1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái
  3. Tặng thẻ BHYT, nâng bước học sinh tới trường

Mã số: 5162

Công trình Dân trí ở biên giới xứ Nghệ đã xong, sẵn sàng cho năm học mới

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào sử dụng cho năm học mới 2024-2025.

Ngày 12/8, ông Lữ Thanh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, công trình hai phòng học Trường Tiểu học Tri Lễ 4, tại bản Mường Lống (xã Tri Lễ), do báo Dân trí kết nối, kêu gọi tài trợ đã hoàn thành.

Công trình Dân trí ở biên giới xứ Nghệ đã xong, sẵn sàng cho năm học mới - 1

Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ - nơi báo Dân trí xây dựng 2 phòng học (Ảnh: Nguyễn Phê).

Được biết, sau ngày khởi công công trình (17/4), đến nay gần 4 tháng, đơn vị thi công đã vượt qua những khó khăn về địa hình đồi núi, khe suối, thời tiết mưa lũ và nắng nóng để hoàn thành công trình đúng tiến độ.

Công trình đã hoàn thành trước thềm khai giảng năm học mới 2024-2025, để sẵn sàng cho lễ khánh thành, bàn giao và có phòng học cho các em ngày tựu trường.

"Hai phòng học mới ở điểm trường rộng rãi, khang trang, đẹp và kiên cố. Như vậy là niềm mong ước của thầy và trò ở bản Mường Lống rất vui mừng. Xin chân thành cảm ơn nhà tài trợ và báo Dân trí rất nhiều", ông Hà vui mừng chia sẻ.

Công trình Dân trí ở biên giới xứ Nghệ đã xong, sẵn sàng cho năm học mới - 2

Ngày 17/4, công trình hai phòng học chính thức khởi công (Ảnh: Nguyễn Phê).

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nằm ở thung lũng bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, cách trung tâm huyện và xã khoảng 30km.

Con đường đến trường của học sinh nơi đây gặp rất nhiều khó khăn như: đường đất đá, núi non trùng điệp, khe suối dày đặc. Mùa mưa, các con đường trên địa bàn rất trơn trượt, lầy lội, chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy.

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 15 lớp với 283 học sinh, trung bình 19 học sinh/lớp. Trường có 3 điểm: điểm chính có 6 lớp, 124 học sinh; 2 điểm lẻ có 8 lớp đơn và 1 lớp ghép với 159 học sinh.

Tại điểm trường Mường Lống, các thầy cô và học sinh chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Các thầy giáo tại đây sử dụng nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời do nhà hảo tâm tặng, nhưng không ổn định và chỉ đủ bật đèn sáng.

Ngày 26/3, báo Dân trí đăng tải bài viết "Học sinh vùng biên học tập trong ngôi trường thiếu trước, hở sau" . Chỉ sau một thời gian ngắn, nhận thấy sự thiếu thốn về vật chất, trường lớp của thầy và trò Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm đã ủng hộ 400 triệu đồng để xây dựng phòng học tặng các cháu học sinh tại đây.

Công trình Dân trí ở biên giới xứ Nghệ đã xong, sẵn sàng cho năm học mới - 3

Công trình hai phòng học Dân trí đã hoàn thành (Ảnh: Nguyễn Phê).

Ngày 17/4, báo Dân trí phối hợp với Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm, UBND huyện Quế Phong và UBND xã Tri Lễ tổ chức lễ khởi công xây dựng 2 phòng học thuộc Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

Để xây dựng điểm trường này, đơn vị thi công đã phải dùng xe tải nhỏ để vận chuyển máy móc, sắt thép... rất khó khăn mới vào được công trình. 

Tổng số tiền xây dựng công trình này là gần 700 triệu đồng, trong đó Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm là nhà tài trợ chính, ủng hộ 400 triệu đồng, cùng với sự chung tay góp sức của bạn đọc và chính quyền địa phương.

Công trình Dân trí ở biên giới xứ Nghệ đã xong, sẵn sàng cho năm học mới - 4

Hai phòng học khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi như quạt trần, đèn chiếu sáng... (Ảnh: Nguyễn Phê).

Quế Phong là huyện vùng núi cao, biên giới phía tây bắc tỉnh Nghệ An. Huyện có đường biên giới Việt - Lào dài gần 75km, với hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số.

Quế Phong là huyện cuối cùng nằm trên trục Quốc lộ 48, cách thành phố Vinh 180km, có 12 xã và 1 thị trấn, với 107 thôn bản, trong đó 11 xã đặc biệt khó khăn.

Công trình Dân trí ở biên giới xứ Nghệ đã xong, sẵn sàng cho năm học mới - 5

Công trình dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 21/8 tới đây (Ảnh: Nguyễn Phê).

Tại xã biên giới Tri Lễ với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc H'Mông. Bà con nơi đây chủ yếu làm nương rẫy, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, kỹ năng sống và giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế. Cuộc sống khó khăn nên việc đầu tư cho con em học tập còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí chưa đồng đều, còn nhiều hủ tục lạc hậu.