Tâm điểm
Đức Nguyễn

Hàng hiệu và lương tháng

Xong việc, anh khách hàng mời tôi tạt qua quán bia quận 1 làm vài ly tâm sự thêm nhân buổi chiều thứ bảy đẹp trời.

"Xin chào hai anh, dạ hai anh muốn dùng gì ạ?" - Một cô gái tầm hai mươi tuổi chào đón chúng tôi với nụ cười thân thiện. Anh khách đi cùng tôi đặt chiếc điện thoại xuống bàn để nhận lấy chiếc menu cô bé đưa.

Một hình ảnh đập vào mắt và không khỏi khiến tôi suy nghĩ dưới góc độ một người làm về tài chính cá nhân. Đó là hình ảnh chiếc điện thoại anh khách đặt xuống bàn hình như là iPhone X, cũ kỹ và xước xát, còn cô gái đứng bên đợi anh gọi món thì dùng chiếc iPhone 15 "3 mắt" mới cóng.

Để mua được chiếc iPhone kia, cô bé chắc phải dành ra ít nhất sáu hay bảy tháng lương gì đó, tôi nhẩm tính với mức lương ở vị trí của em. Còn anh khách, cách đây ít phút thôi còn làm việc với tôi về dòng tiền nhiều tỷ và tài sản ròng lên đến vài trăm tỷ đồng.

Thực ra tâm lý thích dùng đồ công nghệ đắt tiền nói riêng và đồ hiệu nói chung là khá phổ biến. Mỗi người có quyền chi tiêu theo ý thích những đồng tiền mình kiếm được, miễn đó là đồng tiền chính đáng và đúng pháp luật.

Hàng hiệu và lương tháng - 1

Chạy theo hàng hiệu là một phần của vấn nạn tiêu dùng hiện nay (Ảnh minh họa: CV )

Là một chuyên gia huấn luyện tài chính, tôi không có xu hướng chống lại việc sử dụng đồ hiệu vì đồ hiệu thường được biết đến với những thiết kế tinh tế, trải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt với vật liệu cao cấp và độ bền lâu dài. Chính vì thế nhiều người có điều kiện, sẵn sàng đầu tư để sở hữu và trải nghiệm thứ giúp họ tiết kiệm thời gian, sự yên tâm, đảm bảo về sức khỏe cũng như gu thẩm mỹ của mình. Đây là điều không phải bàn cãi.

Người ta xem giá cả để mua hàng hiệu đóng vai trò như một khoản phí để họ có thể trưng bày logo của một thương hiệu danh tiếng, gắn với sự thành công và đẳng cấp với thương hiệu, hình ảnh của cá nhân mình. Thông qua món hàng họ sở hữu như một tuyên ngôn về giá trị bản thân và vị thế của mình. Chính vì thế giá trị của những món hàng đắt tiền hay hàng xa xỉ nằm ở những lợi ích bên ngoài mà nó đem lại. Ví dụ với nhiều bạn trẻ thì cầm trên tay chiếc Iphone đắt tiền mang lại sự tự tin, chứ không phải chỉ vì chức năng của một chiếc điện thoại thông minh.

Vấn đề là với cá nhân cũng như tổ chức, nếu sở hữu nguồn lực dồi dào thì việc chi tiêu vào các món đồ đắt đỏ sẽ không quá ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Nhưng nếu cá nhân hay tổ chức nguồn lực khiêm tốn mà vung tay quá trán, không sớm thì muộn sẽ thiếu trước hụt sau, chi quá nhiều cho các khoản thường xuyên và nặng gánh chi tiêu dùng, tất yếu sẽ dẫn đến việc nguồn chi cho phát triển bị ảnh hưởng, bị cắt xén… Với một con người cụ thể thì chi phát triển có thể hiểu chính là các khoản chi cho học hành, sức khỏe.

Hay nói cách khác, nếu bạn thực sự giàu có, tiền không phải là thứ bạn phải nghĩ ngợi thì cứ tùy nghi sử dụng tiền theo cách bạn thích vì đó là tiền của bạn. Nhưng nếu bạn còn phải cân nhắc giữa các lựa chọn tài chính trong cuộc sống thì việc đua đòi hàng hiệu sẽ mang lại những vấn đề lớn.

Chạy theo hàng hiệu là một phần của vấn nạn tiêu dùng hiện nay. Nhiều người tin rằng để thành công, họ cần phải sở hữu những thứ giống như các ngôi sao, diễn viên. Để đạt được đẳng cấp đó, việc sở hữu các món đồ xa xỉ dường như trở thành điều cần thiết. Họ tin rằng những món đồ này sẽ mang lại sự tự tin và hạnh phúc, nhưng thực tế, họ đã rơi vào "bẫy tiếp thị" của các thương hiệu lớn. Sự thật là nhiều diễn viên, người mẫu, ca sĩ đều được trả tiền để quảng bá cho những sản phẩm này ngay từ đầu.

Giá trị hay vị thế của một con người không thể được đánh giá qua những thứ người đó sở hữu, và đồ vật vốn sinh ra là để sử dụng, ta là chủ của chúng chứ không phải ngược lại. Nhiều người khi sử dụng những đồ hàng hiệu lại sinh ra tâm lý lo lắng, sợ hãi thường xuyên vì sợ món đồ của mình hư hại, mất mát hay không còn hợp thời và trở thành "nô lệ" cho nó tự lúc nào.

Chạy theo hàng hiệu một cách mù quáng có thể mang lại nhiều hậu quả tiêu cực đối với tài chính cá nhân, đặc biệt là với những người không đủ khả năng tài chính để duy trì lối sống xa xỉ này.

Việc tích lũy nợ là một hệ quả phổ biến, khi mua sắm hàng hiệu không phù hợp với thu nhập thường dẫn đến việc vay mượn hoặc sử dụng thẻ tín dụng, gây ra tình trạng nợ nần chồng chất. Hơn nữa, chi tiêu quá mức cho hàng hiệu sẽ làm giảm khả năng tiết kiệm, khiến bạn khó khăn trong việc xây dựng quỹ dự phòng hoặc đầu tư cho tương lai. Cố gắng theo đuổi lối sống xa xỉ có thể gây ra áp lực tài chính lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, khi dành quá nhiều sự quan tâm cho hàng hiệu, bạn vô tình đánh mất chính mình, đánh đồng giá trị của mình với những thứ bạn sở hữu mà quên đi việc trau dồi, phát triển bản thân và sống cho chính mình. Chúng ta thường hay dùng những đồng tiền mình chưa thực sự có để mua những thứ mình không thực sự cần để gây ấn tượng với những người ta không thực sự quen biết.

Để vượt qua, trước hết bạn cần xác định rõ giá trị của chính mình, đặt câu hỏi về vai trò của hàng hiệu đối với bạn. Điều gì làm bạn hạnh phúc và viên mãn thực sự? Thứ hai, lên kế hoạch tài chính rõ ràng, bao gồm các mục tiêu tiết kiệm và đầu tư dài hạn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu và tránh lãng phí tiền bạc.

Hãy thông thái dừng lại ở giá trị thực sự của hàng hiệu, đơn thuần là sản phẩm có chất lượng cao và thiết kế tinh tế, chúng ta sử dụng nó vì lợi ích cho chính mình thay vì để gây ấn tượng với người khác.

Vậy làm thế nào để phòng tránh việc chi tiêu vì người khác? Hãy nằm lòng các câu hỏi sau trước khi mua sắm bất kỳ món hàng nào:

Nếu như không có ai biết việc tôi mua món đồ này, liệu tôi vẫn mua nó chứ?

Nếu tôi không đăng những thứ này lên mạng xã hội, liệu tôi vẫn muốn nó chứ?

Nếu món đồ đó bị hỏng, điều này sẽ ảnh hưởng tới tôi như thế nào?

Tôi có tin rằng tôi sẽ cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc hơn nếu như tôi mua món đồ này?

Sự hấp dẫn của hàng hiệu là không thể phủ nhận, nhưng chính sự thấu hiểu về giá trị thực sự của bản thân, tỉnh thức và thói quen cân nhắc kỹ lưỡng sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt, đảm bảo rằng mỗi khoản chi tiêu đều mang lại giá trị, không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần và cuộc sống.

Đừng để những biểu tượng vật chất điều khiển cuộc sống chúng ta.

Tác giả: Đức Nguyễn là chuyên gia đào tạo & huấn luyện tài chính được chứng nhận bởi Hội đồng Giáo dục Tài chính Mỹ (NFEC - National Financial Educators Council); chuyên gia huấn luyện được chứng nhận Certified Professional Coach của Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF).

Ông có 10 năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn & quản lý đội ngũ tư vấn tài chính tại Citibank, Standard Chartered bank và Vndirect; 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, huấn luyện tài chính và quản trị gia sản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!