Mã số: 240304
Con ốm, phụ huynh không dám đưa đến bệnh viện điều trị
(Dân trí) - Điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều gia đình không có tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế. Khi con bị ốm đau, họ bấm bụng để ở nhà đi mua thuốc ngoài điều trị...
Không có thẻ BHYT, con ốm không dám đưa đến viện
5h, anh Lê Hữu Duyên (43 tuổi, thôn Cát Lợi, xã Cát Tân, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đèo vợ và 2 con gái trên chiếc xe máy cà tàng vào làm cỏ trên đồi sắn của gia đình.
Ngoài trồng sắn, keo, vợ chồng anh Duyên đi hái măng, nhổ cỏ thuê. Công việc không thường xuyên, thu nhập bấp bênh, phải tiết kiệm mọi khoản chi tiêu vợ chồng anh Duyên mới đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Trước đây, gia đình anh Duyên thuộc hộ nghèo, được cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, tuy nhiên hiện nay, khi không còn thuộc diện được hỗ trợ, anh Duyên phải bỏ ra một khoản tiền để cả gia đình được tham gia BHYT.
Theo anh Duyên, dù thoát nghèo song cuộc sống gia đình anh còn nhiều khó khăn. Hiện, con trai đầu của anh Duyên đi làm thuê, hai cô con gái còn lại ở độ tuổi ăn học. Hơn 2 năm nay, cả 5 nhân khẩu trong gia đình đều không có thẻ BHYT.
Anh Duyên cho biết, vào năm học mới, vợ chồng anh phải lo nhiều khoản cho 2 con gái đi học, vì vậy mà anh không có tiền tham gia BHYT.
"Không có BHYT lo nhiều lắm, năm ngoái, các con ốm, vợ chồng tôi không dám đưa đến bệnh viện khám, bấm bụng để ở nhà, đi lấy thuốc về điều trị", anh Duyên nói.
Trước đây, khi còn được hỗ trợ thẻ BHYT, mỗi khi các thành viên gia đình bị ốm đau, anh đều đưa đến viện để khám, được tư vấn dùng thuốc. Mọi chi phí đều do bảo hiểm thanh toán, anh không phải chi tiền. Nay anh cũng muốn mua cho cả nhà nhưng ngặt nỗi không có kinh phí.
Ông Đinh Huy Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tân, cho biết trước đây, Cát Tân là xã 135 (vùng đặc biệt khó khăn), được "phủ" BHYT. Năm 2020, Cát Tân ra khỏi danh sách xã nghèo, từ đó chính quyền vận động bà con mua BHYT rất khó khăn.
"Bà con hiểu rất rõ vai trò, ý nghĩa của tấm thẻ BHYT. Ai cũng muốn sở hữu nhưng lại không muốn bỏ tiền. Hiện, toàn xã có 86% người tham gia BHYT. Cứ đà này, đến hết năm, xã Cát Tân khó đạt chỉ tiêu về BHYT. Câu chuyện tăng số lượng chiếc "thẻ vàng" chưa bao giờ gian nan đến vậy", ông Tuyến lo lắng.
Chương trình "Nâng bước đến trường - Trao tặng thẻ BHYT cho học sinh khó khăn" lần thứ 3 do báo Dân trí phát động được triển khai với mục tiêu trao tặng thẻ BHYT cho 1.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc trong năm học 2024-2025. Mỗi tấm thẻ là một món quà vô giá, mang đến niềm hy vọng về sức khỏe và tương lai tươi sáng cho các em.
Theo ông Tuyến, từ 1/7 nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho những gia đình, học sinh thuộc hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc. Thời gian qua, UBND xã liên tục thông báo, đến tận nhà tuyên truyền, vận động nhưng bà con vẫn từ chối tham gia vì không có kinh phí.
"Khi người dân không tham gia BHYT, không có "lá bùa hộ mệnh" cho sức khỏe, không những quyền lợi của họ trong khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng, mà còn tác động lớn đến việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương", ông Tuyến cho biết.
Bỏ tiền túi mua BHYT cho học sinh
Em Lê Thị Tiên, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Cát Tân, xã Cát Tân, huyện Như Xuân là một trong những học sinh không có thẻ BHYT. Tiên cho biết, bố mẹ vất vả, làm rẫy suốt năm tháng cũng chỉ đủ tiền mua đồ dùng học tập, quần áo cho em đến lớp.
"Có lần em bị sốt cao, uống thuốc mãi không khỏi, bố mẹ đưa đến bệnh viện. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao bố mẹ lại đưa em về nhà", Tiên nói.
Trường hợp của Tiên là một điển hình, theo thống kê, năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Cát Tân có hơn 60 học sinh không có điều kiện tham gia BHYT.
Bà Lê Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Tân, cho biết việc vận động phụ huynh mua BHYT cho học sinh ở miền núi rất khó khăn do không có kinh phí. Bên cạnh đó, nhiều người còn chủ quan với thẻ BHYT, chỉ khi có bệnh mới chạy đôn chạy đáo. Mặt khác, có gia đình đông nhân khẩu, không để đáp ứng hết việc ăn học của các con.
"Vì thương các em, mỗi dịp cuối năm, các thầy, cô thường bỏ tiền túi, tiền phần trăm khám chữa bệnh ban đầu để mua BHYT tặng cho học sinh. Chúng tôi mong rằng hành động này của thầy cô sẽ khuyến khích, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về ý nghĩa của BHYT", bà Liên chia sẻ.
Theo bà Liên, năm học 2024-2025, ngoài chất lượng đào tạo, việc hoàn thành chỉ tiêu BHYT đối với học sinh cũng được ngành giáo dục huyện Như Xuân đưa vào đánh giá xếp loại cuối năm. Bởi vậy, nhiều nhà trường không khỏi áp lực, lo lắng, sợ "hụt" chỉ tiêu.
Theo thầy Trương Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Tân, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia BHYT song đến hết năm học nhà trường cũng chỉ đạt 70-80% chỉ tiêu.
"Năm học 2023-2024, toàn trường có 207 học sinh, hơn 70 em không tham gia BHYT. Việc học sinh không tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi khi bị ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo phải vào cơ sở y tế điều trị. Với chi phí điều trị tốn kém, nhiều gia đình không thể lo đủ số tiền để chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, với nhiều bậc phụ huynh, gánh nặng kinh phí đang là rào cản", thầy Thanh tâm sự.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân, trên địa bàn có hơn 1.800 học sinh chưa tham gia BHYT.
Những năm qua ngành giáo dục đã phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của BHYT. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về BHYT còn nhiều hạn chế.
"Thông qua chương trình "Nâng bước em đến trường - Trao tặng thẻ BHYT cho học sinh" của báo Dân trí, chúng tôi mong rằng, học sinh ở Như Xuân sẽ được quý báo, bạn đọc quan tâm tặng thẻ BHYT, để các em có điều kiện tốt, cố gắng học tập", ông Đỗ Văn Chung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân bộc bạch.