Mã số: 5505
Bà liệt giường, 2 cháu bữa đói, bữa no, chị nghỉ học nhường em đến trường
(Dân trí) - Trong căn nhà tôn rỉ sét vỏn vẹn 40m2, 3 bà cháu đùm bọc nhau sống qua ngày. Cơm không đủ ăn, bà nội nằm liệt giường, Ngọc phải nghỉ học để dành tương lai cho em gái.
Mẹ bỏ đi, cha làm ăn xa, 2 chị em Ngô Thị Bích Ngọc (15 tuổi) và Ngô Nguyễn Gia Hân (12 tuổi) ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang thay nhau chăm sóc bà nội nằm liệt giường.
Trong căn nhà tôn rỉ sét tuềnh toàng chưa đầy 40m2, cơm không đủ ăn nhưng 2 chị em Ngọc vẫn nuôi ước mơ cháy bỏng, được học hành đến nơi đến chốn. "Em chỉ mong được đi học, sau này làm có tiền sẽ sửa lại nhà cho bà nội ở", Bích Ngọc chia sẻ với phóng viên.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (bà nội của Ngọc) bị dẹp đốt xương sống nên nằm ngồi gì cũng khó khăn (Ảnh: Bảo Trân).
Cổng Trường THCS Phú Lộc (xã Phú Lộc, huyện Vĩnh Xương, tỉnh An Giang) vừa đóng, Bích Ngọc vội vã thúc em gái Gia Hân vào lớp, rồi đi nhanh về nhà giặt giũ, lo cơm nước, thuốc men cho bà nội.
Mẹ bỏ đi khi Ngọc còn rất nhỏ, ba rời quê đi làm công nhân ở Đồng Nai, chị em Ngọc trưởng thành trong vòng tay của bà nội Nguyễn Thị Kim Hoa (SN 1960).
Năm 2023, bà Hoa bị dẹp đốt xương sống, những đợt điều trị dài ngày khiến gia đình vốn thuộc diện hộ nghèo lại càng khánh kiệt. Không còn đủ sức bao bọc chị em Ngọc lớn lên, bà Hoa cắn răng nhìn 2 cháu gái bữa đói, bữa no, đứa lớn nghỉ học nhường tương lai cho đứa nhỏ.

Ngọc vẫn nuôi ước mơ cháy bỏng, được đi học để sau này có tương lai tươi sáng (Ảnh: Bảo Trân).
Cứ nhắc đến cháu gái lớn, bà Hoa không ngừng xúc động. Bà kể, từ ngày con trai rời quê lên Đồng Nai làm công nhân, bé Ngọc ở nhà cáng đáng hết công việc trong ngoài.
"Sáng sớm nó dậy vệ sinh cho bà nội, rồi nấu cơm, quét nhà, giặt đồ... Tôi làm gì phải kêu Ngọc, một tay cháu gái chăm sóc từ ngày tôi nằm một chỗ", bà Hoa tâm sự.
Ngọc kể: "Lúc đầu em không biết làm nhưng ngày nào cũng làm, từ từ rồi cũng quen. Em sợ nhất là những lúc em gái bị bệnh, bà nội lên cơn đau, nhà không còn gạo mà cha không kịp gửi tiền về. Có những hôm mưa bão, tiếng tôn cũ rỉ sét cứa vào nhau át cả tiếng mưa, 3 bà cháu sống trong lo sợ".

Trong căn nhà tồi tàn của 3 bà cháu không có thứ gì đáng giá (Ảnh: Bảo Trân).
Đêm nào cũng vậy, cơm nước xong, Ngọc lại thủ thỉ cùng em gái. Mọi hoạt động của 2 chị em gói gọn trong gian bếp cũ, một bên là chỗ nấu ăn, bên còn lại lót miếng đệm mỏng, vừa là nơi để ngủ, vừa góc học tập.
Khi được hỏi về ước mơ hiện tại, Ngọc cười khiêm tốn rồi nói: "Em chỉ mong, 2 chị em được học hành. Sau này còn có nghề, đi làm có tiền sẽ sửa lại căn nhà cho bà nội ở".

Không gian này vừa là bếp, vừa là góc học tập, cũng là nơi để ngủ của chị em Ngọc (Ảnh: Bảo Trân).
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBMTTQ xã Phú Lộc (thị xã Vĩnh Xương, tỉnh An Giang) cho biết, đặc thù của Phú Lộc là địa bàn biên giới. Mặc dù diện tích đất của xã lớn, nhưng tỷ lệ hộ dân có đất chiếm khoảng 14%. Ở đây toàn người dân các địa phương khác đến canh tác. Người dân Phú Lộc chủ yếu làm thuê, làm công nhân.
"Hoàn cảnh của bà Hoa cũng là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương, 2 cháu gái không được cha mẹ chăm sóc, gặp nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Mặc dù thời gian qua địa phương nỗ lực thực hiện các trợ cấp chính sách theo quy định cho gia đình, nhưng điều kiện xã hội hóa ở địa phương còn hạn hẹp.
Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, bạn đọc Dân trí chung tay ủng hộ, đặc biệt là giúp đỡ hộ gia đình bà Hoa sớm có nơi ở ổn định, 2 cháu được đi học đến nơi đến chốn là chỗ dựa vững chắc để gia đình vươn lên thoát nghèo", ông Dũng nói.