Dự án cấp bách và yêu cầu "vượt nắng, thắng mưa"
Những ngày cuối tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hiện trường, kiểm tra thi công và tặng quà động viên các lực lượng thi công dự án xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 trên địa bàn 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 9 địa phương để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án nêu trên từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) với yêu cầu dứt khoát "chậm nhất 30/6 phải hoàn thành dự án".
Đây là dự án gồm 4 dự án thành phần, dài khoảng 519 km với 1.179 vị trí móng cột, tổng mức đầu tư ước tính 22.000 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.
Tại các nơi đến kiểm tra, Thủ tướng đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của đường dây 500kV mạch 3 kéo dài: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, quy mô tương đối lớn (gần 1 tỷ USD), đi qua nhiều địa phương, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, góp phần không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ năm 2023, nhất là đối với khu vực miền Bắc.
Hoạt động trên của lãnh đạo Chính phủ diễn ra trong dịp giáp Tết Nguyên đán, trong bối cảnh chúng ta vừa bước qua năm 2023 - năm xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ mặc dù tổng công suất nguồn điện không thiếu (khoảng trên 75.000 MW, trong khi nguồn khả dụng khoảng 50.000 MW).
Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ sớm, từ xa về tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo có ý nghĩa quan trọng.
Cách đây đúng một tháng, khi phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An đã trải lòng về năm 2023 - một năm "không trọn vẹn" của ngành.
EVN đồng thời được giao trách nhiệm là đơn vị mua duy nhất trên thị trường. Ông An cho hay, khi đã là người mua duy nhất thì việc để xảy ra thiếu điện, nhiều cán bộ bị xem xét trách nhiệm, bị xử lý theo quy định là "bài học đắt giá", điều này cũng đặt ra nhiệm vụ rất cam go của toàn ngành điện trong những năm sắp tới, cho đến khi an ninh năng lượng trên toàn quốc và các vùng được đảm bảo.
Từ thực tế diễn ra trong những năm gần đây, nỗi lo về thiếu điện trong năm 2024 vẫn hiện hữu. Câu chuyện này được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đề cập liên tục từ giữa năm ngoái cho đến nay. Tại khu vực miền Bắc, dự báo nguy cơ có thể thiếu 1.200-2.500MW, nhất là cao điểm hè từ tháng 5 đến tháng 7.
Nguyên nhân để xảy ra thiếu điện cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích.
Thứ nhất là nắng nóng.
Tình trạng nắng nóng cực đoan do hiện tượng El Nino làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, giảm lưu lượng nước về các hồ thủy điện so với bình thường... Nguyên nhân bao trùm này khiến không chỉ Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu điện mà các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng phải đối mặt.
Thứ hai là nhu cầu tăng nhanh và tăng cao.
Cuộc sống càng hiện đại và phát triển, người người nhà nhà càng sử dụng thiết bị điện nhiều hơn. Từ bếp từ, lò nướng, đến máy giặt, máy sấy, điều hòa, bình nóng lạnh, tủ lạnh, tủ đông… Tại nhiều tòa cao ốc lớn, không những mỗi phòng có một điều hòa riêng mà còn vận hành hệ thống điều hòa tổng, chỉ bước chân vào sảnh nhiệt độ đã hạ sâu so với bên ngoài.
Bên cạnh đó, nguồn điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh phải luôn được đảm bảo. Doanh nghiệp có mục tiêu hồi phục, tăng trưởng mạnh thì nhu cầu điện càng tăng.
Thứ ba là vấn đề nguồn cung.
Cơ cấu nguồn điện ở miền Bắc hiện nay có 48% là nhiệt điện, 43% là thủy điện và 9% là điện tái tạo; trong khi con số này ở miền Nam tương ứng là 48,5%, 11,4% và 40,1%. Như vậy, đặc trưng nguồn điện ở miền Bắc lệ thuộc lớn vào nhiệt điện và thủy điện.
Thủy điện thì phụ thuộc vào nguồn nước. Năm ngoái, do mưa ít, lượng nước thượng nguồn về rất hạn chế đã khiến mực nước ở nhiều hồ lớn về gần mực nước chết, hình ảnh các hồ thủy điện cạn trơ đáy không còn xa lạ với người dân. Trong khi đó, đặc tính của các nhà máy thủy điện không thể phát 100% toàn bộ lượng nước có trong hồ chứa mà vẫn phải dự trữ để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước cho người dân.
Ở những thời điểm nguy cấp, có những nhà máy thủy điện như Lai Châu, Sơn La phải chạy máy tối thiểu ở mực nước chết, tiềm ẩn rủi ro vận hành.
Thế nên chỉ cần trong năm mưa không thuận, gió không hòa, nguy cơ thiếu điện là rõ.
Còn về điện than. Giữa năm 2023, do vận hành ca liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài, hàng loạt tổ máy gặp sự cố. Mà đã gặp sự cố thì phải mất thời gian khắc phục, sửa chữa để khởi động lại. Như vậy, trụ cột điện than cũng có những rủi ro ở mức độ nhất định.
Thêm vào đó, giá nhiên liệu thế giới chịu ảnh hưởng của điều kiện xung đột ở một số khu vực bị đẩy lên mức cao, dẫn tới việc mua nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn, EVN rơi vào thế bán lỗ.
Thứ tư là năng lực của hệ thống truyền tải còn yếu kém, lưới điện vận hành còn khó khăn.
Miền Trung và miền Nam có điều kiện phát triển các dự án điện tái tạo, nguồn điện ở các khu vực này dồi dào, thậm chí dư thừa vì nhiều nơi có nhu cầu dùng điện thấp (đặc biệt miền Trung). Vậy nhưng lưới truyền tải Bắc-Nam không tải nổi. Hơn nữa, nguồn điện tái tạo cũng chỉ trong 3-6 tháng chứ không phải quanh năm.
Qua đó để thấy để giải bài toán thiếu điện, nhằm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân cần rất nhiều yếu tố.
Để có thể hoàn thành được chỉ tiêu đặt ra cho năm 2024 với tốc độ tăng GDP khoảng 6-6,5%, cao hơn đáng kể so với năm 2023, thì áp lực đặt lên ngành điện là không nhỏ. Điện là mạch máu của nền kinh tế, gần như mọi hoạt động đều gắn với sử dụng điện, nên thật khó tăng trưởng tốt nếu không cung ứng đủ điện.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc - khi trao đổi với báo chí mới đây đã thừa nhận rằng, công tác cấp điện cho miền Bắc còn gặp "rất nhiều khó khăn" khi nguồn điện được bổ sung nội miền là không đáng kể.
Trong khi đó, phụ tải miền Bắc dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới khi kinh tế phục hồi và nhiều khách hàng mới đăng ký công suất lớn sẽ vào vận hành tại các khu vực: Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nghệ An… và còn nhiều doanh nghiệp FDI lớn đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư, phát triển.
Chính vì vậy, đối với dự án đường dây 500kV mạch 3, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều rất quan tâm. Thời điểm này dù chưa tới Tết Nguyên Đán, chưa bước sang năm Giáp Thìn nhưng thực tế chúng ta đã "tiêu hết" 1 tháng đầu tiên của năm 2024. Tính ra chỉ còn 4 tháng để hoàn thành dự án theo yêu cầu đề ra.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động, sáng tạo, khẩn trương thi công, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, tiến độ, tiết kiệm, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", thi công "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên lễ, xuyên Tết", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương".
Với điều chỉnh giá điện 2 lần trong năm 2023 vừa qua, góp phần đảm bảo cho EVN có tình trạng tài chính tốt hơn, có nguồn tiền chi trả cho các nguồn điện từ khối tư nhân. Và như vậy, người dân đã chấp nhận trả mức giá cao hơn để mua điện và quyền lợi sử dụng điện. Ngành điện vì vậy không được phép phụ kỳ vọng của các cấp có thẩm quyền cũng như của người dân.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!