Con tâm thần nuôi mẹ già mù lòa

(Dân trí) - Trong căn nhà chật chội bà mò mẫm lần từng bước đi. Đã hơn 4 năm nay, bà phải sống trong bóng tối và sự nghèo đói triền miên. Mọi sinh hoạt của bà cũng trở nên thất thường vì người duy nhất chăm sóc cho bà lại là người con bị bệnh tâm thần.

Con tâm thần nuôi mẹ già mù lòa - 1

Mẹ con bà Liên trước ngôi nhà hiu quạnh.
 
Một gia đình có nhiều cống hiến cho Cách mạng

 

Ngôi nhà của bà Lâm Thị Liên (72 tuổi) và cô con gái Lê Thị Ngọc Dung (42 tuổi) mắc bệnh tâm thần nằm giữa cánh đồng hiu quạnh của ấp 6B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Tiếng là nhà, nhưng thực ra đó chỉ là một cái chòi được dựng lên từ vài cây gỗ cùng ván gép và mấy tấm tôn che phía trên. Chỗ ở của họ không có đường để đi vào.

 

Để đến thăm mẹ con bà Liên, chúng tôi phải lội tắt qua cánh đồng, men theo bờ của những ruộng rau muống. Cuộc sống của họ dường như đã trở nên tách biệt hẳn với thế giới sôi động bên ngoài. Chỗ ở của mẹ con bà cách xa với khu dân cư, nơi đó chỉ có vài cây dừa với dây leo và cỏ dại…

 

Thấy bước chân của những người lạ, bà Liên ngểnh tai lên nghe ngóng rồi gọi cô con gái. Bà lật đật mò mẫm từng bước từ chiếc giường ra ngồi trên chiếc võng đặt ngay ở cửa nhà. “Các chú là du kích hay sao mà lại đến đây?”, chị Dung con gái bà Liên từ gốc dừa ngoài vườn, đi vào oang oang hỏi chúng tôi. Rồi chị huyên thuyên thêm một tràng dài về những câu chuyện chẳng ai biết có từ đâu.

 

Lấy hai tay quờ quạng trước mặt, bà Liên ra hiệu cho cô con gái im lặng để mình tiếp chuyện khách. Đôi mắt vô hồn của người mẹ bỗng ngân ngấn nước: “Khổ lắm các chú ạ, đã hơn 20 năm nay nó vẫn như thế đấy, chạy chữa nhiều nhưng cũng chẳng có kết quả gì”. Chính bà Liên cũng không hiểu lí do vì sao con mình lại phát bệnh tâm thần.

 

Theo những lời kể của người dân nơi đây thì gia đình nội ngoại của bà Liên trong những năm chống Pháp và thời kỳ đầu chống Mỹ là gia đình nức tiếng giàu có. Họ vẫn thường nhắc đến ông Chí Vũ (ông nội bà Liên) và bà Ba vườn măng (má ruột bà Liên) để gợi lại sự giàu sang tột bậc của một gia đình mà nay đã bị chôn vùi vào dĩ vãng.

 

Đây là một gia đình có công với Cách mạng, bà Ba vườn măng trước kia, là người đã tận tay nuôi giấu nhiều cán bộ cốt cán của Đảng trong thời kỳ chồng Pháp. Gia đình bà vốn giàu sang và có quyền uy nên bọn giặc không giám tra xét, nhờ thế cơ sở của Đảng tại xã trong 9 năm kháng chiến đã được bảo toàn.

 

Bước sang thời kỳ chống Mỹ gia đình bà bắt đầu đi vào cảnh suy kiệt. Năm 1965 giặc Mỹ rải bom xăng đốt làng, tạo vành đai trắng, lập ấp chiến lược… Không chịu nổi bom đạn của kẻ thù, gia đình bà đã phải bỏ làng ra đi. Người anh rể cùng một anh trai của bà đi theo Cách mạng, đã bị giặc giết và hi sinh trong chiến đấu (năm 1973).

 

Cũng kể từ đó bà phải lang thang nhiều nơi để kiếm sống. Sau khi hòa bình lập lại, bà cùng chồng con trở về quê hương. Trên mảnh đất ngày xưa cha ông bà một thời vinh danh, đến khi bà trở lại nó chỉ còn là một bãi đất xơ xác bị cày nát bởi mưa bom bão đạn của quân thù.

 

Con tâm thần nuôi mẹ già mù lòa - 2

Ngôi nhà của họ nằm giữa cánh đồng tách biệt với khu dân cư.
 
Bệnh tật triền miên trong cảnh khánh kiệt

 

Anh em, mẹ cha và những người thân thiết nhất của bà Liên đã không còn một ai sau chiến tranh. Cuộc sống của bà những tưởng cũng sẽ tắt dần theo họ, nhưng bà vẫn cố gắng để sống. Tuy nhiên, những bi kịch trong gia đình đã liên tiếp giáng xuống. Sau khi sinh thêm được cậu con trai là Lê Minh Trung (1980) thì người con gái của bà bắt đầu đổ bệnh.

 

Chạy chữa liên miên qua nhiều bệnh viện, nhưng bệnh tình của con gái không chút thuyên giảm. Bà đã phải bán dần mảnh đất của cha ông để lại, lấy tiền chạy chữa cho con nhưng tất cả đều bất lực. Chưa dừng lại ở đó, ít năm sau người chồng lại đổ bệnh. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ kết luận ông bị bệnh ung thư. Để kéo dài sự sống cho chồng bà đã phải bán hết phần đất đai còn lại, chỉ chừa một khoảng nhỏ chơ vơ giữa đồng để ở.

 

Do bệnh tình quá nặng, chồng bà đã qua đời. Sau khi chồng mất, bà Liên lầm lũi một mình với cô con gái tâm thần. Câu con trai của bà lớn lên do không chịu nổi cảnh khổ nên đã bỏ mẹ con bà đi nơi khác sống, rồi lập gia đình riêng. Nhưng số phận trớ trêu vẫn không buông tha cho người mẹ già.

 

Hơn 4 năm về trước, bà Liên thấy mắt mình dần mờ đi, đầu óc tê buốt. Đến bệnh viên khám bà được các bác sĩ cho hay mình đã bị viêm não, nếu muốn cứu được đôi mắt bà phải mổ gấp, chi phí mổ lên đến hơn 10 triệu đồng. Nhắc đến chuyện cũ bà Liên tâm sự: “Mẹ con tôi từ đó đến nay ngay cả miếng ăn từng ngày còn không đủ nói gì đến số tiền cả chục triệu. Nhiều lúc tôi muốn tìm đến cái chết cho đỡ khổ, nhưng chết đi rồi con tôi nó biết sống với ai vì thế tôi đã ráng để sống”.

 

Cũng đã hơn 4 năm nay, bà Liên không còn được nhìn thấy ánh sáng, không còn được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của bà khép kín trong ngôi nhà rộng chưa đầy 20m2 mọi sinh hoạt của cá nhân bà đều trông chờ vào sự chăm sóc của người con gái tâm thần. Vì thế có những hôm chị Dung đổ bệnh, thì cả hai con người này sẽ cùng nhau nhịn đói.

 

Mặc dù gia đình có công với Cách mạng, nhưng không hiểu vì lý do gì, cho đến nay mẹ con bà Liên chưa nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ phía chính quyền địa phương. Có chăng cũng chỉ là những phần quà của các nhà hảo tâm mỗi khi họ ghé thăm bà con trong xã.

 

Chúng tôi ra về khi màn đêm đang dần buông xuống. Nhìn ngôi nhà bé xíu đứng hiu quạnh giữa cánh đồng, có lẽ ít ai biết đến trong ngôi nhà ấy có hai mảnh đời khốn cùng đang cố bấu víu lấy cuộc sống.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Bà Lâm Thị Liên - ấp 6B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Vân Sơn