Ủng hộ hàng Việt để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới

Người Hàn tự hào vì có Samsung. Người Nhật có Toyota. Người Đức có Mercedes. Người Phần Lan có Nokia. Còn người Việt vẫn đang chờ đợi và mong mỏi, một ngày nào đó sẽ có những doanh nghiệp Việt thành công trên thị trường quốc tế.

Các nhà sản xuất nói gì?

Một thực tế không thể phủ nhận là tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có bất kỳ một tập đoàn nào có thể đứng ngang hàng với những Samsung hay Toyota. Nền công nghiệp Việt Nam đang đi sau các quốc gia phát triển hàng chục năm.

Mặc dù vậy, không thể nói là chúng ta không có những thành tựu. Người Việt đang cho ra đời những sản phẩm bắt kịp với xu hướng và trình độ của thế giới.

Tháng 11/2014, sản phẩm con chip vi xử lý 8 bit của nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia Tp.HCM đã giành giải Nhất tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt.

Chỉ ít ngày sau đó, một công ty công nghệ trong nước là VNPT Technology cũng đã chính thức tung ra thị trường 2 mẫu smartphone thuần Việt do chính công ty này sản xuất từ A đến Z.

Smartphone VIVAS Lotus S2 mới ra mắt của VNPT
Smartphone VIVAS Lotus S2 mới ra mắt của VNPT
 (Ảnh: www.vnptsmartphone.vn)


Ngành công nghệ và công nghiệp Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên đầy nỗ lực trong việc chứng minh khả năng của người Việt không hề thua kém các quốc gia khác như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nếu như trước đây nhắc đến Việt Nam là nhắc đến quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê hay hạt điều, thì bây giờ điều đó đã có phần thay đổi. Việt Nam bắt đầu có tên trên bản đồ công nghệ của thế giới. Và rõ ràng, kỳ vọng về một tương lai sáng sủa cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới là hoàn toàn có cơ sở.

Thạc sỹ Ngô Đức Hoàng, trưởng nhóm nghiên cứu ICDREC đã trả lời phỏng vấn với báo chí ngay sau khi đoạt giải: “Chúng tôi tin rằng, sau khi mất 5 năm để có thể chuyển hoá một vi mạch điều khiển lên thành chip 8 bit thì từ chip 8 bit lên 32 bit sẽ chỉ mất 2 năm. Khi vượt qua được ngưỡng cụ thể đó, mình sẽ chạy rất nhanh.”

Còn về sản phẩm smartphone thuần Việt được nhắc đến ở trên, đại diện công ty VNPT Technology cũng cho biết: từ thiết kế kiểu dáng, thiết kế mạch điện tử, viết phần mềm, kiểm soát chất lượng linh kiện, sản xuất ra sản phẩm và đo kiểm chất lượng đầu ra, tất cả những khâu này chúng ta đã làm chủ được.

Rõ ràng, các nhà sản xuất đều đã rất sẵn sàng cho những bước đi “chậm mà chắc” của mình. Yếu tố còn lại, quyết định xem liệu họ có thành công hay không, chính là nằm ở phía người tiêu dùng.

Người tiêu dùng nên làm gì?

Trả lời về những yếu tố để thương hiệu Việt có thể thành công, ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia đã nói: “Trước hết, đó phải là thương hiệu tạo ra sản phẩm được người Việt tự hào, mang tinh hoa, tâm hồn của của người Việt. Dĩ nhiên tự hào thôi chưa đủ, các sản phẩm đó còn phải được người Việt Nam tin dùng và ủng hộ rộng rãi. Bởi có như vậy, doanh nghiệp mới có đủ tiềm lực về tài chính để “bơi” ra biển lớn.”

Ông Dương Trung Quốc: “Tự hào thôi chưa đủ, các sản phẩm đó còn
Ông Dương Trung Quốc: “Tự hào thôi chưa đủ, các sản phẩm đó còn
phải được người Việt Nam tin dùng và ủng hộ rộng rãi” (Ảnh: Dân Trí/PV)


Phát biểu của ông Dương Trung Quốc cho thấy một điều rằng: Khi các nhà sản xuất đã tạo ra những sản phẩm hữu ích thì người tiêu dùng hãy đón nhận và đừng quay lưng với nó. Chừng nào người Việt còn chưa tin tưởng vào chất lượng của hàng Việt thì cơ hội vươn ra biển lớn của các doanh nghiệp còn khó khăn bội phần.

Một kết quả đáng mừng từ cuộc khảo sát trong năm 2014 của Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cho thấy, có 73,43% người được khảo sát khẳng định: "Khi mua hàng hóa, hàng Việt Nam là ưu tiên lựa chọn hàng đầu” của họ; 62,8% cho biết đã khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt. Đặc biệt, có hơn 28% cho biết trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, nay đã dừng mua hoặc ít mua hơn, thay vào đó là mua hàng Việt.

Một kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Hàn Quốc hay Nhật Bản chỉ ra rằng, doanh nghiệp chỉ có thể thành công và vươn ra thế giới một khi chinh phục và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ người tiêu dùng trong nước. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm mới để quay lại phục vụ người tiêu dùng.

Tương tự như vậy, nếu nhà sản xuất Việt mang đến cho người tiêu dùng những giá trị thật để người Việt tin dùng hàng Việt, thì cơ hội vươn tầm quốc tế của doanh nghiệp trong nước sẽ không còn xa vời.

T.T.