CEO TPBank: Cơ hội của doanh nghiệp trong CMCN 4.0 là bình đẳng
"Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang trong một cuộc chơi bình đẳng, những người đi sau thì cũng có thể đón đầu và doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể bắt kịp cuộc CMCN 4.0", ông Nguyễn Hưng – TGĐ của TPBank cho biết.
Trong diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất" - sự kiện do Vneconomy tổ chức vào chiều 7/4 vừa qua, ông Nguyễn Hưng là một trong những diễn giả hiếm hoi đưa ra sự lạc quan: doanh nghiệp Việt có khả năng bắt kịp cuộc CMCN 4.0 - Industrial Revolution 4.0 (I4.0) và tiệm cận "Doanh nghiệp 4.0", chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn riêng với TĐG TPBank để chia sẻ nhiều hơn với độc giả về vấn đề này.
P/v: Tại diễn đàn, nhiều người không tin lắm vào việc Việt Nam sẽ bắt kịp I4.0 và sẽ có những doanh nghiệp 4.0, ông lại nghĩ khác, tại sao vậy?
Ông Nguyễn Hưng: Tôi cho rằng chúng ta đều bình đẳng, những người đi sau thì cũng có thể đón đầu. Mọi người không nên lo sợ rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nó ghê gớm hay đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng nó ở từng phần, từng việc một, không nhất thiết đầu tư một nguồn lực lớn, tài chính lớn để làm việc đó, trong khi giá thành các sản phẩm, giải pháp thì đang ngày càng rẻ hơn. Cơ hội đang dành cho mọi người, từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn và cho mỗi cá nhân,
Chẳng hạn, cách đây chục năm thôi, muốn làm một đoạn video có nội dung phải cần tới máy quay, máy tính cồng kềnh, giờ đây iPhone có thể làm tất cả, từ việc quay cho đến xử lý những đoạn video 4K mà không gặp vấn đề gì, cùng với điều đó thì cơ hội trở thành nhà sản xuất phim đang đến gần hơn với tất cả mọi người.
Theo ông, để trở thành những doanh nghiệp 4.0 như ông nói, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Doanh nghiệp 4.0 hay là những doanh nghiệp có hàm lượng số hoá cao, trước hết phải có lãnh đạo là những "lãnh đạo số", đó là những người có quyết tâm, có tầm nhìn và có tri thức trong việc ứng dụng những công nghệ như trí thông minh nhân tạo, thu và xử lý big data... vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp, tối ưu nhất hai bài toán chi phí và lợi nhuận.
Ngoài ra, lãnh đạo số cũng phải là người nhạy bén trong việc thích ứng với xu hướng phát triển chung, để đưa doanh nghiệp không trở thành số 1 cũng ngang hàng, không bị tụt lại so với các đối thủ. Tất nhiên đó chỉ là điều kiện "cần", sẽ còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện "đủ" để các doanh nghiệp đi lên 4.0 như nguồn tài chính ban đầu, nguồn nhân lực…
Ông có cho rằng mình là một "lãnh đạo số" hay không?
Để công bằng, tôi nghĩ nên để cho mọi người đánh giá về điều đó. Trong lĩnh vực ngân hàng số, tôi chúng tôi đã có những bước đi trước, TPBank đang là ngân hàng duy nhất sở hữu hệ thống ngân hàng LiveBank tại Việt Nam, cũng chỉ có vài nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… đang ứng dụng hệ thống ngân hàng tự động tương tự, chúng tôi cũng có những tiện ích công nghệ mới như bảo mật vân tay với ngân hàng số eBank, thanh toán dịch vụ qua eBank...
TPBank hiện vẫn đang tiếp tục nỗ lực số hoá các phương thức tương tác giữa ngân hàng và khách hàng, xây dựng "paperless office – văn phòng không sử dụng giấy tờ"... giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giao dịch. Chẳng hạn, tại TPBank, có tới 2/3 giao dịch là giao dịch số, với chi phí thấp hơn khoảng 30 lần so với giao dịch truyền thống, điều này góp phần làm giảm chi phí vận hành, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Mặt khác, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng ứng dụng những công nghệ mới hơn vào các sản phẩm, dịch vụ, một khi các quy định hiện hành cho phép.
Trong diễn đàn, tôi thấy mỗi khi có câu hỏi khảo sát tại chỗ về việc liệu doanh nghiệp Việt đã nhìn nhận đúng về I4.0 hay có thể bứt phá nhờ I4.0 hay không? thì số nhiều luôn nghiêng về vế hoài nghi, hoặc không thể, số còn lại thì ít hơn rất nhiều, ông có sợ rằng những CEO như ông quá cô đơn và sẽ khó có thể thay đổi được tình hình?
Tôi nhớ rằng, kết quả luôn nằm đâu đó ở mức khoảng 58% ở mức hoài nghi, 34% ở mức tích cực và 8% là "không biết", hoặc "không quan tâm". Tôi rất ấn tượng với quan điểm của anh Hùng (ông Nguyễn Mạnh Hùng – TGĐ Tập đoàn Viettel), từ 10 – 30% sẽ chỉ là phe có sức tác động, nhưng trên 30% là con số có thể đẩy lùi phe còn lại.
Hệ thống ngân hàng tự động LiveBank của TPBank có thể thực hiện hầu hết các giao dịch như một ngân hàng truyền thống
Vậy còn những khó khăn thì sao thưa ông?
Sẽ có một vài khó khăn, khó khăn lớn nhất nhiều khi đến từ các quy định vốn được xây dựng để quản lý, thúc đẩy thị trường nhưng chậm được bổ sung, khi nó cần sửa đổi hoặc thậm chí là cần phải thay thế bằng những quy định khác, điều này có thể gây "trói tay" doanh nghiệp.
Chẳng hạn, công nghệ hiện nay có thể cho phép xác thực qua các kênh điện tử, nhưng những kênh xác thực như chữ ký số qua màn hình cảm ứng... vẫn chưa được công nhận, mặc dù đã có những chuẩn bảo mật giúp xác nhận các giao dịch ngân hàng mà không cần phải chữ ký tươi, cũng không cần phải sự có mặt trực tiếp của các nhân viên ngân hàng tại quầy giao dịch.
Nguyễn Dương