có được hương vị của mái ấm "Nhà trường".
Ông Sáu Đầy cho biết: ông nội và bố để của ông cũng sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá trên Biển Hồ. Một điều nữa làm chúng tôi thán phục khi được biết 2 thầy giáo đảm nhiệm dạy 5 lớp học đều tình nguyện từ trong nước sang đây dạy từ thiện, không nhận tiền học phí. Hai thày giáo đều quê ở tỉnh Tây Ninh. Trên một tấm biển treo trong lớp học ghi rõ: "Tôi là Trần Văn Tư, sinh năm 1937. Tôi tự nguyện sang Biển hồ Campuchia dậy học từ thiện cho con em Việt kiều để cho con em nhớ lại nguồn gốc của ông cha chúng ta".
Một giáo viên khác là Nguyễn Văn Minh, 23 tuổi cũng tình nguyện sang Âëp 7 dạy học được hơn một năm. Chúng tôi biết cuộc sống của hai giáo viên đều nhờ vào tiền trợ cấp của Hội Việt kiều. Tuy cuộc sống rất đạm bạc, nhiều gian nan vất vả, xa gia đình, nhưng khi gặp chúng tôi cả hai cho biết đều sẵn sàng gắn bó với sự nghiệp trồng người trên Biển hồ nơi đất khách quê người. Tấm lòng của hai nhà giáo thật đáng quí. Để động viên và chia sẻ một phần khó khăn của thày và trò, đoàn chúng tôi đã tặng Hội Việt kiều Ấp 7 1.000 USD và 10.500.000 đồng.
Cần lắm sự hảo tâm chia sẻ
Đây là lần thứ hai tôi đến thăm lớp học của con em Việt kiều ở Ấp 7. Khác với lần trước (cuối năm 2007), lần này không còn nhìn thấy cảnh một số cháu Việt kiều phải ngửa tay xin tiền hoặc làm một số trò nhào lộn để xin tiền bố thí của những người qua đường. Không biết có phải được tin đoàn đến thăm nên các cháu này bị thu gom lại một chỗ hay cuộc sống của các cháu đã đổi thay? Song một điều mà tất cả thành viên trong đoàn đều nặng trĩu ưu tư khi nghĩ về cuộc sống vật chất và tinh thần của các thế hệ người Việt ở Chông Khơ-nia, ở trên Biển Hồ và trên khắp đất nước Campuchia đến bao giờ mới hết gian nan vất vả.
Mọi người cùng chung một suy nghĩ, đó là Việt Kiều ở Campuchia khổ nhất. Tương lai của các cháu liệu có khá hơn cuộc đời của ông bà, bố mẹ các cháu hay không? Điều này bản thân các cháu và những Việt kiều trên Biển Hồ không tự quyết định được mà phụ thuộc rất nhiều và sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm. Khẩu hiệu treo trong lớp học: "Đồng bào Việt kiều Biển Hồ Campuchia luôn nhớ ơn các phái đoàn có lòng hảo tâm đóng góp để xây dựng trường và sách vở cho học sinh". Tôi nghĩ đây là lời thỉnh cầu, sự trông đợi của các cháu Việt kiều trên cả nước Campuchia.
Vũ Mão
(Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia)