Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Đầu tư tiền tỷ học thạc sĩ ở nước ngoài: Nên hay không?

"Chán làm sẽ đi học Thạc sĩ" trở thành câu nửa đùa, nửa thật với nhiều người trong giới văn phòng. Đằng sau câu đùa đó là những mong muốn thực tế, bằng thạc sĩ là bước đệm để có thể làm Tiến sĩ sau này, hoặc hỗ trợ để có một công việc tốt hơn, được lên lương… 

Những mong muốn trên chính đáng vì để bỏ ra hai năm đi học Thạc sĩ ở nước ngoài, cùng với số tiền đầu tư lên đến vài tỷ đồng, thì "nhà đầu tư" có quyền kỳ vọng vào giá trị thu lại được.

Với cá nhân tôi, thời điểm trước khi đi du học, mục tiêu không nằm nhiều ở việc tăng lương thưởng. Tôi muốn học một lĩnh vực mới để nâng cao chuyên môn cũng như có cơ hội giảng dạy tại đại học. Đó là một quyết định được cân nhắc sau vài năm đi làm cùng một định hướng rõ ràng, không phải vì chán việc nên đi học. Nhiều người nói đầu tư học Thạc sĩ các ngành nhân văn - xã hội là một sự lãng phí khi không "hồi vốn" nhanh. May mắn, tôi nhận được học bổng toàn phần cho việc du học Thạc sĩ nên có thể tập trung vào việc học.

Đầu tư tiền tỷ học thạc sĩ ở nước ngoài: Nên hay không? - 1

Học Thạc sĩ đang trở thành một "làn sóng" tại nhiều quốc gia (Ảnh minh họa: CV)

Còn với các "nhà đầu tư" tự bỏ tiền để học thạc sĩ thì sao? Các thống kê cho thấy tấm bằng Thạc sĩ nhiều khi không thực sự đáp ứng được kỳ vọng.  

Học Thạc sĩ đang trở thành một "làn sóng" tại nhiều quốc gia. Theo tờ The Economist, trong 10 năm từ 2011-2021, số lượng sinh viên theo đuổi bậc sau đại học tại Mỹ đã tăng 9%, trong khi số lượng sinh viên theo bậc cử nhân giảm 15%. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng người học Thạc sĩ và Tiến sĩ cũng tăng dần đều trong những năm qua. 

Khảo sát của The Economist cho thấy việc học Thạc sĩ đúng là có thể mang lại thu nhập trung bình tốt hơn cho sinh viên, nhưng con số này không đáng kể. Tại Mỹ, nhân sự với bằng đại học có thu nhập trung bình cao hơn 70% so với người tốt nghiệp trung học. Những người tốt nghiệp bậc Thạc sĩ sẽ có mức thu nhập trung bình cao hơn cử nhân khoảng 10%.

Tất nhiên, đây đều là những con số trung bình, đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ thành công xuất chúng trong khi số khác sẽ không thể vươn xa với tấm bằng Thạc sĩ.

Năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Tài khóa (Institute for Fiscal Studies) London kết luận rằng, khoảng 1/5 người có bằng cử nhân sẽ có cuộc sống tài chính tốt hơn nếu họ không chọn theo học Thạc sĩ tiếp. Những nghiên cứu gần đây về khoản đầu tư cho tấm bằng Thạc sĩ của IFS cho thấy, trước tuổi 35, những người có bằng Thạc sĩ kiếm không nhiều hơn so với những người chỉ có bằng đại học. 

Việc chọn ngành nào cho bậc Thạc sĩ cũng đóng vai trò quan trọng. Tại Mỹ, người tốt nghiệp Thạc sĩ các ngành như Khoa học máy tính và công nghệ sẽ sớm "hồi vốn" và có cơ hội thu nhập tốt. Trong khi đó, câu chuyện một số ngành không được suôn sẻ như vậy. Nam giới Anh tầm tuổi 35 với bằng Thạc sĩ chuyên ngành Chính trị kiếm ít hơn 10% so với các đồng sự cùng chuyên ngành với bằng đại học. Con số trên là 20% với ngành lịch sử và khoảng 30% với ngành Ngôn ngữ Anh.

Những con số trên ghi nhận từ nghiên cứu tại các quốc gia có nền giáo dục bậc nhất thế giới, cũng là nơi nền "công nghiệp" giáo dục phát triển, thu hút sinh viên toàn cầu tới học trong đó có Việt Nam. Là một người tốt nghiệp Thạc sĩ tại Mỹ, những con số trên không khiến tôi "chùn bước" nhưng nó sẽ giúp mọi người có góc nhìn thực tế hơn từ việc học Thạc sĩ, và giá trị của việc học Thạc sĩ mang lại, đặc biệt khi quay trở lại Việt Nam. 

Thứ nhất, hãy xác định rõ ràng mục tiêu khi quyết định học Thạc sĩ, cụ thể hơn là việc du học nước ngoài.

Nhiều người chọn đi học Thạc sĩ để nâng cao kiến thức và chuyên môn nhưng không ít lựa chọn học Thạc sĩ vì… không tìm được việc, hoặc loay hoay giữa thị trường lao động không tìm ra lối đi tiếp theo. Trong một số ngành nghề, không biết từ bao giờ đã có những quy tắc ngầm về việc Thạc sĩ là tiêu chuẩn tuyển dụng. Đi học Thạc sĩ như một "liều thuốc" cho sự bất an của nhiều lao động trẻ, dù trên thực tế liều thuốc đó có giải quyết được cho câu chuyện việc tốt, lương cao hay không lại là một câu chuyện khác. 

Nếu việc học để mưu cầu tri thức, hãy chắc chắn rằng bạn có thể tìm kiếm học bổng hoặc gia đình có thể hỗ trợ cho việc học Thạc sĩ. Nếu việc học Thạc sĩ với mong muốn tăng thu nhập khi trở về nước hoặc tìm việc ở nước ngoài, hãy thử giải bài toán xem khoản nợ vài tỷ đồng bạn bỏ ra có xứng đáng với thu nhập tăng thêm. Thị trường lao động hiện nay cũng khá mở để ứng viên có thể biết mức lương với trình độ Thạc sĩ trong một số ngành cụ thể. Từ đó, bạn sẽ có con số để so sánh và tính toán phù hợp. 

Thứ hai, đừng coi Thạc sĩ là một "tấm khiên" giúp bạn an toàn trong bối cảnh thị trường lao động luôn thay đổi không ngừng. Tấm bằng không làm tăng giá trị của bạn lên nhiều bằng năng lực bản thân. Hãy chuẩn bị sẵn một tâm thế vững vàng và chấp nhận việc đôi khi những kỳ vọng của bản thân sẽ khác xa so với thực tế có thể mang lại. Tấm bằng Thạc sĩ không phải là bảo chứng cho một công việc trong mơ, đặc biệt khi số lượng người học Thạc sĩ ở Việt Nam tăng cao dần theo từng năm.

Thứ ba, đừng chạy theo việc học Thạc sĩ chỉ vì "ai cũng đi học Thạc sĩ". Thường những con đường tốt nhất không phải con đường ai cũng chạy theo. Nếu không biết vì sao mình muốn học Thạc sĩ, hãy cứ tự tin tìm một con đường khác phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh. 

Tác giả: Bùi Minh Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông từ đại học Clark, Mỹ; hiện đang là quản lý truyền thông cho một công ty công nghệ đồng thời là giảng viên đại học. Anh cũng là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách xuất bản tại Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!