Mã số: 5451
Con trai 3 tuổi câm, điếc sắp hết "thời gian vàng", mẹ nghèo bất lực
(Dân trí) - Con bị câm, điếc bẩm sinh nhưng vì số tiền phẫu thuật quá lớn trong khi điều kiện gia đình khó khăn khiến vợ chồng chị Thủy rơi vào tình cảnh bất lực.
Chiều muộn, chị Lê Thị Thủy (29 tuổi, khu phố Xuân Phú, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ngồi đờ đẫn sau giờ làm việc vất vả. Người mẹ trẻ cất tiếng gọi con trai "Đức ơi", nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng của cậu bé.
Chị Thủy kể, năm 2021, chị kết hôn với anh Lê Văn Trung (34 tuổi). Tháng 5/2022, vợ chồng chị sinh con trai đầu lòng là bé Lê Minh Đức. "Càng lớn, tôi thấy con có nhiều điểm bất thường. Tôi tập nói cho con mà con không có phản ứng", chị Thủy kể.
Nghĩ con chậm phát triển ngôn ngữ, chị Thủy đưa con đi học can thiệp. Sau nhiều tháng học, tốn không ít tiền, bé Đức vẫn không nói được. Tháng 9/2024, chị đưa con ra bệnh viện ở Hà Nội thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán Đức bị câm, điếc bẩm sinh.
Mong con trai có thể nghe được, vợ chồng chị Thủy vay tiền mua máy trợ thính, nhưng vì bé Đức điếc ở mức độ sâu, nên vẫn không nghe được.
"Bác sĩ nói con tôi phải cấy điện cực ốc tai và luyện nói mới có thể nghe được. Số tiền cấy điện cực ốc 1 bên tai 400-700 triệu đồng. Suốt 3 tháng đi vay mượn anh, em, bạn bè mới được hơn 100 triệu đồng, không biết bao giờ mới đủ tiền đưa con đi phẫu thuật", chị Thủy chia sẻ.
Theo chị Thủy, bé Đức cần được phẫu thuật trước 3 tuổi thì việc luyện nghe, học nói sẽ tốt. Thời gian để thực hiện việc cấy điện cực ốc tai cho Đức ngắn dần, vì cháu đã hơn 31 tháng tuổi.
Vợ chồng chị Thủy làm nhân viên ở một nhà hàng gần nhà với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Cách đây 3 tháng, chồng chị nghỉ việc, mượn mặt bằng, vay tiền mở quán ăn nhỏ, nhưng "trời chẳng thương", quán vắng khách.
Hiện, gia đình 4 nhân khẩu nhìn vào đồng lương hơn 5 triệu đồng của chị Thủy và tiền lãi từ gánh rau của bà nội bé Đức. Bình quân mỗi tháng, vợ chồng trẻ phải chi gần 10 triệu đồng để đưa bé Đức đi học nói, mua thuốc chữa trị.
"Tiền điều trị cho con, mở quán, đến giờ gia đình tôi nợ gần 200 triệu đồng. Quán không có khách nên tôi định đóng cửa, xin việc làm khác. Tôi cũng bàn với vợ bán nhà chạy chữa cho con, nhưng bán nhà rồi mẹ, vợ, con không còn nơi ở", anh Trung chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng khi bà Nguyễn Thị Ninh (62 tuổi) đi chợ về. Thấy bà nội, bé Đức chạy lại dắt bà đến chỗ chiếc ô tô đồ chơi, miệng ú ớ không nói được. Ôm cháu vào lòng, nước mắt bà cứ thế trào ra.
"Chồng mất, tôi gánh một khoản nợ lớn. Khi Trung lập gia đình tôi không giúp gì được con. Giờ cháu bị như vậy, tôi cũng bất lực", bà Ninh nói.
Ông Lữ Trọng Tú, Trưởng khu phố Xuân Phú, cho biết, vợ chồng chị Thủy lương thiện, hiền lành, chịu khó làm ăn. Từ khi con trai phát hiện bệnh câm, điếc bẩm sinh, gia đình chị lâm cảnh khó khăn.
"Biết tin cháu Đức phải phẫu thuật, bà con trong khu phố đã đến động viên, hỏi thăm nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ. Thông qua báo Dân trí, tôi mong độc giả của báo giúp đỡ gia đình chị Thủy có thêm kinh phí để chữa trị cho con", ông Tú bày tỏ.
Bác sĩ Đàm Thị Lan, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết, trường hợp của bé Đức tổn thương nghiêm trọng toàn bộ ốc tai dẫn đến điếc nặng. Vì điếc ở mức độ sâu nên việc đeo máy trợ thính không có tác dụng, bé phải cấy ốc tai điện tử mới nghe được.
"Chi phí để thực hiện cấy ốc tai điện tử lên đến gần nửa tỷ đồng/tai. Khi cấy xong, bé Đức phải theo học lớp học nói thêm 1-2 năm. Trong thời gian này, bố, mẹ phải đi học cùng con, trò chuyện với bé 5 tiếng/ngày", bác sĩ Lan nói.
Theo bác sĩ Lan, việc cấy ốc tai điện tử cho những bé bị câm, điếc bẩm sinh nên được thực hiện càng sớm càng tốt.