Mã số 3335:
Chênh vênh cầu ván vùng kháng chiến U Minh - Cà Mau
(Dân trí) - Cây cầu ván bắc qua kênh Hương Mai (ấp 5, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) hơn 10 năm qua, giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi ngày có cả trăm lượt người đi qua lại, trong đó có nhiều em học sinh trong cảnh vừa đi vừa lo sợ trượt chân có thể ngã xuống sông bất kể lúc nào.
Huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp từng là vùng căn cứ địa cách mạng. Một số xã từng là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ chiến sĩ "nếm mật nằm gai" mà điển hình là xã Khánh Hòa có hầm trú ẩn của ông Võ Văn Kiệt mà sau này ông là Thủ tướng.
U Minh có nhiều kênh rạch chằng chịt, giao thông còn không ít khó khăn. Từ nhiều năm trước, địa phương đã vận động đầu tư xây dựng các cây cầu nông thôn, trong đó có cả cầu bê tông, cầu ván để người dân đi lại.
Cả chục năm qua, nhiều cây cầu ván đã xuống cấp, huyện còn khó khăn nên kinh phí sửa chữa rất hạn hẹp. Trong đó có cây cầu ván bắc qua kênh Hương Mai thuộc địa bàn ấp 5, xã Khánh Hòa.
Cầu ván hơn 10 năm đã "rệu rạo, già cỗi"
Cầu kênh Hương Mai là cầu giao thông quan trọng giúp nối liền trục lộ liên ấp của xã Khánh Hòa, tiếp giáp với xã Khánh Tiến. Cầu được chính quyền địa phương vận động Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Khánh Hòa và nhân dân xây dựng chủ yếu bằng cây gỗ tạm do không có nhiều kinh phí.
Qua hơn 10 năm sử dụng, cầu kênh Hương Mai hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa của người dân và các em học sinh địa phương mỗi khi đến trường.
Trực tiếp ghi nhận hiện trạng cầu kênh Hương Mai, phóng viên Dân trí thấy cây cầu ván đã quá cũ, nhiều chỗ bị hư, gãy. Cầu dài khoảng 40m, rộng 2m, bắc chênh vênh qua kênh Hương Mai như kiểu cầu treo. Chúng tôi rùng mình khi tận mắt thấy 4 sợi dây cáp treo rất nhỏ hiện đã rỉ sét được móc tạm bợ vào mặt cầu, có thể bung ra bất cứ lúc nào.
Cầu có cấu trúc như dạng cầu treo, với những sợi dây cáp chỉ bé tí.
...hiện nay dây cáp đã bị rỉ sét, được móc nối vào mặt thành cầu trông rất sơ sài.
Trong khi đó, 12 trụ cầu chỉ là 12 cây cột điện, trong đó nhịp giữa có 4 cây được bắt chéo bởi 4 thanh gỗ nhỏ với ốc vít bé tí để giữ thăng bằng. Mặt cầu là những tấm ván đóng đinh, được đỡ bởi các thanh gỗ nhỏ. Một trong 4 trụ điện đã bị nứt gãy, người dân phải dùng một cột bê tông chắp nối sơ sài làm trụ tạm.
Cùng khảo sát với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Khánh Hòa chia sẻ, nghĩ đến cảnh có trụ cầu bằng bê tông đã bị hư hại thì những trụ khác còn lại không biết sẽ ra sao, trong khi người dân qua lại mỗi ngày khiến chúng tôi không khỏi lo lắng.
Các trụ cầu chỉ là những cây cột điện được bắt chéo bằng thanh gỗ để giữ thăng bằng.
Một trụ chính ở nhịp giữa đã bị nứt, gãy hết sức nguy hiểm, người dân phải dùng một trụ đá khác để chắp tạm vào.
Một thanh gỗ bắt vào trụ bị mất ốc vít bung ra ngoài khiến cầu yếu hơn.
Một trụ khác nằm bên trong cũng đang bị mục nát.
Trụ đá chống đỡ tạm.
Ông Trịnh Văn Hứng (69 tuổi, nhà gần cầu) cho biết, ông sống ở đây mấy chục năm, chứng kiến cây cầu ván này dân đi lại rất nhiều. Ông cũng không nhớ rõ bao nhiêu lần dân sửa chữa tạm thời mỗi khi có tấm ván, thanh gỗ bị gãy. Ở vùng nước mặn nên qua hơn 10 năm thì cầu ván nào mà chịu nổi
“Cây cầu có nhược điểm nữa là sáng sớm có sương ướt đọng nước khiến mặt cầu trơn trợt, người dân có khi chạy xe bị trượt, còn mấy cháu học sinh thì chỉ dám dắt bộ mà qua nên bất tiện lắm chú ơi”, ông Hứng than thở.
Những thanh ván gỗ đã cũ, bị mục.
Một ốc vít bị tuột, đã rỉ sét.
2 bên đường lên cầu nhiều lần bị sụp lún.
Cả cây cầu dài khoảng 40m, đã có nhiều đoạn bị gãy ở thành cầu, dân chỉ chắp vá tạm, có chỗ lấy vải cột lại cho dính chứ không tác dụng gì. Đứng trên cầu, mỗi khi có xe chạy qua thì toàn bộ cây cầu gập ghềnh, cứ run lên bần bật. Với sức nặng của người, xe thì những tấm ván gỗ lâu ngày bị mục khó mà nói trước điều gì sẽ xảy ra?
Theo lãnh đạo xã Khánh Hòa và người dân địa phương, cây cầu ván này nếu không sớm sửa chữa hay thay thế thì khó đảm bảo việc qua lại hàng ngày an toàn của người dân và các em học sinh.
Thành cầu nhiều chỗ đã bị hư, gãy,...
Thành cầu cột tạm bợ bằng vải vào trụ.
Cây cầu ván này thường ngày có cả trăm lượt người dân và học sinh qua lại.
Có cầu mới dân sẽ mừng lắm
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Trịnh Văn Hứng (một người dân địa phương) cho biết, từ khi có cây cầu bắc qua kênh Hương Mai, dân nhờ được lắm. Người dân 2 bên sông, các xã lân cận có thể qua lại, giao thương hàng hóa để đời sống nhân dân phát triển, rồi các em học sinh có thể đến trường thuận tiện.
“Chú thấy đó, cây cầu ván này hiện nay không còn vững nữa rồi. Do đó, người dân chúng tôi rất mong có một cây cầu bê tông chắc chắn hơn để làm sao an tâm qua lại, không còn lo sợ gì kể cả mùa mưa, mùa nắng”, ông Hứng mong mỏi.
Trong khi đó, lãnh đạo xã Khánh Tiến (giáp với xã Khánh Hòa) cũng cho biết, hiện nay trên tuyến kênh Hương Mai chỉ có một số cây cầu nhỏ được xây dựng từ cách đây nhiều năm nên đã cũ, xuống cấp. Vì thế, xã cũng mong muốn xây một cây cầu mới rộng hơn bắc ngang kênh Hương Mai để xe ô tô có thể đi lại được.
Bộc bạch với chúng tôi, ông Dư Bé Ba- Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, huyện đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập huyện. Vì vậy, nếu được các mạnh thường quân hỗ trợ xây cầu mới thay thế cầu ván cũ sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhân lên niềm vui cho địa phương và bà con nhân dân.
Chính quyền địa phương và người dân mong mỏi có một cây cầu mới bằng bê tông chắc chắn hơn thay cây cầu cũ để an tâm đi lại.
Nhìn cây cầu ván chênh vênh giữa sông nước sâu, nhìn người dân qua lại trong nỗi lo lắng và các em học sinh “lọ mọ” dắt xe qua cầu,… chúng tôi thấy rằng sự mong mỏi có cầu mới của người dân và chính quyền cấp thiết biết chừng nào. Việc này cũng là thiết thực để xóa đi những nguy hiểm của cây cầu ván cũ đang trực chờ người dân và các em học sinh.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lâm Vũ An- Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết, địa phương cũng muốn xây một cây cầu mới nhưng kinh phí còn khó khăn. “Do đó, xã rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các mạnh thường quân đối với địa phương để làm lại cây cầu này, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân nơi đây”, ông An bày tỏ.
Theo UBND xã Khánh Hòa, nếu xây dựng cầu bêtông mới, dự kiến cầu dài gần 40m, rộng 2,2m. Kinh phí ước tính từ 300-350 triệu đồng.
Từ nhiều năm qua, với niềm tin yêu tuyệt đối của bạn đọc báo Dân trí, Hội Khuyến học Việt Nam, báo Dân trí điện tử đã xây dựng và đưa vào lưu thông 16 cây cầu mang tên "Cầu Dân Trí" trên toàn quốc.
Ngoài những cây cầu mang tên "Cầu Dân trí", bạn đọc đồng hành với báo Dân trí đã xây dựng hàng chục phòng học tại các điểm trường mang tên "Phòng học Khuyến học và Dân trí" tại các xã vung sâu, vùng xa với kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về
1. Mã số 3335.
2. Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 024. 3. 7366.491/ Fax: 024. 3. 7366.490
Email: nhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK:Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 0451000476889
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Dien tu Dan tri
Account Number: 0451370477371
Swift Code: BFTV VNVX 045
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 129 0000 61096
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VND tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)
Tên Tài khoản : Báo Điện tử Dân trí
Số Tài khoản : 2611 000 3366 882
Tại : Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam– Chi nhánh Tràng An
Địa chỉ : Số 11 phố Cửa Bắc, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; ĐT: 0436869656.
* Tài khoản USD tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)
Account Name : Bao Dien tu Dan tri
Account Number : 2611 037 3366 886
Swift Code : BIDVVNVX261
Bank Name : Bank for Investment and Development of Vietnam JSC,Trang An Branch
Address : No 11 Cua Bac Str.,Ba Dinh Dist.,Hanoi, Vietnam; Tel: (84-4)3686 9656.
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 0721101010006
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Bao Dien tu Dan tri
Số TK: 0721101011002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
* Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank:
- Tên tài khoản: Báo Điện tử Dân trí
- Số tài khoản VND: 1400206034036
- Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 0239.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0236. 3653 725
VP TPHCM: số 294 - 296 đường Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM. Tel: 028. 3517 6331 (Trong giờ hành chánh) hoặc số hotline 0974567567
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0292.3.733.269
Huỳnh Hải