"Nhịn ăn, nhịn mặc" mua iPhone
Thời điểm iPhone 15 ra mắt, cách đây tròn một năm, tôi đang ở Mỹ. Vài người bạn nhắn nhủ, khi nào về Việt Nam thì xách tay về giúp. Tôi nói cũng còn lâu mới về nên chắc lúc đó iPhone 15 bán đầy ở Việt Nam rồi, với lại cũng không có số tiền mặt lớn như vậy để mua nhiều iPhone 15. Sinh viên sống vừa đủ chi tiêu, dư dả đâu mua iPhone mới nhất được.
Tò mò quang cảnh mở bán iPhone ở Mỹ, tôi đi ngang qua Apple Store (cửa hàng bán điện thoại Iphone và các sản phẩm của hãng Apple) tại Boston và ghé vào xem.
Lượng người trong cửa hàng đông hơn thường ngày nhưng không có cảnh hàng dài xếp hàng như ở Singapore hay Thái Lan, không thấy dịch vụ "đặt chỗ" xếp hàng để mua hộ. Tôi nghĩ một phần vì để sở hữu iPhone ở Mỹ không phải chuyện khó, một phần vì "cơn sốt" iPhone không lớn như ở nhiều nước.
Trong một bài phân tích gần đây, dựa trên phân tích thu nhập bình quân đầu người, người ta thấy rằng với mức giá khởi điểm 28,99 triệu đồng của iPhone 16 Pro, một người Việt Nam trung bình phải mất 53,1 ngày lương mới có thể tiết kiệm đủ tiền để mua sản phẩm. Đây là mức giá khởi điểm, chưa kể những phiên bản có giá cao hơn rất nhiều. Ở vị trí đầu bảng xếp hạng, ví dụ như người dân Thụy Sĩ chỉ mất 4 ngày lương đã có thể mua được iPhone 16 Pro.
Đây là số liệu chỉ mang tính tham khảo nhưng cũng cho người đọc những cảm quan về mức độ đắt đỏ của sản phẩm iPhone trong tương quan thu nhập người dân.
Theo báo cáo của Counterpoint Research, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lượng người dùng iPhone ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2022. Tỷ lệ sử dụng iPhone tại Việt Nam năm 2023 cũng cao hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…. các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam. Từ những con số thống kê vĩ mô, tôi nhìn quanh bạn bè mình và thấy, rất nhiều người cũng lên đời iPhone mới rất nhanh khi sản phẩm mới ra mắt. Có những người bạn tôi nghĩ giá một chiếc iPhone sẽ bằng cả tháng lương của họ.
Tại sao nhiều người Việt thích iPhone đến vậy? Và cụ thể hơn tại sao nhiều người sẵn sàng chi trả cho một sản phẩm "ngốn" quá nhiều vào tài chính cá nhân đến vậy?
Tôi tin rằng mua sắm là một lựa chọn cá nhân và chúng ta cần tôn trọng, giống như mọi người vẫn nói "đừng dạy người giàu cách tiêu tiền". Nhưng dưới góc độ xã hội, bên cạnh những người thu nhập cao chịu chi cho các sản phẩm như iPhone, lý do gì khiến những người thu nhập còn khiêm tốn cũng sẵn sàng mua iPhone?
Là một người dùng iPhone ở mức độ phổ thông, tôi đánh giá cao sản phẩm ở nhiều khía cạnh: Giao diện dễ sử dụng và thân thiện với người dùng, hệ sinh thái tiện dụng với nhiều sản phẩm liên kết dễ dàng, sản phẩm bền với tuổi thọ nhiều năm, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt…. Đó là những đặc điểm kể cả người không có chuyên môn cao về công nghệ vẫn nhận thấy khi sử dụng iPhone. Tuy nhiên, ngần đó lý do chưa đủ để một người sẵn sàng thay iPhone như thay quần áo mỗi mùa.
Một trong những điều dễ thấy với việc người tiêu dùng mua iPhone nằm ở câu chuyện họ không chỉ mua một sản phẩm điện thoại thông thường. Apple không chỉ bán ra một chiếc điện thoại, họ bán ra "đẳng cấp" - hoặc chí ít đấy là những điều người mua tin rằng họ có thể nhận được khi sở hữu sản phẩm của Apple.
Sản phẩm giá càng cao, địa vị xã hội của bạn sẽ càng cao. Chính vì vậy, mỗi mùa Apple ra sản phẩm mới, chúng ta thường thấy những video đập hộp, bài đăng về việc mới xếp hàng khó khăn để sở hữu được iPhone, cận cảnh chiếc iPhone mới nhất trong tay. Ngay cả khi iPhone 16 Pro Max xách tay bị hét giá lên tới 79 triệu đồng, nhiều người vẫn bỏ tiền ra mua chỉ để sở hữu sớm hơn một đến hai tuần, trước khi sản phẩm này được bán ở Việt Nam.
Với những người đam mê công nghệ và những người có thu nhập tốt, sở hữu một chiếc iPhone đời mới nhất là điều hoàn toàn trong tầm tay. Nhưng khi phải đánh đổi cả tháng lương cho một chiếc iPhone, liệu đấy có phải một khoản đầu tư xứng đáng không là một câu hỏi cần cân nhắc, cho dù một cách cảm tính thì việc sở hữu sản phẩm xa xỉ được cho là biểu tượng cho việc vươn tầng địa vị xã hội.
Bản thân tôi mỗi khi nhận tháng lương mới, sau khi tính toán các khoản chi tiêu cơ bản, nếu dành ra một phần để mua sách, đọc báo trực tuyến (báo quốc tế, trả phí hàng tháng hoặc hàng năm), một phần nhỏ để tích lũy… thì số còn lại còn lâu mới dám nghĩ đến Iphone mới. Dĩ nhiên tôi không thể "nhịn ăn, nhịn mặc" và nhịn các khoản chi tiêu cần thiết khác cho Iphone mới, vì thực tế chiếc điện thoại cũ của tôi vẫn dùng tốt.
Tôi biết những người bạn sống bằng thẻ tín dụng đến lúc "vỡ nợ" phải chuyển các khoản nợ tín dụng thành khoản nợ trả góp, lay lắt tháng này qua tháng khác vì không quản lý được chi tiêu.
Đôi khi chúng ta tưởng rằng người khác sẽ đánh giá cao mình vì sở hữu một chiếc iPhone mới nhất hay một món đồ xa xỉ nào đó, nhưng có lẽ không mấy ai quan tâm nhiều đến vậy. Tôi không thể nhớ ai trong số bạn bè sở hữu chiếc iPhone mới nhất. Địa vị, đẳng cấp xã hội không chắc đã đi cùng với một chiếc iPhone, nhưng nhiều người lại có thêm một khoản nợ phải trả góp.
Việc sở hữu một món đồ xa xỉ có thể mang lại niềm vui ngắn hạn, nhưng sự bền vững tài chính là niềm vui dài hạn mà chúng ta nên cân nhắc.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!